Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ngành Xây dựng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 07/01/2015
Biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Xác định mức độ ảnh hưởng của nó, ngành Xây dựng của nhiều quốc gia đã có kế hoạch cụ thể nhằm đánh giá và dự báo được những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng để ứng phó.

 Các tòa nhà chiếm 40% việc sử dụng năng lượng trên toàn thế giới. Năng lượng sử dụng trong suốt vòng đời gây đến 90% tác động môi trường của các tòa nhà. Hoạt động xây dựng tiêu thụ nhiều hơn 2/3 tổng lượng điện tiêu thụ. Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến môi trường của ngành Xây dựng nói chung và tòa nhà nói riêng là rất lớn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự nóng lên của trái đất.

 
Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, băng tan, nước biển dâng cao; các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài… dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm…
 
Xác định mức độ ảnh hưởng, trên thế giới đã có nhiều quốc gia xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đánh giá và dự báo được những tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với ngành Xây dựng. Sau đây là một trong số các giải pháp nhằm đối phó với vấn đề này, bao gồm:
 
Thích ứng và giảm thiểu
 
Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) sử dụng hai thuật ngữ quan trọng để nói về biện pháp ứng phó với BĐKH. Đó là biện pháp giảm thiểu - nhằm giảm lượng khí thải, giảm thiểu nhiệt độ ấm lên toàn cầu và biện pháp thích ứng.
 
Hai biện pháp trên không thể tách rời mà hỗ trợ cho nhau để có thể ngăn chặn những tác động xấu của BĐKH, phối hợp với nhau để có thể làm giảm những rủi ro đáng tiếc. Không được đánh giá hai phương pháp này một cách cô lập.
 
Biện pháp giảm thiểu rõ ràng là rất quan trọng trong việc làm chậm tốc độ thay đổi của khí hậu và sẽ tiếp tục làm như vậy bằng mọi cách, bao gồm cả phương pháp ngắn hạn và trung hạn. Biện pháp thích ứng với BĐKH bao gồm một loạt các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể nhằm đối phó với nó. Biện pháp thích ứng nhằm điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi khí hậu để hạn chế tối đa cho ngành Xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng, duy trì hệ sinh thái lành mạnh và các khu vực đô thị đáng sống. Điều quan trọng là các biện pháp thích ứng không đối nghịch với biện pháp giảm thiểu và ngược lại.
 
Việc xây dựng những quy chuẩn tiêu chuẩn thiết kế, kiểm soát việc thực thi quy hoạch và điều chỉnh, cải thiện các công trình xây dựng nhằm mục đích quản lý rủi ro cục bộ biến đổi khí hậu. Các sửa đổi trong quy định, quy chuẩn nhằm hướng dẫn những nhà quản lý, kiến trúc sư, kỹ sư khi có thay đổi cần thiết trong thực tế. Những sửa đổi này thường là để đối phó với những vấn đề tự nhiên như lũ lụt, ngập lụt ven biển và thảm họa cháy rừng. Việc sửa đổi nhằm yêu cầu thiết kế phù hợp hơn để xây dựng lại những công trình đã bị tàn phá bởi sự cố như vậy.
 
Ở cấp độ quy hoạch, các chính sách thích ứng BĐKH thành công có thể tách biệt các rủi ro một cách có hiệu quả. Trận động đất năm 1906 ở San Francisco là một ví dụ, khi đó trận động đất khủng khiếp và vụ hỏa hoạn kéo theo dài 3 ngày đã hủy hoại cả thành phố, phá hủy 28 nghìn ngôi nhà. Mức độ hủy hoại càng gia tăng do thành phố phụ thuộc vào hệ thống ống dẫn gas và nước vốn không chịu được động đất ở cấp độ lớn. Nếu đường ống gas bị vỡ, nguy cơ hỏa hoạn cao hơn, và nếu đường ống nước bị vỡ, sẽ không thể khống chế được ngọn lửa, dẫn tới đám cháy nhỏ cũng có thể biến thành hỏa hoạn. Trong trường hợp này, việc tách biệt tác động của 2 rủi ro này sẽ liên quan đến việc thiết kế và lắp đặt các đường ống có khả năng chống chịu tốt hơn động đất ở cấp độ cao.
 
Phương án thiết kế
 
Thiết kế cũng có tác động không nhỏ đến vấn đề này và cũng có khả năng giảm nhẹ các rủi ro. Ví dụ, mật độ thiết kế xây dựng cao có thể làm tăng nguy cơ đảo nhiệt đô thị và gia tăng ngập lụt đô thị. Trong khi đó, thiết kế công trình xanh có thể giúp cải thiện các vấn đề này một cách đáng kể, ví dụ như việc thu gom và lọc nước trên các tòa nhà cũng sẽ làm giảm dòng chảy khi có mưa lũ lớn trong đô thị.
 
