Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Nhận diện thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐSBCL
Ngày đăng: 26/09/2017
Trong ngày làm việc đầu tiên 26/9 của Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tập trung thảo luận vào các chuyên đề lớn là: Chuyên đề tổng quan về thách thức cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL; Chuyên đề nông nghiệp bền vững, hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở; chuyên đề quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL.

  

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đồng chủ trì phiên họp chuyên đề chiều 26/9 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đồng chủ trì phiên họp chuyên đề chiều 26/9

Đánh giá một cách toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đặt ra đối với vùng ĐBSCL

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị chuyên đề Chuyên đề tổng quan về thách thức cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL. Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cùng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tại phiên chuyên đề tổng quan về thách thức cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐSBCL; định hướng chuyển đổi nông nghiệp bền vững cho các tiểu vùng tại ĐBSCL; định hướng thuỷ lợi phát triển bền vững thích ứng với BĐKH; các giải pháp chuyển đổi sinh kế bền vững tại ĐBSCL; thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL và các giải pháp ứng phó, các cách tiếp cận chuyển đổi có tính đến rủi ro khí hậu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại ĐBSCL, quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL…

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc chủ trì phiên họp chuyên đề sáng 26/9

 

Điều hành phiên họp chuyên đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết:  ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng nhưng nhạy cảm trước các tác động. Quá trình phát triển, vùng ĐBSCL nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và tâm huyết của nhiều đồng chí lãnh đạo các thời kỳ.

Đây là Hội nghị đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đặt ra đối với vùng ĐBSCL, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện, bền vững cho toàn vùng.

Kinh nghiệm từ triển khai thực hiện các hoạt động chuyển đổi trong mô hình này sẽ là cơ sở để xem xét nhân rộng đối với các vùng kinh tế sinh thái trong cả nước; đóng góp kinh nghiệm cho khu vực và toàn cầu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất trăn trở trước những thách thức, đe dọa đến phát triển bền vững của vùng ĐBSCL từ tác động kép của quá trình phát triển nội tại chưa bền vững, của biến đổi khí hậu, của các hoạt động từ thượng nguồn; lo lắng khi sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra đối với Hội nghị là khả thi, thực chất, cụ thể: Hội nghị phải đưa ra được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.

Phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển. Thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mô hình phát triển phải thích ứng, chủ động trước xu thế biến đổi về tự nhiên như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng,… Các quyết sách, chuyển đổi lớn phải trên cơ sở vai trò trung tâm của người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đưa được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên; các phương án, giải pháp phải căn cơ, có tính khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động; có biện pháp, giải pháp thu hút được tối đa các nguồn lực nhằm phát triển bền vững bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng tại phiên họp chuyên đề này chúng ta cần phải đánh giá được vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế tự nhiên bao gồm: đất, nước, thiên nhiên, khí hậu, con người… đồng thời đánh giá được những thách thức đặt ra đối với khu vực này. Từ đó đề ra được chiến lược, sách lược, quy hoạch phát triển của vùng ĐBSCL.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc chủ trì phiên họp chuyên đề sáng 26/9 

 

Suy giảm mực nước dưới đất và những nỗi lo về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Tại phiên chuyên đề buổi sáng 26/9, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho biết về xu thế diễn biến nguồn nước vào ĐBSCL thời gian gần đây. Căn cứ vào chuỗi số liệu từ 1996-2016 cho thấy, dòng chảy vào ĐBSCL có xu hướng giảm: Tổng dòng chảy mùa lũ vào ĐBSCL có xu thế giảm, trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,87 tỷ m3 (tương ứng khoảng 120 m3/s), trong đó lượng giảm trên nhánh sông Tiền chiếm 60%. Tổng lượng dòng chảy mùa lũ của các năm 2010, 2012, 2015 và 2016 nhỏ hơn trung bình nhiều năm (chỉ đạt khoảng 75-90% so với TBNN), gây ra sụt giảm lượng trữ nước cho mùa cạn. Tổng dòng chảy mùa cạn vào ĐBSCL có xu thế giảm, trung bình mỗi năm giảm khoảng 0,18 tỷ m3 (tương ứng khoảng 11,7 m3/s). Tổng dòng chảy mùa cạn vào ĐBSCL của các năm 2010, 2013, 2015 và 2016 nhỏ hơn trung bình nhiều năm (chỉ đạt khoảng 75-90% so với TBNN), đã gây ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Đánh giá về tình hình suy giảm mực nước dưới đất ở ĐBSCL, ông Hoàng Văn Bảy cho biết: Kết quả tài liệu quan trắc nước dưới đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 1995 đến nay cho thấy, mực nước của hầu hết các tầng chứa nước ở vùng ĐBSCL đều có xu hướng suy giảm với các mức độ khác nhau, lớn nhất là 0,93m/năm, trung bình khoảng 0,2 đến 0,4m/năm và có nhiều vùng suy giảm không đáng kể hoặc không suy giảm. Trong đó, các tầng chứa nước có chiều sâu trung bình, lớn và là đối tượng khai thác chủ yếu có mức độ suy giảm lớn hơn các tầng chứa nước nằm nông.

