Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Bến Tre: Chủ động mọi nguồn lực đưa Nghị quyết 120 vào cuộc sống
Ngày đăng: 08/04/2019
Để đánh dấu những kết quả bước đầu sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120), PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre xung quanh những thách thức, nhiệm vụ và giải pháp để góp phần phát triển bền vững tại địa phương.

PV: Xin ông cho biết từ khi Chính phủ ban hành Nghị Quyết 120, tỉnh Bến Tre đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp gì để tổ chức thực hiện?

 

Ông Nguyễn Hữu Lập: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị Quyết 120, UBND tỉnh Bến Tre tiến hành lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết vào kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020, đồng thời trình Bộ TN&MT danh mục dự án ưu tiên thực hiện Nghị quyết 120 trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Trong đó, tỉnh hiện tại đang triển khai nhiệm vụ trọng tâm như:

 

 

Một là, xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo mặn tự động. Theo đó, xây dựng 20 trạm quan trắc trên các nhánh sông chính của tỉnh và nhà điều hành xử lý, truyền thông tin độ mặn kịp thời đến nhân dân. Hệ thống thông tin, dữ liệu có thể kết nối, chia sẻ cho các tỉnh trong vùng. Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2020.

 

 

Hai là, “Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức du lịch sinh thái Đồng bằng sông Mekong”. Dự án nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và tận dụng dịch vụ hệ sinh thái trong thích ứng BĐKH thông qua thành lập Khu dự trữ sinh quyển và Trung tâm tri thức du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Hiện tại, UBND tỉnh đã phê duyệt đề xuất dự án. Trong năm 2019, sẽ trình đề xuất dự án này gửi đến Bộ TN&MT để tranh thủ nguồn hỗ trợ Trung ương, tài trợ Quốc tế triển khai dự án. Dự án này rất có tiềm năng liên kết vùng ĐBSCL, các vùng trong nước và ngoài nước trong thích ứng BĐKH.

 

 

Ba là, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến năm 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Bến Tre. Qua dự án, các bản đồ kịch bản, xu thế tác động, cơ hội và thách thức BĐKH đối với tỉnh Bến Tre sẽ được cập nhật và xác định, làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 - 2030. Các Sở, ngành và địa phương lồng ghép thích ứng vào nhiệm vụ, kế hoạch phát triển dự án.

 


 

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

 

Ngoài ra, nhiệm vụ trọng tâm khác đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre rất quan tâm là “Phát triển Cồn Ốc, xã Hưng Phong (Giồng Trôm) thích ứng BĐKH”. Trong thời gian qua, nhân dân nơi đây thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất do xâm nhập mặn, ô nhiễm nước mặt, xu hướng triều cường ngày càng dâng cao gây ngập và sạt lở bờ sông. Hướng xây dựng mô hình thích ứng BĐKH không chỉ cho tỉnh Bến Tre mà cả vùng ĐBSCL. Dự kiến trong tháng 4-5/2019 sẽ trình Trung ương hỗ trợ nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng và triển khai dự án.

 

 

PV: Ông có nhận định gì về những thách thức do BĐKH, nước biển dâng thời gian tới tại Bến Tre?

 

Ông Nguyễn Hữu Lập: Từ thực tế các tác động của BĐKH đến ĐBSCL và gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian qua, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bến Tre có mấy nhận định sau đây:

 

 

Thứ nhất, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt do nước biển dâng, khô hạn kéo dài làm ranh giới mặn 4‰ ngày càng đi sâu vào vùng ngọt đến 60-70km. Vấn đề sẽ trầm trọng hơn nếu đồng thời thiếu hụt lượng nước sông Mekong đổ về, trong khi hiện tại các công trình thủy lợi ngăn mặn điều tiết nước của tỉnh chưa hoàn thành, khép kín. Mặt khác, nguồn nước mặt trên các sông, rạch nội đồng có dấu hiệu ô nhiễm do canh tác nông nghiệp, thủy sản không bền vững.

 

 

Thứ hai, gia tăng tình trạng sạt lở, ngập ở các vùng đất thấp ven biển, ven sông. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT năm 2016, Bến Tre là một trong những tỉnh ven biển có tỉ lệ ngập cao với 22,2% diện tích tỉnh ngập khi mực nước biển dâng 100cm. Vừa qua, ngành chức năng của tỉnh cũng đã thống kê, trên toàn tỉnh có 104 điểm sạt lở bờ sông; 08 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 19,4 km.

 

 

Thứ ba, các hiện tượng thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn, triều cường, các cơn bão từ biển Đông do BĐKH đã diễn biến bất thường. Trong khi đó, năng lực dự báo, cảnh báo của tỉnh, năng lực thích ứng của nhân dân còn hạn chế. Các mô hình sinh kế, canh tác, cây trồng thích ứng BĐKH cần có thời gian để nghiên cứu, thực nghiệm chuyển đổi và nhân rộng.

