Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Chuyển biến trong ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 29/06/2023
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thời gian qua các địa phương ĐBSCL đã có nhiều giải pháp để tạo chuyển biến cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Long, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) về cơ bản đã đáp ứng theo mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (gọi tắt là Nghị quyết 24). Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 16/9/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1031/QĐ-UBND ngày 9/7/2014 về phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU. BCĐ về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2014-2020, giai 2021-2030 được thành lập để chỉ đạo công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã 2 lần phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó BĐKH vào năm 2016 và 2021, trong đó đã đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình trọng tâm, các dự án ưu tiên ứng phó BĐKH và là cơ sở cho hoạch định, cập nhật chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của ngành, địa phương trong giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Về giải pháp phi công trình, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Nhiều mô hình bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, các chương trình, dự án về giảm nhẹ khí nhà kính góp phần bảo vệ khí hậu đã được triển khai trên các ngành, lĩnh vực (phát triển năng lượng tái tạo- điện mặt trời, chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sản xuất vật liệu xanh, xây dựng công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái…); đặc biệt là mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ đã phát triển mạnh mẽ.

Sản xuất theo hướng GAP (sản xuất nông nghiệp tốt); trong đó, ứng dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng” hay “1 phải, 5 giảm”, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM), công nghệ sinh thái, kỹ thuật trồng lúa cải tiến SRI, lúa hữu cơ; mô hình sản xuất rau màu trong nhà lưới, nhà màng, tưới tiết kiệm nước… được triển khai ứng dụng có hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt.

Thực hiện chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP/ASC,VietGAP, BMP, chăn nuôi an toàn sinh học, triển khai chương trình khí sinh học biogas… đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng BĐKH.

Hệ thống giao thông bộ từng bước xây dựng, nâng cấp kết nối với hệ thống thủy lợi ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn, triều cường. Đã xây dựng 21 công trình dự báo, cảnh báo thiên tai đang hoạt động tốt phục vụ tích cực cho công tác dự báo. Hệ thống điện, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình đảm bảo thông suốt thông tin khi thiên tai xảy ra.

Ảnh minh họa

Huy động sự chung tay

Tại Cần Thơ, UBND thành phố ban hành Kế hoạch về việc nâng cao năng lực hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Theo đó, mục tiêu chung nhằm nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn thành phố Cần Thơ, góp phần vào nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho người dân nông thôn góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Về mục tiêu cụ thể là 100% HTXNN trên địa bàn thành phố Cần Thơ được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu từ đó có các biện pháp thích ứng phù hợp với từng điều kiện cụ thể nhằm năng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Xây dựng từ 3-5 mô hình HTXNN áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng sản xuất nông nhiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó để các HTXNN trên địa bàn học tập và nhân rộng. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, các sáng kiến, kinh nghiệm và chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Hoàn thiện các hệ thống thủy lợi, đê bao, cống trong các vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố.

Để đạt mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực; thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị; tăng cường kết nối, chia sẽ thông tin; tăng cường hợp tác trong thực hiện giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

K.Linh

Các tin khác