Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 22 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) tại Ma-ra-két, Ma-rốc
Ngày đăng: 18/01/2017
Hội nghị COP 22 diễn ra tại Ma-ra-két là Hội nghị đầu tiên sau khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực. Trọng tâm của Hội nghị là thảo luận đưa các cam kết tại Hội nghị COP 21 thành hành động cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và triển khai thực hiện Thỏa thuận. Trong 11 ngày diễn ra sự kiện với các phiên họp kỹ thuật và cấp cao, đoàn đại biểu của Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới tập trung đàm phán, bàn thảo việc triển khai Thoả thuận Paris; đồng thời thúc đẩy các quốc gia tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu.
Logo Hội nghị COP 22
Logo Hội nghị COP 22

 COP 22: Hành động thực tế để triển khai Thỏa thuận Paris


COP 22 được tổ chức sau thành công vang dội tại COP 21 năm 2015 với việc thông qua Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện đã có 100 nước tham gia phê duyệt Thoả thuận Paris, trong đó có Việt Nam. Thoả thuận Paris có hiệu lực từ ngày 4 /11/2016, ngay trước thềm diễn ra COP 22.

 

Tuy đã được thông qua nhưng Thoả thuận Paris còn rất nhiều nội dung cần tiếp tục làm rõ để có các quy định chi tiết cho các nước triển khai thực hiện. Đây sẽ là nội dung chính trong đàm phán BĐKH tại COP 22 và các năm tiếp theo.

 

COP 22 được coi là COP của những hành động nhằm triển khai thực hiện Thoả thuận Paris. Ngoài các hoạt động thể hiện nỗ lực triển khai Thỏa thuận Paris của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, COP 22 đã tập trung làm rõ việc đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Cụ thể, các bên đã thảo luận để làm rõ hơn nội dung đóng góp do quốc gia tự quyết định, bên cạnh giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH thì các đóng góp khác có thể là gì, đặc biệt là đóng góp về tài chính, chuyển giao công nghệ tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển ứng phó với BĐKH. Đồng thời, các quốc gia sẽ thống nhất thước đo chung để đánh giá được đóng góp của các quốc gia. Hiện dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định của các nước rất khác nhau. Làm thế nào để so sánh được để xem xét mức đóng góp là thoả đáng hay chưa cần có thước đo chung này. Tại đây, các quy trình, thủ tục tham vấn, trao đổi giữa các quốc gia để triển khai Thoả thuận Paris cũng sẽ được thống nhất.

 

COP 22 cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với việc thông qua 35 quyết định, trong đó có 25 quyết định của Hội nghị COP22, 08 quyết định của Hội nghị CMP12 và 02 Quyết định của Hội nghị CMA1 và Tuyên bố hành động Ma-ra-két vì Khí hậu và phát triển bền vững.

 

Tuyên bố hành động Ma-ra-két vì Khí hậu và phát triển bền vững thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trong việc hướng đến một kỷ nguyên mới tăng cường triển khai thực thi Thỏa thuận Paris và không ngừng thúc đẩy hành động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng đến phát triển bền vững.

 

Tuyên bố khẳng định tinh thần, động lực đạt được trong công tác biến đổi khí hậu toàn cầu tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh để tiếp bước vào giai đoạn thực thi và không ngừng tăng cường tham vọng giảm phát thải khí nhà kính và nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước phát triển tái cam kết huy động 100 tỷ USD/năm từ các nguồn khác nhau cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Kêu gọi các quốc gia toàn cầu cần đặt vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong Chương trình nghị sự quốc gia. Kêu gọi các Bên tăng cường hợp tác đảm bảo mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận Paris. Kêu gọi các quốc gia tham gia Nghị định thư Kyoto nếu chưa phê chuẩn thì sớm phê chuẩn sửa đổi Đô-ha. Kêu gọi tăng cường hành động giai đoạn trước 2020 trên cơ sở xem xét nhu cầu, bối cảnh của quốc gia đang phát triển; tăng cường dòng tài chính, khả năng tiếp cận vốn của các dự án biến đổi khí hậu, hỗ trợ tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển từ các quốc gia phát triển. Kêu gọi các Bên tăng cường hỗ trợ nỗ lực xóa đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế để tạo ra các cơ hội phát triển thịnh vượng và bền vững.

 

Hoàn thiện các văn kiện hướng dẫn triển khai Thỏa thuận Paris. Do nhiều nước chưa hoàn tất thủ tục phê chuẩn Thoả thuận Paris nên các Bên thống nhất sẽ thảo luận và hoàn tất việc xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, bộ quy trình, thủ tục, phương thức triển khai Thỏa thuận Paris vào năm 2018. Năm 2017 chỉ tập trung thảo luận các vấn đề ít quan trọng hơn trong việc triển khai Thoả thuận Paris.

