Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu: Đẩy mạnh tuyên truyền về biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 30/06/2015
Thời gian qua Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) đã có nhiều hoạt động để tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH tới đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tới các nhà quản lý, hoạch định chính sách.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục KTTV &BĐKH cho biết: Để chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đối với mọi người dân và đặc biệt các nhà quản lý, hoạch định chính sách, việc hiểu đúng bản chất vấn đề BĐKH, mối quan hệ gắn kết, qua lại giữa BĐKH với quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Do đó, với vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác ứng phó với BĐKH, thời gian qua, Cục KTTV&BĐKH đã cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông. Theo đó, các hoạt động và cách thức tuyên truyền đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với nhiều đối tượng ở các cấp, đảm bảo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động, nhằm tạo sức lan tỏa nhanh và sâu, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của nhân dân và các nhà quản lý, hoạch định chính sách. 
Thông qua nhiều kênh, hình thức khác nhau, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về BĐKH đã được triển khai đến các cấp, các ngành, đến mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH. Do đó, tính đến nay, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH, ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng được kế hoạch ứng phó với BĐKH; triển khai nghiên cứu đánh giá được tác động của BĐKH đến một số lĩnh vực dựa vào kịch bản BĐKH, nước biển dâng; xây dựng và phát triển năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao điều kiện phòng, chống thiên tai cho các khu dân cư tại các vùng có nguy cơ, vùng ngập lũ, vùng ven biển... Tuy nhiên, hiện nay BĐKH đang diễn biến ngày càng phức tạp. Trái đất đang nóng lên, mực nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam lại có điểm xuất phát là một quốc gia nghèo, trình độ phát triển lạc hậu nên việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH còn gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế đã cho thấy, những người sống trong vùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của BĐKH đa phần là người nghèo, mức độ dân trí cơ bản chỉ từ trung bình đến thấp. Do đó, dù thời gian qua, công tác ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm và đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng ở nhiều địa phương việc ứng phó với BĐKH vẫn còn bị động, lúng túng, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Ngoài ra, nhận thức và tầm nhìn của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về BĐKH cũng chưa thật đầy đủ, thiếu thống nhất. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ; một số cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi. Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tính tổng thể, liên ngành, liên vùng; chưa rõ trọng tâm, trọng điểm và nguồn lực thực hiện. Tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp, phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ; tổ chức thực hiện chưa thực sự chủ động, cương quyết; hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa cao…
Ông Nguyễn Văn Tuệ, cho rằng: Để các cấp, các ngành và mọi người dân đều nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm cao trong việc ứng phó với BĐKH , phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thời gian tới, Cục KTTV &BĐKH sẽ tiếp tục cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông; tiếp tục đồng hành cùng mạng lưới thông tin báo chí đa dạng hóa các loại hình truyền thông đến từng nhóm đối tượng cụ thể để có thể truyền đạt được những hiểu biết đầy đủ và đúng hơn về thách thức cũng như một số cơ hội mà BĐKH mang lại.

Linh Nga

Nguồn : monre