Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Rừng ngập mặn Lâm Hải – lá chắn xanh của biển Tây
Ngày đăng: 24/04/2024
Xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau là xã ven biển với đường bờ biển dài 14km nhưng nơi này không có đê chắn sóng. Chính những cánh rừng ngập mặn trở thành bức tường xanh vững chắc, bao bọc xóm ấp phía trong khỏi gió bão, sóng biển qua nhiều thế hệ.

Bảo vệ rừng gắn liền với bảo vệ sinh kế

Xã Lâm Hải cũng như tên, là nơi giao nhau của biển và rừng. Tổng diện tích tự nhiên của xã khoảng 12 nghìn ha thì khoảng 60% là diện tích rừng. Dân cư sống phân tán chủ yếu theo các tuyến sông rạch, thu nhập kinh tế bằng nghề nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy hải sản.

Cũng như nhiều địa phương vùng cửa biển, địa thế xã khá bằng phẳng và đan xen nhiều nhánh sông nhỏ, kênh rạch nối với sông Cái Lớn. Đi thuyền theo những nhánh sông ấy, cảm giác như đang lạc trong một mê cung với những hàng cây mắm, cây đước chạy dọc theo hai bên. Không cột mốc, không biển chỉ đường nhưng anh lái thuyền vẫn cua trái, quẹo phải một cách điêu luyện, dẫn chúng tôi tới ấp Trại Lưới B – nơi có vùng nuôi tôm xen với rừng ngập mặn đang dần chuyển mình theo hướng sinh thái, thuận tự nhiên.

Mắm, đước mọc san sát hai bên bờ sông, lạch nhỏ dẫn vào khu dân cư

Thời điểm buổi sáng chưa có triều dâng, nước cạn lộ ra bãi bùn dài lởm chởm rễ mắm. Bất chợt lại nhớ câu ca “Cây mắm đi trước cây đước theo sau”. Theo người dân địa phương, đầu tiên khi phù sa bồi đắp mới có bãi bồi bùn trống trơn. Quả mắm cắm rễ mọc trước, rễ chồi lên ken dày như bãi chông giữ phù sa không bị trôi đi nữa. Sau đó cây đước mới vươn rễ ra cắm chắc thành rừng. Khu vực rừng của Lâm Hải cũng vẫn còn giữ được diễn thế tự nhiên như vậy. Nếu đi theo chiều từ biển vào, đầu tiên chỉ có thuần các loài mắm phát triển trên nền đất mềm, kế đến bắt đầu xuất hiện tạo thảm thực vật hỗn giao mắm - đước. Vào sâu hơn phía trong nội địa, trên nền đất rắn hơn, cây mắm thưa dần và chủ yếu là cây đước.

Nơi đây thuộc phạm vi rừng phòng hộ biển Tây và cũng bởi vậy, quy định về quản lý, bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt. Hàng chục năm qua, sinh kế chủ yếu của người dân đến từ hoạt động nuôi tôm, cua và các loài thủy sản có vỏ dưới tán rừng ngập mặn. Dù có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản nhưng người dân địa phương luôn tuân thủ việc đảm bảo độ che phủ rừng trên ao nuôi phải đạt 60 – 70%. Trong những vuông tôm san sát nhau, đước trồi lên khỏi mặt nước, đẻ nhánh, rễ tua tủa như những chiếc nơm ken chặt vào nhau, bám sâu xuống nền đất nhão giúp cây đứng hiên ngang. Phóng mắt ra xa chỉ thấy một màu xanh ngút tầm mắt.

Giữa những ngày nắng nóng cao điểm giữa mùa khô, khu vực này vẫn luôn giữ được bầu không khí mát mẻ, dễ chịu. Theo ông Phạm Văn Lẫm, người dân ấp Trại Lưới B, tác động của biến đổi khí hậu rõ rệt nhất là thời gian hạn hán kéo dài, nhiệt độ cao làm giảm năng suất nuôi trồng thủy sản. Nhờ có rừng nên gió bão cũng không gây nhiều thiệt hại, thường mùa mưa bão, vấn đề lớn nhất là thủy triều dâng cao gây ngập lụt đường sá, nhà dân nhưng điều này vẫn có thể khắc phục được.

Khu vực rừng của Lâm Hải cũng vẫn còn giữ được diễn thế tự nhiên cây mắm đi trước, cây đước theo sau

Rừng chắn gió bão, rừng lại nuôi sống con người. Hình dung như vậy vì lá cây đước là nguồn thức ăn chính cho tôm, cua và các loài thủy sản dưới tán rừng. Kết hợp với vị trí là nơi giao nhau của hai dòng nước mặn – ngọt, nghề nuôi tôm rừng đã trở thành truyền thống của cư dân Lâm Hải nói riêng và huyện Năm Căn nói chung từ bao đời nay.