 

Tăng cường hành động giai đoạn trước 2020. Các Bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2 và khẩn thiết kêu gọi các Bên nếu chưa phê duyệt cần nhanh chóng phê duyệt Sửa đổi Đô-ha trong năm 2017. Đánh giá cao Kêu gọi Hành động Ma-ra-két vì khí hậu và phát triển bền vững; ghi nhận kết quả cuộc họp lần thứ 39 của cơ quan Hàng không quốc tế ICAO và thông báo việc đưa Sửa đổi Kigali vào trong Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

 

Vấn đề tài chính được thảo luận trên cơ sở Báo cáo đánh giá hai năm một lần của Ủy ban Tài chính. Báo cáo cho thấy dòng tài chính khí hậu toàn cầu đã tăng 15% so với năm 2013 và ước đạt 741 tỷ USD năm 2014. Trước khi Hội nghị COP22 diễn ra, các quốc gia phát triển đã công bố lộ trình nêu cách thức các quốc gia phát triển huy động 100 tỷ USD/năm trước 2020 từ nguồn tài chính công và tư để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.

 

Về vấn đề tài chính dài hạn cũng được đưa ra thảo luận. Một Quyết định về tài chính dài hạn được thông qua tại Hội nghị hối thúc các Bên quốc gia phát triển tiếp tục tăng cường huy động nguồn tài chính hướng đến mục tiêu huy động 100 tỷ đô la Mỹ/năm trước 2020 để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển; tiếp tục nỗ lực tăng cường tỷ lệ nguồn tài chính khí hậu cho các hoạt động thích ứng nhằm đạt được sự cân bằng giữa nguồn tài chính cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

3 trọng tâm của Đoàn Việt Nam tại COP 22

Thực hiện Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở phân công, các thành viên trong Đoàn công tác đã theo dõi, tham dự đầy đủ các phiên họp; Đoàn Việt Nam đã tích cực trao đổi ý kiến với các nhóm nước, đầu mối của các Đoàn đàm phán khác để nắm bắt quan điểm, chia sẻ thông tin tạo cơ sở xây dựng phương án đàm phán linh hoạt, phù hợp đảm bảo lợi ích quốc gia. Tại nhiều phiên họp quan trọng, các thành viên trong Đoàn cũng đã có nhiều tham luận, góp ý quan trọng được các Bên ghi nhận, đánh giá cao.

 

Bên cạnh đó, các thành viên trong Đoàn cũng tích cực tham gia các diễn đàn, hội thảo, sự kiện bên lề để trao đổi, quảng bá thông tin, nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đồng thời tăng cường tiếp xúc, trao đổi hợp tác, mở rộng mạng lưới kết nối nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại nước ta.

 

Tại Phiên họp cấp cao COP 22, Đoàn Việt Nam đã thảo luận, đưa ra những sáng kiến, cũng như đề xuất trong việc thực hiện cắt giảm phát thải khí CO2 , ứng phó với biến đổi khí hậu. Đoàn Việt Nam đã  thảo luận trên 3 trọng tâm chính:

Thứ nhất cùng các quốc gia thảo luận những nội dung còn chưa rõ của Thoả thuận Paris để thống nhất triển khai thực hiện, trong đó có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thứ hai, bảo vệ các đóng góp của Việt Nam đã trình Liên Hợp Quốc tháng 10 năm 2015 khẳng định các đóng góp này là công bằng, phù hợp với việc phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong quá khứ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện tại và đến 2030. Đồng thời yêu cầu các quốc gia khác, nhất là các quốc gia phát triển, phải nâng cao mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải, về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, học tập và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu nói chung và việc triển khai Thoả thuận Paris với các nước trên thế giới. Trong đó kinh nghiệm Xây dựng kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam hiện được rất nhiều nước quan tâm và mong muốn được trao đổi với Đoàn Việt Nam.

 

Bên cạnh việc tham dự phiên họp cấp cao của Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương, đa phương trao đổi về các vấn đề hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu; bàn về các cơ chế mới tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng đóng góp thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Trưởng đoàn Việt Nam đã trao đổi, thảo luận với Nhật Bản và các nước tham gia Cơ chế tín chỉ chung (JCM) để thúc đẩy thực hiện Cơ chế khi Thoả thuận Paris có hiệu lực. Trưởng đoàn Việt Nam cũng đã tham dự và phát biểu tại Lễ công bố thành lập Đối tác thực hiện NDC (NDC Partnesrhip) nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện NDC.

 

Các thành viên trong Đoàn công tác cũng đã tham dự, chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều sự kiện bên lề do Việt Nam phối hợp các đối tác phát triển tổ chức hoặc do các đối tác mời Việt Nam tham gia, trong đó có các Hội thảo về xây dựng và thực hiện NDC, NAMA, triển khai thực hiện Thoả thuận Paris, triển khai tăng trưởng xanh, huy động nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu... Kinh nghiệm xây dựng, nội dung Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá rất cao.

CTTĐT

Nguồn: Monre
Các tin khác