Cụ thể như sau: Các tầng chứa nước nằm sâu (gồm tầng n13, n21, n22): Một số khu vực mực nước có xu hướng suy giảm liên tục, với tốc độ giảm từ gần 0,3 đến 0,9 m/năm. Trong đó khu vực có tốc độ giảm mực nước lớn là: Long An, Cà Mau, Trà Vinh, suy giảm từ 0,5 đến 0,9m/năm (khu vực thành phố Cà Mau có tốc độ suy giảm lớn nhất từ 0,6 đến 0,9 m/năm). Các khu vực Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Long có tốc độ suy giảm mực nước trung bình khoảng từ 0,3 đến 0,5m/năm. Các khu vực còn lại có tốc độ giảm nhỏ hơn, trung bình khoảng từ 0,2 đến 0,3m/năm hoặc không suy giảm.

Các tầng chứa nước nằm ở độ sâu trung bình (gồm tầng qp1, qp23): Tại một số khu vực mực nước cũng đang có xu hướng giảm, với tốc độ giảm từ 0,3 đến 0,93m/năm, trong đó tại khu vực thành phố Cà Mau có tốc độ giảm mực nước lớn nhất (0,93m/năm). Các khu vực Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng mực nước suy giảm trung bình từ 0,3 đến 0,5m/năm. Riêng tại khu vực Đồng Tháp mực nước các tầng này khá ổn định; Các tầng chứa nước nằm nông (gồm tầng qp3 và qh): Mực nước khá ổn định, không bị suy giảm hoặc suy giảm không đáng kể (từ 0 đến 0,15m/năm). Riêng tại khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu, mực nước các tầng này có xu hướng dâng lên theo thời gian.

Theo ông Hoàng Văn Bảy, nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm mực nước dưới đất như sau:  Do cấu tạo địa chất của ĐBSCL, nước dưới đất ở đây tồn tại trong một cấu trúc dạng “bồn” với nhiều tầng chứa nước xen lẫn các tầng cách nước và thấm nước yếu, có chiều dày tăng dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, tạo nên các tầng chứa nước áp lực (các tầng càng nằm sâu thì áp lực của nước càng lớn). Do mức độ khai thác nước ngày càng tăng cả về số lượng công trình, quy mô khai thác, nhất là trong khoảng 15 năm trở lại đây. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng suy giảm mực nước ngầm trong vùng, nhất là các khu vực tập trung công trình khai thác lớn.

 

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại phiên họp chuyên đề chiều 26/9

 

 

 Đại diện WB phát biểu tại phiên họp chuyên đề buổi sáng 26/9


GS.TSKH Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại phiên họp chuyên đề sáng 26/9

 

Phát biểu tại phiên họp chuyên đề này buổi sáng 26/9, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã nêu ra 5 vấn đề đáng lo của ĐBSCL và cần các giải pháp nếu không trong khoảng 100 năm nữa vùng đồng bằng này có thể biến mất.

Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể nói ông hình dung trong giai đoạn sắp tới ĐBSCL đứng trước nguy cơ lớn về thiên tai. Đó là nước biển dâng, là những cơn bão lớn, lốc xoáy sẽ đến và làm đảo lộn hết các sinh hoạt, kể cả sản xuất. Do đó người dân rất cần nhưng thông tin cảnh báo.