Từ đánh bắt tôm tự nhiên vào vuông nuôi, người dân đã biết mua thêm con giống về để tăng năng suất. Thấy được hiệu quả của mô hình tôm - rừng, địa phương không ngừng duy trì mở rộng về diện tích, số hộ nuôi, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường dưới tán rừng. Nhiều hộ đã tự trồng rừng để có không gian cho con tôm sinh thái sinh sống, chấp hành tốt các quy định về bảo đảm diện tích rừng trong quá trình nuôi.

Theo ông Trương Quốc Duẩn, Chủ tịch xã Lâm Hải, khoảng 3 năm trở lại đây, địa phương bắt tay cùng doanh nghiệp triển khai định hướng của tỉnh Cà Mau về phát triển mô hình tôm – rừng sinh thái, không sử dụng các chất gây ô nhiễm nguồn nước. Người nuôi tôm còn được hỗ trợ con giống khỏe, các giải pháp kỹ thuật, tập huấn và được chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm.

Qua 2 mùa thu hoạch, tôm cho chất lượng tốt với sản lượng đạt khoảng 150 – 250 kg/ha/năm. Quan trọng hơn, đây là con tôm sạch và hoàn toàn có thể xuất khẩu đi các thị trường quốc tế có giá trị cao với yêu cầu bảo vệ môi trường khắt khe. Nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, mà còn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng ngập mặn - một trong những chủ trương mà tỉnh Cà Mau ưu tiên thực hiện thời gian qua.

Trong tương lai, xã Lâm Hải sẽ nhân rộng quy mô nuôi tôm rừng ngập mặn theo hướng sinh thái với diện tích trên 5.000 ha rừng. Thực tế, đây cũng chính là việc làm cụ thể hóa thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy kinh tế nước mặn thuận theo tự nhiên làm đòn bẩy phát triển những vùng nông thôn ven biển miền Tây, thay vì cố xây dựng nhiều công trình ngăn mặn, giữ ngọt như trước kia.

Nuôi tôm dưới tán rừng là một trong những mô hình sinh kế đem lại hiệu quả cao cho người dân

Chung tay ngăn chặn nạn phá rừng

Cùng với nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, các lực lượng kiểm lâm, biên phòng của huyện Năm Căn cũng tích cực tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ. Tình hình rừng cơ bản đã được ổn định và đã phát triển tốt, tình trạng khai thác cây rừng tuy vẫn còn xảy ra nhưng với quy mô nhỏ, lẻ ít phức tạp. Do chủ động và quản lý chặt chẽ địa bàn nên khi có vi phạm xảy ra, các lực lượng đều phát hiện và ngăn chặn kịp thời, giúp giảm đáng kể thiệt hại rừng.

 Theo ông Lê Văn Duẩn, cán bộ đồn biên phòng cửa khẩu Năm Căn, những năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng nói chung và đồn Biên phòng cửa khẩu Năm Căn rói riêng thì cấp ủy ban chỉ huy đồn cảng Năm Căn rất quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền bà con nhân dân hiểu rõ hơn chắc năng và tác dụng của hệ thống sinh thái rừng ngập mặn. Nếu con người chặt phá rừng thì sẽ dẫn đến tác động xấu cho nuôi trồng thủy sản và hệ sinh thái. Những năm trước còn xuất hiện tình trạng phá rừng lấy gỗ đốt than, cất nhà, làm công trình... Sau này, nhu cầu than đước ít đi do người dân sử dụng các loại bếp hiện đại, cùng với kinh tế đi lên, khi các lực lượng triển khai tuyên truyền thì bà con đã hiểu hơn và đến nay, hầu như không xuất hiện tình trạng chặt phá rừng nữa.

Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng cũng phối hợp đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn triển khai hoạt động trồng cây ven biển, phát triển hệ thống bãi bồi. Đến nay, diện tích trồng mới đạt khoảng 1.500 ha, chủ yếu là các loại cây mắm, đước bản địa.

Các ao tôm phải đảm bảo độ che phủ rừng đạt 60 – 70%

Thực tiễn cho thấy, khi người dân ổn định sinh kế nhờ rừng, gắn với rừng thì họ sẽ càng quan tâm bảo vệ rừng. Cùng với tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân vùng rừng, các cấp chính quyền địa phương cũng đang hướng tới xây dựng cơ cấu xã hội nghề rừng ổn định, phù hợp với các mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc cải thiện và nâng cao tính bền vững của các hệ canh tác lâm-ngư nghiệp, tăng năng suất của rừng để nâng cao giá trị ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học của rừng ngập mặn Cà Mau.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cũng đã khởi động nghiên cứu tiền khả thi bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn để phát triển dự án carbon xanh tại 10 xã thuộc 4 huyện của tỉnh Cà Mau, trong đó có xã Lâm Hải. Nếu dự án này được triển khai sẽ đưa ra các chương trình khuyến khích nuôi tôm và các hoạt động nông nghiệp bền vững cho cộng đồng địa phương, hỗ trợ quá trình phục hồi tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đây.

Khánh Ly

Các tin khác