Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Doanh nghiệp cần tiên phong trong bối cảnh BĐKH
Ngày đăng: 09/11/2016
(TN&MT) - Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ III năm 2016 với chủ đề “Sáng tạo để triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững” diễn ra ngày 8/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng: đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển phải tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, là lợi thế của Việt Nam, đồng thời chuyển hướng sang các mô hình phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế các bon thấp. Doanh nghiệp cần thể hiện vai trò tiên phong trong bối cảnh biến đổi khí hậu...

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ngoài cùng bên phải) và các đại biểu tham gia diễn đàn

Bốn thách thức khi thỏa thuận Paris có hiệu lực

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc Việt Nam thực hiện hiệu quả cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Thỏa thuận Paris. Bộ trưởng cũng nêu rõ những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong thời điểm khi Việt Nam và thế giới đang chuyển đổi mô hình phát triển các bon thấp, tăng trưởng xanh, hạn chế sự thâm dụng vào tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
“Việc thông qua Thỏa thuận Paris được coi là một cuộc cách mạng mang tính lịch sử, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu. Đó là kỷ nguyên phát triển phát thải các bon thấp; hạn chế, tiến tới xóa bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo” - Bộ trưởng nói.
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn sáng 08/11
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thoả thuận Paris có hiệu lực và sẽ được triển khai thực hiện cùng với các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, bối cảnh thực tiễn trong nước và quốc tế đang và sẽ đặt ra cho khu vực doanh nghiệp nhiều thách thức to lớn. Trong đó, theo Bộ trưởng, đáng kể là:
Một là, trên phạm vi toàn cầu sẽ hình thành những rào cản do những quy định và yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn các-bon, tiêu chuẩn môi trường trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với các loại sản phẩm, dịch vụ sử dụng nhiều tài nguyên, phát thải các-bon lớn.
Hai là, phải thay đổi mô hình phát triển truyền thống vốn dựa vào lợi thế về tài nguyên, lao động giá rẻ, tiêu thụ nhiều năng lượng các-bon đen đã ăn sâu, bám rễ trong một thời gian dài để chuyển sang phát triển dựa vào năng lượng sạch, chi phí và giá thành cao hơn.
Ba là, phải tăng cường đầu tư vào cải tiến, đổi mới công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo để thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp trên thị trường quốc tế trong khi nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, tài chính còn khó khăn, thiếu hụt.
ốn là, trong tương lai gần, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp và chăn nuôi. Vì vậy, một mặt chúng ta sẽ cần nhiều nguồn lực hơn cho thích ứng và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, trong khi vẫn phải nỗ lực đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
 
Các doanh nghiệp nước ngoài tham dự diến đàn sáng 08/11
 
Cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp
Phân tích với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, việc triển khai thực hiện Thoả thuận Paris cũng như thực hiện các quy định của các Hiệp định tự do thương mại không chỉ mang lại những thách thức mà còn cũng mang lại những cơ hội to lớn cho khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng có 4 cơ hội lớn, cụ thể gồm:
Thứ nhất, ngay từ bây giờ, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi nhận thức, thay đổi mô hình hoạt động sản xuất, gắn sản xuất, kinh doanh với tiêu dùng; xây dựng văn hóa các-bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và hài hoà với môi trường. Đây là thời điểm để chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng hiện tại, xây dựng mô hình tăng trưởng xanh nhằm đạt được sự phát triển nhanh và bền vững.
Thứ hai, chúng ta có thể tận dụng các cơ hội về liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia trong phát triển, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm dần, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng năng lượng hóa thạch.
Thứ ba, chúng ta có thể đa dạng hoá các hình thức thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cải tiến công nghệ, giảm phát thải tiến tới trao đổi, mua bán phát thải các-bon ở thị trường trong nước và quốc tế, cũng như tiếp cận nguồn lực từ các quỹ đầu tư xanh.
Thứ tư, tăng cường sức chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tham gia nhiều hơn và sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời góp phần giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu, khu vực và quốc gia do suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu gây ra...

Quang cảnh diễn đàn sáng 8/11 tại Hà Nội

Doanh nghiệp cần chuyển hướng sang các mô hình phát triển bền vững

Sau khi phân tích những thuận lợi, khó khăn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Tư duy và mô hình phát triển gây ô nhiễm môi trường, sử dụng tài nguyên cạn kiệt, gây ra biến đổi khí hậu đã không còn được chấp nhận. “Để tận dụng các cơ hội, chuyển hoá các thách thức như đã nêu ở trên, đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển phải tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, là lợi thế của Việt Nam, đồng thời chuyển hướng sang các mô hình phát triển bền vững.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề xuất Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH với vai trò là hạt nhân, là động lực để thay đổi căn bản mô hình phát triển, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp đồng thời tham gia được nhiều hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp lấy tri thức khoa học, công nghệ thông tin làm nền tảng cho sự phát triển của mình. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay từ bây giờ cần xác định rõ những thuận lợi, những thách thức để lựa chọn con đường phát triển phù hợp với xu thế của thời đại; chú trọng việc đào tạo kỹ năng.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các doanh nghiệp cần tận dụng các cơ hội từ hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tập trung đầu tư vào những ngành mới như ngành dịch vụ môi trường, công nghiệp môi trường, công nghệ sinh học, các lĩnh vực công nghệ cao… góp phần thúc đẩy quá trình xanh hoá các dịch vụ công của Nhà nước, tích cực góp phần vào việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam...
Nguồn: Báo TN&MT
 
Các tin khác