Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Bắc Kạn ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 29/05/2014
Sớm nhận thức rõ về tác động của biến đổi khí hậu nên từ năm 2012 tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch ứng phó giai đoạn 2011- 2020. Nhiều biện pháp cụ thể đã được đưa ra theo một lộ trình ngắn hạn kết hợp với dài hạn. Từ đó, người dân đã nâng cao nhận thức và việc ứng phó bước đầu đạt hiệu quả.

 Biến đổi khí hậu trên địa bàn Bắc Kạn đang ngày càng rõ nét hơn. Những biến đổi đó tác động trực tiếp vào đời sống của nhân dân và sự phát triển của tỉnh. Trời rét kéo dài làm chết nhiều gia súc. Mưa to, lũ quét phá hủy hệ thống giao thông, thủy lợi… Hạn hạn làm mất mùa. Hiện tại mực nước của nhiều sông, suối trên toàn tỉnh đã cạn đi trông thấy tiềm ẩn những nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng. Sự thay đổi về nền nhiệt độ, thời gian chiếu sáng, lượng mưa đã khiến nhiều loài vi khuẩn, côn trùng, vật chủ mang bệnh sinh trưởng và phát triển mạnh gây hại cho sức khỏe con người và sản xuất nông nghiệp

Để ứng phó với những biến đổi mang tính tiêu cực, tỉnh ta đã có những biện pháp kết hợp với phát triển kinh tế mà trong đó trồng rừng là chủ chốt. Với hàng ngàn ha trồng mới, trung bình mỗi năm khoảng 12.000ha, tỷ lệ che phủ của tỉnh luôn ở mức cao. Rừng nhiều là cơ sở quan trọng để giữ khí hậu luôn trong trạng thái cân bằng. Kinh tế rừng trở thành mũi nhọn mang lại giá trị cao bền vững thật sự là công cụ đắc lực để phát triển thế mạnh đồng thời ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Rừng giúp giữ nước, tạo khí ô xi trong lành giúp môi trường sống của người dân trên địa bàn tốt hơn.

Sản xuất nông lâm nghiệp cũng được điều chỉnh phù hợp. Các nghiên cứu khoa học đã tập trung mở rộng những mô hình, cây, con giống cho năng suất cao, thích ứng với điều kiện thời tiết mới. Đơn cử như các mô hình về lúa thuần; canh tác bền vững trên đất dốc; phân nén dúi sâu; các giống ngô chịu hạn… Đối với chăn nuôi là các giống vật nuôi bản địa chú trọng duy trì gen tốt trong thích ứng điều kiện tại địa phương như dê, lợn bản địa, gà đồng bào Mông… Nhiều mô hình ứng phó khác cũng cho thấy hiệu quả. Dự án “ Hỗ trợ các cộng đồng dân tộc Bắc Kạn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp dựa trên kiến thức bản địa và kinh nghiệm sản xuất của người dân để thích ứng với biến đổi khí hậu” là một minh chứng. Trong đó các mô hình được đề xuất, áp dụng là mô hình cây khoai tây thích ứng với rét; cây đỗ mốc thích ứng hạn và mô hình nông lâm kết hợp như gừng trồng xen chuối.

Tỉnh thường xuyên khảo sát, đánh giá những vùng người dân dễ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, lũ quét để lập phương án di dời kịp thời. Nhiều khu tái định cư được xây dựng góp phần ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh đề ra mục tiêu đánh giá mức độ biến đổi khí hậu để làm cơ sở xây dựng các kịch bản trong cả giai đoạn. Từ đó, nâng cao nhận thức; triển khai lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh đã hoàn thiện đánh giá tính chất, mức độ của biến đổi khí hậu với các ngành. Trong đó, xác định các lĩnh vực cần ưu tiên là tài nguyên nước, tài nguyên đất, phòng chống thiên tai, nông nghiệp, đa dạng sinh học, giảm khí thải nhà kính…

Tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để trên 20% cộng đồng dân cư và trên 80% công chức, viên chức toàn tỉnh có hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, việc tăng cường các nguồn lực được chú trọng. Cụ thể, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài trợ từ nước ngoài; khuyến khích đầu tư các dự án công nghệ thân thiện môi trường. Để góp phần giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, các dự án công nghiệp đều được đánh giá báo cáo tác động môi trường chặt chẽ. Trong năm 2013- 2014 tỉnh tập trung nguồn lực để xây dựng các bãi rác và lò đốt rác tại một số địa phương. Việc thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu được lồng ghép với các nguồn lực đầu tư từ trung ương và địa phương.

Đối với công tác tuyên truyền, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì ký kết hợp đồng với các đơn vị truyền thông; hội, đoàn thể để tổ chức các buổi tuyên truyền tại chỗ và trên phương tiện truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án trồng rừng đầu nguồn tại Pác Nặm và Ba Bể được triển khai tích cực với nhiều héc ta được trồng mới trong hai năm lại đây. Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tiến hành hệ thống canh tác lúa cải tiến và chuyển giao tới người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đánh giá ảnh hưởng của rừng phòng hộ đầu nguồn đối với thiên tai để đề ra giải pháp; nâng cao năng lực các hồ chứa nước. Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu biện pháp đối phó với sạt trượt trên các tuyến đường tại địa bàn. Sở Công thương tiến hành hỗ trợ kinh phí cho người dân mua bóng đèn compact thay thế cho bóng đèn sợi đốt để tiết kiệm năng lượng; phát triển các nguồn năng lượng mới. Sở Y tế tập trung hoàn thiện việc xử lý nước thải các bệnh viện. Sở Tài nguyên và Môi trường điều tra, đánh giá nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp xử lý…

Có thể nói, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Bắc Kạn quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo lộ trình chặt chẽ. Sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương đã đưa các nhiệm vụ trọng tâm trong ứng phó được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu là việc dài lâu. Do đó, cần sự đồng lòng của mỗi người dân. Có như vậy mới giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đồng thời ứng phó chủ động trong tương lai.

Tuấn Sơn

Nguồn: Monre.gov.vn

Các tin khác