Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Bế mạc Hội nghị Ban Bổ trợ Khoa học Công nghệ lần thứ 48, Ban Bổ trợ Thực hiện lần thứ 48 và Nhóm Công tác đặc biệt về Thỏa thuận Paris lần thứ năm
Ngày đăng: 12/05/2018
Ngày 10 tháng 05 năm 2018, Đoàn Việt Nam đã kết thúc chuyến công tác tại Bonn tham dự Hội nghị Ban bổ trợ Khoa học Công nghệ lần thứ 48 (SBSTA48), Ban Bổ trợ Thực hiện lần thứ 48 (SBI48), Cuộc họp Nhóm Công tác đặc biệt về Thỏa thuận Paris lần thứ năm (APA1-5) được tổ chức trong các ngày từ 30 tháng 04 năm 2018 đến ngày 10 tháng 5 năm 2018.

Các nội dung thảo luận để xây dựng Chương trình Nghị sự thực hiện Thoả thuận Paris tuy đã đạt được một số tiến bộ tại cuộc họp lần này nhưng tất cả các nội dung hiện đều còn hết sức phức tạp. Các Bên đã thống nhất tổ chức thêm một đợt thảo luận trực tiếp nữa vào tháng 9 năm 2018 tại Bangkok để làm rõ các lựa chọn trình Hội nghị cấp cao COP24 quyết định. Tuy nhiên, vấn đề khó giải quyết giữa hai nhóm nước phát triển và nhóm nước đang phát triển từ nhiều năm nay lại tiếp tục ngự trị và ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung của Dự thảo Chương trình nghị sự thực hiện Thoả thuận Paris. Nhóm các nước đang phát triển quan tâm nhiều đến thích ứng và đòi hỏi nguồn lực đóng góp một cách minh bạch, có kế hoạch, có đánh giá kiểm điểm từ các quốc gia phát triển để giúp các nước đang phát triển ứng phó với BĐKH. Nhóm các nước phát triển nhìn chung chỉ quan tâm đến giảm nhẹ và minh bạch hoá hoạt động giảm nhẹ của tất cả các nước và đẩy các cam kết tài chính trước đây sang khối doanh nghiệp để thực hiện các cam kết về tài chính của nhóm nước này trong hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó BĐKH.

 

 

 

Đoàn Việt Nam tham dự phiên bế mạc Hội nghị

         Vấn đề nguồn lực hỗ trợ không hoàn lại từ các nước phát triển cho ứng phó với BĐKH, dù trực tiếp qua các thoả thuận song phương, hay gián tiếp qua các định chế tài chính quốc tế, sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới. Nguồn lực chủ yếu cho ứng phó BĐKH sẽ từ khối doanh nghiệp. Để khuyến khích khối tư nhân tham gia thực hiện Thoả thuận Paris, các Bên đã thảo luận nhiều về vấn đề đồng lợi ích trong ứng phó với BĐKH. Vấn đề nguồn lực hỗ trợ không hoàn lại từ các nước phát triển cho ứng phó với BĐKH, dù trực tiếp qua các thoả thuận song phương, hay gián tiếp qua các định chế tài chính quốc tế, sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Một điểm nhấn trong Hội nghị lần này là Đối thoại Talanoa. Đối thoại Talanoa gồm 2 giai đoạn: giai đoạn kỹ thuật và giai đoạn cấp cao. Ở giai đoạn kỹ thuật, các Bên tập trung thảo luận 3 câu hỏi: (1) Chúng ta đang ở đâu? (2) Chúng ta muốn đi đâu? và (3) Làm thế nào đến được đó? Kết quả giai đoạn này sẽ là báo cáo tổng hợp để trình lên Hội nghị cấp cao xem xét. Đây là hình thức mới để chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu và kế hoạch của các quốc gia trong việc thực hiện các hành động ứng phó. Kết quả của Đối thoại chỉ là những bản báo cáo trình lên Hội nghị cấp cao và không có giá trị ràng buộc thực hiện. Qua hơn 700 bài tham luận chia sẻ của các Bên tham gia đối thoại, có thể thấy các quốc gia đã khéo léo lồng ghép quan điểm của mình vào nội dung các tham luận. Hiện các nước ASEAN cũng đang xây dựng nội dung Đối thoại Talanoa của ASEAN để đưa ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 sẽ được tổ chức tại Singapore ngày 10 tháng 7 năm 2018.

 

 

 

Việt Nam cũng tham gia chia sẻ 3 nội dung ứng với mỗi câu hỏi. Với câu hỏi 1, Việt Nam đã chia sẻ về tác động của BĐKH và nỗ lực ứng phó của Việt Nam. Với câu hỏi 2, Việt Nam mong muốn Thoả thuận Paris được thực hiện đầy đủ, phản ánh đúng các nguyên tắc của UNFCCC và điều kiện cụ thể của quốc gia. Với câu hỏi 3, Việt Nam đã nêu các giải pháp để thế giới và mỗi quốc gia cùng thực hiện là giảm nhẹ phát thải trước 2020; chi tiết hoá các nội dung Thoả thuận Paris với việc áp dụng mang tính linh hoạt và hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các quốc gia nghèo dễ bị tổn thương do BĐKH.

Sau khi kết thúc Hội nghị SB48 tại Bonn, Cục Biến đổi khí hậu cần chuẩn bị các nội dung để tham dự Phiên họp APA1-6 tại Bangkok vào tháng 9 năm 2018 để góp ý cho việc xây dựng hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris và chuẩn bị cho Đoàn Việt Nam tham dự Cuộc họp lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) được tổ chức tại Katowice, Cộng hòa Ba Lan từ ngày 03 đến ngày 14 tháng 12 năm 2018.

Cục BĐKH

Các tin khác