Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hà Tĩnh
Ngày đăng: 11/03/2020
Ngày 6/3/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì làm việc với Đoàn công tác của Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức về “Dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (VN-SIPA) sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức, trong đó có sự tham gia của tỉnh Hà Tĩnh.

Tham dự Buổi làm việc có đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan. Cuộc họp nhằm giới thiệu Dự án với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các đối tác liên quan của tỉnh; tham vấn kế hoạch chi tiết triển khai dự án, phương pháp tiếp cận và vai trò các bên liên quan trong quá trình thực hiện Dự án.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng nhóm công tác thực hiện Dự án VN-SIPA cho biết, Dự án VN-SIPA do Chính phủ Đức hỗ trợ thực hiện trong 4 năm (2019-2023) với tổng số vốn 10,3 triệu euro. Dự án gồm 5 hợp phần, trong đó hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình tham gia Hợp phần 3 - thực hiện thí điểm thích ứng dựa vào hệ sinh thái.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) cho biết, Hợp phần 3 của Dự án xây dựng và thực hiện các biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) và quản lý rủi ro khí hậu có sự tham gia cho các nông hộ thuộc các huyện dễ bị tổn thương, tỉnh Hà Tĩnh.

Hợp phần này hướng đến 5 mục tiêu: Cải thiện khả năng thích ứng và sinh kế cho nông hộ: Nông hộ nhỏ tại các vùng dự án tăng khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH việc thực hiện các mô hình EbA/CSA có lồng ghép giới và có khả năng nhân rộng; Nhân rộng qua cơ quan nhà nước và các đối tác khác: Phương pháp và mô hình EbA/CSA được tích hợp/triển khai thông qua kế hoạch, chương trình và chính sách của cơ quan nhà nước và các tổ chức khác; Hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng Kế hoạch thích ứng cấp tỉnh (NAP): Kinh nghiệm các hoạt động của dự án được đưa vào quy trình NAP của tỉnh. Nghiên cứu tình huống thực tế về tổn thất và thiệt hại ở Hà Tĩnh (sẽ được xác định sau); Xây dựng đề cương thích ứng với kế hoạch tài chính được xây dựng, phù hợp với các mục tiêu của tỉnh và quốc gia nhằm nhân rộng các biện pháp EbA/CSA.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định nội dung dự án rất thiết thực với Hà Tĩnh – địa phương mà ông Sơn cho biết các Sở, ngành của tỉnh sẽ thảo luận, trên cơ sở tiêu chí vùng, địa bàn lựa chọn đối tượng phù hợp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cam kết, tạo điều kiện tối đa để thực hiện Dự án, đồng thời giao Chi cục Thuỷ lợi là đơn vị đầu mối.

* Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hà Tĩnh, đoàn Cục Biến đổi khí hậu và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức đã tới thăm một số mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh.

Đó là mô hình sử dụng trụ cây thay thế cho trụ bê tông trồng cây tiêu. Việc sử dụng cây trụ để trồng hạt tiêu khắc phục một số nhược điểm của trụ bê tông. Vào mùa hè trụ bê tông nóng trong khi trụ cây có tán chế nắng, làm phân bón cho cây khô lá rụng, rễ tiêu bám sâu vào trụ cây chống đổ cây tiêu khi bão xảy ra. Bên cạnh đó cây trụ sống chống hạn tốt, độ bám của cây chắc hơn, tuổi thọ dài hơn. Mô hình này tăng tính cộng sinh giữa cây tiêu với hệ sinh thái.

Đoàn tham quan mô hình dùng cây ăn quả thay thế trụ tiêu bằng bê tông

Mô hình trồng cây ăn quả tích hợp hệ thống tưới nhỏ giọt tích kiệm nước đang được người dân xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh thực hiện. Người dân được tập huấn kỹ thuật để ươm giống (cây cam) và sản xuất các chế phẩm sinh học (người dân ngâm rượu, tỏi, ớt để kiểm soát sâu bệnh không dùng thuốc bảo vệ thực vật). Người dân tham gia Chương trình nông thôn mới và được hỗ trợ tiền giống, hỗ trợ hệ thống tưới nước nhỏ giọt ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Chu Thanh Hương