Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Lấy con người làm trung tâm phát triển bền vững ĐBSCL
Ngày đăng: 01/12/2017
Được đánh giá là luồng gió tư duy mới, đưa ra những định hướng lâu dài cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vừa được Chính phủ ban hành nêu rõ, cần lấy con người làm trung tâm phát triển bền vững ĐBSCL. Để làm được điều này nâng cao nhận thức người dân, năng lực cán bộ đóng vai trò then chốt.

 
Sản xuất nông nghiệp thích nghi với BĐKH

 Nhận thức chưa cao

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án “Tăng cường năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL”, gần 13% hộ gia đình trong khu vực ĐBSCL bị mất hoàn toàn hoặc buộc phải bỏ hoang diện tích đất đai, mặt nước sản xuất hoặc giảm hệ số sử dụng đất nông nghiệp. 16,6% số hộ chịu thiệt hại về nhà cửa đất đai. Chi phí để phục hồi, cải tạo lại đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bình quân là 19,16 triệu đồng/hộ/năm.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất là hơn 50% số hộ bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu chưa từng nghe, hoặc có nghe nhưng không có ý niệm gì về thuật ngữ “BĐKH” và hơn 32% hộ gia đình bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không quan tâm tới vấn đề BĐKH.

Do vậy, nâng cao nhận thức người dân, năng lực cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, huyện và nông dân của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL là mục tiêu của dự án “Xây dựng, triển khai chiến lược truyền thông và phổ biến thông tin về những nguyên tắc và khuyến nghị của Kế hoạch ĐBSCL” vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi động.

Định hướng sống chung, thích nghi

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, một trong những tư duy đột phá của Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Kế hoạch ĐBSCL) là tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. “Do đó chúng ta phải sống chung, thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội; chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý”, ông Tấn nói.

Kế hoạch ĐBSCL là tài liệu tham khảo và định hướng cho Chính phủ, đề ra những nguyên tắc về phát triển bền vững cân nhắc đến hai yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bao gồm BĐKH ở đồng bằng. Kế hoạch đã đưa ra gợi ý về phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế tự nhiên của ĐBSCL cùng các khuyến nghị liên quan đến quản lý tài nguyên nước, thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL trong thời gian tới.

Theo đó, xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: Thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực.

Hướng đến xây dựng một ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý…

K.Linh

Nguồn: Monre
Các tin khác