Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên: Thay đổi nhận thức và hành động
Ngày đăng: 05/08/2019
Theo cơ sở dữ liệu của Bộ Ngoại giao, Việt Nam đang là thành viên của 31 điều ước quốc tế song phương và 4 điều ước quốc tế đa phương về ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, việc thực hiện các điều ước quốc tế về lĩnh vực này đã mang lại nguồn lực đáng kể hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với không ít địa phương, việc thực hiện còn khó khăn, vướng mắc...

* Nỗ lực đáng ghi nhận

Giám sát tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) mà Việt Nam là thành viên tại ba tỉnh miền núi phía Bắc, gồm Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, các tỉnh đã chủ động triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các điều ước quốc tế về BĐKH. Các tỉnh cũng phân công cơ quan, đơn vị thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm dưới sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tổ chức, quản lý tài chính nhằm thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.

Đoàn giám sát ghi nhận, cả ba tỉnh đều có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH kết hợp với thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH. Đáng chú ý, như đã chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ và phát triển bền vững rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ khí thải nhà kính, quan tâm phát triển khoa học - công nghệ trong ứng phó với BĐKH...

Đơn cử, Yên Bái đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, tỉnh đã thực hiện 5 nhóm giải pháp. Trong đó, có việc xây dựng các kế hoạch, chương trình nhằm triển khai các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH và chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến ứng phó với BĐKH, như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... Xây dựng các quy hoạch phát triển KT - XH, quy hoạch ngành, lĩnh vực có tính toán tới các yếu tố ứng phó với BĐKH. Xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo kết hợp với ứng phó với BĐKH. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, tỉnh có 42 cụm chính sách và trong nhiệm kỳ này, tỉnh có 38 cụm chính sách. Chẳng hạn, trong cụm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp có chính sách hỗ trợ phát triển một số cây chủ lực như quế, sơn tra, măng tre, cây ăn quả có múi... vừa cho ra sản phẩm giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ và tăng độ che phủ rừng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Yên Bái

Nhờ những nỗ lực trên, việc thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH mà Việt Nam là thành viên tại ba tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về ứng phó với BĐKH đã thay đổi, đặc biệt là ý thức trồng rừng và bảo vệ rừng. Hệ thống công trình, dự án phòng tránh thiên tai và ứng phó với BĐKH trên địa bàn từng bước được đầu tư, gia cố, cải tạo.

* Điểm nghẽn về nguồn lực

Cùng chung đặc điểm về địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại ba tỉnh này còn khó khăn, trình độ dân trí thấp và chưa đồng đều... Do vậy, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các điều ước quốc tế về BĐKH mà Việt Nam là thành viên.

Thứ nhất, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Mặc dù Điều 6 Luật Điều ước quốc tế quy định: Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp, nhưng việc áp dụng trong thực tế thường gặp nhiều khó khăn, trở ngại do liên quan đến các quy định của nhiều ngành, nhiều cấp trong nước.

Chia sẻ khó khăn này với ba tỉnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho rằng, BĐKH có diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, và nhanh hơn so với dự báo. Hiện nay, các cơ chế, chính sách toàn cầu về ứng phó với BĐKH vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn nhiều tranh cãi giữa các quốc gia. Vì vậy, không riêng Việt Nam mà ngay cả các nước phát triển cũng lúng túng, khó khăn trong thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, khó khăn lớn mà địa phương gặp phải trước hết xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về BĐKH, dẫn đến sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và nhân dân chưa đồng đều. Vì vậy, các giải pháp về ứng phó với BĐKH chưa được thực hiện hiệu quả, xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương và các cấp cơ sở. Đoàn giám sát đề nghị, các tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này. Từ đó, có sự quan tâm đầu tư xứng đáng cho công tác ứng phó với BĐKH.

Thứ hai là nguồn lực tài chính để thực hiện. Qua khảo sát thực tế tại ba tỉnh, Đoàn giám sát nhận thấy, các dự án, công trình trong chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH đều mang tính cấp bách. Mặc dù được Chính phủ quan tâm phê duyệt nhưng có dự án đến nay vẫn chưa được triển khai, hoặc vốn rót từ Trung ương cho địa phương nhằm thực hiện các dự án, công trình chưa đáp ứng như cầu, hoặc chưa bảo đảm tiến độ thực hiện. Có trường hợp, nếu địa phương nhận được vốn đối ứng thì không nhận được vốn ODA, mà có vốn ODA thì không nhận được vốn đối ứng để thực thi dự án, công trình. Đáng lưu ý, việc triển khai một số dự án, công trình ở các tỉnh biên giới không chỉ liên quan đến công tác ứng phó với BĐKH mà cả yếu tố quốc phòng - an ninh, chủ quyền lãnh thổ, khiến việc huy động vốn và triển khai công trình khó khăn, phức tạp.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp, bên cạnh việc chủ động thực hiện các giải pháp tài chính, huy động nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính để phòng tránh thiên tai và ứng phó với BĐKH, Đoàn giám sát cho rằng, các địa phương cần có thứ tự ưu tiên trong lựa chọn trong đầu tư cho lĩnh vực này. Đối với những công trình, dự án cấp bách, cần kiến nghị Trung ương có cơ chế riêng nhằm phân bổ ngân sách thực hiện, thay vì theo quy trình của Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Một thực tế là: Từ trước đến nay, ứng phó với BĐKH ở nước ta thường được thực hiện theo hình thức tự nguyện, tức là khi có hỗ trợ từ quốc tế hoặc khi có các lợi ích quốc gia. Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường Trương Đức Trí cho biết, theo quy định của Thỏa thuận Paris, từ năm 2021 trở đi, trách nhiệm ứng phó với BĐKH là ngang bằng giữa các quốc gia. Vì vậy, các quốc gia thành viên Thỏa thuận Paris, trong đó có Việt Nam, cần nhận thức rõ điều này. BĐKH là vấn đề toàn cầu, là thách thức của nhân loại trong thế kỷ XXI. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng của BĐKH. Do đó, cần có thay đổi mạnh mẽ hơn về nhận thức và hành động trong ứng phó với BĐKH của tất cả các cấp, ngành, địa phương cũng như cá nhân trong xã hội.

Tới đây, cần xây dựng Chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH, nhằm bảo đảm nguồn tài chính bền vững đáp ứng công tác ứng phó, giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH. Trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, xem xét và ban hành nghị quyết về chiến lược và kế hoạch phát triển KT - XH thời gian tới, QH cần quan tâm hơn tới việc tích hợp, lồng ghép các nội dung về BĐKH. Trước mắt, tích hợp, lồng ghép vào Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2021 - 2025).

Và từ thực tế tại các tỉnh vùng trung du - miền núi phía Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị, cần xác định lại con đường phát triển của những tỉnh này trong Chiến lược phát triển KT - XH trong 10 năm tới (2021 - 2030). Được coi là “lá phổi” quốc gia, là nguồn dự trữ tài nguyên nguồn nước, dự trữ sinh quyển của quốc gia và quốc tế, khu vực này cần có chính sách phát triển dài hạn phù hợp. Không nên đặt nặng mục tiêu phát triển KT - XH nhanh, mà cần có các chính sách phát triển toàn diện và bền vững, gắn với nhiệm vụ ứng phó BĐKH.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, không ngừng khẳng định vai trò thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Vì vậy, thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH mà Việt Nam là thành viên không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn là hình ảnh của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, thể hiện cam kết nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này.

Ngọc Khánh (Báo Đại biểu nhân dân)

Các tin khác