Giải pháp cho người dân và chính quyền là cần cung cấp cho họ dự báo kịp thời, cập nhật theo thời gian rồi cung cấp các kịch bản cho chính quyền và người dân biết một vài năm tới điều gì sẽ diễn ra ở ĐBSCL. Cho họ biết 5-10 năm nữa hay 30 năm nữa điều gì diễn ra ở ĐBSCL để người dân cũng như chính quyền có những chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp, tạo an sinh và thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu.

Hoặc nỗi lo khi dông lốc lớn đến ĐBSCL. Đây cũng là thảm cảnh hết sức nguy hiểm vì vùng này được mệnh danh là vùng hiền hòa, không có mưa bão, không có dông lốc lớn. Nếu có các cơn bão, dông lốc cấp 10-11 tôi nghĩ hầu như các nhà cửa ở ĐBSCL sẽ hư hỏng hoàn toàn. Đây là thảm cảnh nguy hiểm, do đó cần các cơ quan, các bộ cảnh báo, đưa ra mô hình thích ứng.

Và ngay từ bây giờ, những khu xây dựng mới cần có mô hình nhà ở thích nghi được với biến đổi khí hậu, nếu làm tiếp nhà theo mô hình cũ, khi có những cơn bão lớn, dông lốc lớn, chắc chắn ở đây sẽ xảy ra thảm hoạ rất nghiêm trọng.

Vấn đề nữa là khi nước biển dâng, nước ngọt sẽ rất hạn chế và nước biển sẽ xâm nhập sâu vào trong đồng bằng, khi đó sinh kế của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Người dân bao đời nay sống bằng nghề trồng lúa, nuôi cá nước ngọt, giờ chuyển qua mô hình nước lợ, nước mặn là rất khó. Nước lợ trồng được cây gì, nuôi được con gì cũng là việc khó.

Như vậy, người dân ở đây phải luôn luôn điều chỉnh canh tác, điều chỉnh hạ tầng, vì thế rất cần phải có các chính sách ưu đãi hỗ trợ để người dân thích ứng để chuyển đổi vì họ là những người nghèo.

 

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng phát biểu tại phiên họp chuyên đề sáng 26/9

 

Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể, ĐBSCL hiện nay đang có nguy cơ chìm sâu trong nước biển. Nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi khí hậu, tan băng làm nước biển dâng cao lên. Tiếp nữa là do khai thác nước ngầm quá mức nên một số cùng như Sóc Trăng trong 25 năm qua đã lún xuống 25cm.

Khi nước biển dâng mà mặt đất lại lún xuống, khu vực này đứng trước nguy cơ chìm dần trong nước biển. Hà Lan là quốc gia phát triển và giàu, họ có thể thích ứng được, nhưng Việt Nam không có tiềm năng kinh tế như Hà Lan, nếu không có giải pháp phù hợp thì không thể giải quyết được. Hiện ở Sóc Trăng, hệ thống đê bằng đất đã cũ nát, cộng với sự tàn phá của BĐKH nên nhiều tuyến đê biển và rừng phòng hộ ven biển đã bị sạt lở rất nghiêm trọng cần phải có nguồn vốn cấp bách để cải tạo, nâng cấp...

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đề nghị Chính phủ cần giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất, để hạn chế nước biển dâng, đặc biệt lúc triều cường cao, cần có giải pháp hình thành các khu rừng ngoài biển, cản dòng nước triều, đây là giải rất cần cho các tỉnh ven biển. Nhưng vì các tỉnh ven biển đa số là tỉnh nghèo, muốn làm được thì Chính phủ cần có những chính sách và chỉ đạo để các bộ ngành hỗ trợ. Thứ hai, để hạn chế được lún sụt đất trong khi ĐBSCL có nước mặt dồi dào cần có giải pháp hình thành các nhà máy nước mặt cung cấp nước sạch cho người dân và khuyến cáo người dân không sử dụng nước ngầm nữa, vì nếu không ngăn được ĐBSCL chìm sâu thì người dân càng khổ…

Bài và ảnh: Việt Hùng

Các tin khác