Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Xây dựng Nghị định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ khí nhà kính ở Việt Nam
Ngày đăng: 17/05/2017
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức hội thảo khởi động quá trình tham vấn xây dựng “Nghị định về Lộ trình và phương thức để Việt Nam tham gia hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính toàn cầu” và đảm bảo tính hiệu quả của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

 
Ông Lê Văn Hợp – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT phát biểu tại hội thảo

 Tham dự Hội thảo có ông Lê Văn Hợp – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT; ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT (cơ quan đầu mối xây dựng Nghị định); ông Naoki Kakioka – Phó Trưởng Đại diện JICA Việt Nam, cùng đại diện, chuyên gia từ nhiều Bộ ngành, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: Thỏa thuận Paris và NDC của Việt Nam là những cơ sở quan trọng để Việt Nam xây dựng Nghị định của Chính phủ về Lộ trình và phương thức để Việt Nam tham gia hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính toàn cầu. Theo đó, Báo cáo NDC của Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) so với Kịch bản phát thải thông thường (BAU) và có thể giảm đến 25% khi có thêm hỗ trợ quốc tế.

Cục Biến đổi khí hậu đưa ra đề xuất Khung Nghị định gồm: Lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK tại Việt Nam (theo 3 giai đoạn: trước năm 2020, từ năm 2021 – 2030 và từ năm 2031 – 2050); Phương thức thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK tại Việt Nam; Đo đạc – báo cáo – thẩm tra (MRV) Quốc gia cho các nỗ lực giảm nhẹ phát thải KNK; Phối hợp thực hiện; Tổ chức thực hiện; Điều khoản thi hành và phần phụ lục.

 

Ông Naoki Kakioka – Phó Trưởng Đại diện JICA Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Khẳng định tầm quan trọng của Nghị định, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Nghị định sẽ là cam kết chính trị mạnh mẽ nhất với cộng đồng quốc tế sau khi Thỏa thuận Paris được Việt Nam thông qua. Nghị định sẽ quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn về giảm nhẹ phát thải; là căn cứ pháp luật để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK (từ NDC) và đảm bảo yêu cầu về cập nhật, theo dõi và đánh giá quốc tế. Đây cũng là căn cứ để các Bộ, ngành xây dựng các Thông tư hướng dẫn kỹ thuật cụ thể; xây dựng và thực hiện Cơ chế kinh doanh tín chỉ các-bon trong nước và hành lang pháp lý cho tham gia thị trường các-bon quốc tế.

Đánh giá về tính khả thi của Nghị định, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng các quy định về lập kế hoạch thực hiện NDC cấp ngành, xây dựng khung MRV, hệ thống đăng ký giảm nhẹ… có tính khả thi cao. Tuy vậy, việc khuyến khích các địa phương xây dựng và thực hiện Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK sẽ gặp trở ngại do những hạn chế về năng lực, nguồn lực, đặc biệt là đối với UBND cấp huyện, xã.

Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện các Bộ ngành, tổ chức quốc tế đã cùng trao đổi, thảo luận, tiếp tục đề xuất các chính sách, các nội dung chính để xây dựng Nghị định đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Công ước khí hậu, các cam kết của Việt Nam, lộ trình thực hiện trước trong và sau giai đoạn 2021 – 2030. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, đối tác phát triển trong thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải thuộc các lĩnh vực trọng tâm, các giải pháp huy động vốn trong nước và quốc tế, quy định sự tham gia của các Bộ ngành trong việc triển khai Nghị định…

Dự kiến, Dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện vào quý 1/2018, sau đó sẽ tiến hành tham vấn chuyên gia và xin ý kiến chính thức các Bộ, ngành.

Khánh Ly

Nguồn: Monre
Các tin khác