Thiết kế linh hoạt để cho phép thay đổi có thể trong điều kiện BĐKH. Điều này bao gồm các chiến lược đầu tư mà mang lại lợi ích ngay cả trong trường hợp không có sự thay đổi khí hậu trong tương lai (ví dụ: tăng cường sự an toàn cho ngôi nhà bằng vật liệu lợp mái chống nóng, chống cháy, lắp pin năng lượng mặt trời để tiết kiệm năng lượng và vừa tránh được rủi ro hỏa hoạn…). Ngoài ra, các nhà thiết kế cũng cần phải nghiên cứu về sự rủi ro tại khu vực mà mình thiết kế và vạch ra các phương án dự tính cho những mối nguy hiểm bao gồm: Nhiệt độ gia tăng; bão lụt; lốc xoáy; mưa lớn; mưa đá…
 
Bên cạnh đó, ứng dụng thiết kế thụ động có lợi ích kép cho việc chống lại nhiệt độ gia tăng mà không cản trở nỗ lực giảm nhẹ. Các nguyên tắc cơ bản của thiết kế thụ động là: Giảm sự biến đổi nhiệt độ bên trong công trình; cách nhiệt; sử dụng các loại sơn phát xạ thấp và lợp kính hiệu suất cao để giảm tỷ lệ truyền nhiệt qua kết cấu xây dựng; tấm che bề mặt công trình; chọn địa điểm chuẩn để trồng thảm thực vật trong công trình; hệ thống thông gió phù hợp.
 
Chiến lược cho khu vực biển và ven biển
 
Rất nhiều dân số trên thế giới, trong đó có Việt Nam là quốc gia có số lượng lớn dân cư sống ở các vùng ven biển, vì vậy cần vạch ra các chiến lược để giảm tác động ảnh hưởng của các cơn bão ở vùng biển và ven biển là điều tối quan trọng.
 
Mỗi quốc gia, thậm chí mỗi địa phương đều nên áp dụng những chiến lược khác nhau, tuy nhiên một số chiến lược bao quát làm nền tảng bao gồm như sau: Bảo vệ khu vực đất liền và các tòa nhà khi có bão biển và mực nước biển dâng bằng cách xây dựng vững chắc các cấu trúc kè bờ; sử dụng các biện pháp hỗ trợ như bồi bãi để duy trì, bảo vệ quỹ đất hiện tại; Thích ứng với mực nước biển dâng và ngập lụt bằng cách xây dựng cấu trúc cọc để nâng các tòa nhà và thiết kế vững chắc nền móng để sao cho có thể chịu được bất cứ sự cố lũ lụt nào. Giải pháp khác là rút khỏi các khu vực ven biển để di dời sang vị trí mới… Nói chung, các nhà thiết kế và quy hoạch phải hướng dẫn và vạch ra các giải pháp tối ưu cho chính quyền địa phương nhằm đối phó tối nhất vấn đề này.
 
Tăng cường năng lực thông qua giáo dục
 
Mỗi quốc gia hay mỗi địa phương đều phải tăng cường kỹ năng thích ứng BĐKH thông qua việc phát triển nguồn lực của mình. Trong đó bao gồm phát triển thông tin về BĐKH, chiến lược thiết kế thích ứng cho một loạt các tòa nhà và có sự tham gia của cộng đồng, sự đóng góp của chính cộng đồng nhằm đảm bảo sự bền vững. Tăng cường năng lực còn thông qua các chương trình đào tạo kiến thức để thay đổi suy nghĩ và nâng cao nhận thức bằng cách đưa chủ đề BĐKH trong các chủ đề bài giảng cho nhiều tầng lớp khác nhau. Đội ngũ kiến trúc sư cần phải được cập nhật kiến thức mới nhất để tận dụng những bài học kinh nghiệm, tham khảo và ứng dụng cho địa phương của mình một cách phù hợp.
 
Tóm lại, BĐKH đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội và môi trường sống của con người trên toàn cầu. Nó tác động đến mọi khía cạnh, do đó cần phải nghiêm túc đánh giá và được đầu tư thỏa đáng nhằm tránh hậu quả đáng tiếc cho cả người và của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Việc hiểu biết một cách đúng đắn và xây dựng các biện pháp đối phó với BĐKH là điều không thể chậm chễ để giảm thiểu các tác động từ hoạt động xây dựng đến môi trường do chính con người gây nên.
 
Nguồn : baoxaydung.com.vn
Các tin khác