 

 

 Ngoài ra, nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học do ranh giới mặn lấn vào vùng ngọt làm thay đổi môi trường sống sinh vật; và môi trường sinh thái tự nhiên cần được bảo vệ, phục hồi trước việc xây dựng các công trình cống, đập ngăn mặn tạo thành hồ trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt và chất thải từ canh tác nông nghiệp.


 

Tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông tại Bến Tre diễn biến phức tạp

 

PV: Tình trạng khai thác nguồn tài nguyên thời gian qua, và việc quản lý tài nguyên trên địa bàn Bến Tre trong thời gian tới được đặt ra như thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Hữu Lập: Một trong những tài nguyên quan trọng, giá trị kinh tế, phục vụ xây dựng dân dụng, các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bến Tre là cát lòng sông. Tuy nhiên vấn nạn về khai thác cát trái phép vẫn là vấn đề mà tỉnh đang đối mặt trong quản lý tài nguyên cát sông.

 

 

Nhìn chung trong thời gian 5 năm trở lại đây, quản lý nhà nước về khai thác cát tỉnh Bến Tre được quan tâm nhiều hơn, quản lý hiệu quả hơn. UBND tỉnh ban hành chỉ thị, xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện giữa các Sở, ngành và địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

 

 

Bên cạnh thành lập Ban chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác khoáng sản cấp tỉnh để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và tình huống phát sinh trong quản lý khai thác cát lòng sông. Thêm vào đó, Công an 4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long xây dựng kế hoạch phối hợp, trao đổi thông tin liên lạc, tuần tra, kiểm tra để đấu tranh phòng, chống tội phạm khai thác cát trái phép.

 

 

Trong giai đoạn 2019 - 2020, nhằm khai thác, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên trong điều kiện BĐKH, tỉnh đã đánh giá trữ lượng và sẽ thực hiện đấu giá quyền khai thác 5 mỏ cát trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chỉ đạo ngành TN&MT xây dựng danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nhằm sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên nước mặt, nước dưới lòng đất.

 


Biển xâm thực, nhiều diện tích rừng phòng hộ bị biến mất

 

PV: Còn việc xây dựng phương án quy hoạch, chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển bền vững thích ứng với BĐKH tại Bến Tre?

 

Ông Nguyễn Hữu Lập: Trên cơ sở Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, HĐND tỉnh Bến Tre đã ban hành quy định về chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

 

 

Theo đó, diện tích tối thiểu của đất nông nghiệp tập trung được hưởng chính sách tối thiểu là 10 ha. Hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tập trung đất nông nghiệp là 10 triệu đồng/ha nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/ha. Ngân sách hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi thực hiện tập trung đất nông nghiệp.

 

 

Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển bền vững, trong thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên bố trí đất, giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm ứng phó BĐKH như quản lý nguồn nước tỉnh Bến Tre; đồng thời quy hoạch bố trí đất cho các vùng phát triển năng lượng tái tạo gồm điện gió, năng lượng mặt trời tại 3 huyện vùng ven biển của tỉnh.

 

 

Về sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, phát triển kinh tế biển, ngành TN&MT đã “Thực hiện phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Qua đó xác định 10 tiểu vùng ưu tiên phát triển bao gồm năng lượng sạch (điện gió, điện năng lượng mặt trời), cảng, đô thị, du lịch, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, diêm nghiệp và vùng phát triển đa mục tiêu.

 

 

PV: Để góp phần sớm đưa Nghị quyết 120 đi vào cuộc sống, ông có đề xuất, kiến nghị gì về lĩnh vực ngành TN&MT để giúp địa phương Bến Tre nói riêng và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói chung phát triển bền vững thích ứng với BĐKH?

 

Ông Nguyễn Hữu Lập: Trên tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ phát triển bền vững, trong lĩnh vực ngành TN&MT, tôi nhận thấy cần có đánh giá, dự báo khoa học biến động vùng bờ sông, ven biển cho vùng ĐBSCL, trong đó có Bến Tre để đưa ra giải pháp thích ứng phù hợp cho từng khu vực.

 

 

Đồng thời, tăng cường các giải pháp mềm như bảo vệ và khôi phục vành đai rừng phòng hộ ven biển, kết nối hành lang rừng các tỉnh ven biển ĐBSCL. Nội dung này có thể xem xét thực hiện thông qua việc thành lập các khu bảo tồn sinh thái, dự trữ sinh quyển phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái, kinh tế biển.

 

 

Riêng đối với tỉnh Bến Tre, với các dự án thí điểm thích ứng BĐKH về bảo tồn đa dạng sinh học theo mô hình Đồng bằng Danube, phát triển bền vững Cồn Ốc,… địa phương rất mong muốn có sự đồng thuận, quan tâm hỗ trợ nguồn lực của Trung ương, của Quốc tế để triển khai các dự án tiềm năng nhân rộng, liên kết phát triển vùng.

 

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bạch Thanh (thực hiện)

Các tin khác