Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Xây dựng khung minh bạch thực hiện Thỏa thuận Paris
Ngày đăng: 11/11/2016
(TN&MT) - Ngày 8/11, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị COP 22 tại Ma - rốc, Đoàn Việt Nam đã tham dự họp Nhóm công tác đặc biệt về Thỏa thuận Paris (APA), với các nội dung: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Thông báo thích ứng; Phương thức, thủ tục, hướng dẫn cho Khung minh bạch về hành động và hỗ trợ; Các vấn đề liên quan tới đánh giá nỗ lực toàn cầu, tuân thủ; và các vấn đề liên quan tới việc thực hiện Thỏa thuận Paris.

Phiên họp chính thức về nội dung Khung minh bạch

Các phiên họp APA được chia thành 6 nhóm khác nhau, thảo luận tại các phiên họp không chính thức. Cuộc họp Nhóm liên lạc về tất cả các mục chương trình làm việc của APA sẽ được tổ chức ngày 10/11 để đánh giá tiến độ đạt được, các nội dung cần thảo luận thêm và xem xét kết quả của các cuộc họp nhóm không chính thức khác.

Theo Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT): Nhìn chung, các Bên vẫn thận trọng và đưa ra nguyên tắc chung về các nội dung thảo luận, cần sự cân bằng giữa APA,  các Ban bổ trợ hay sự cân bằng giữa các trụ cột của Thoả thuận Paris.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) thông báo về các nội dung làm việc của APA

Tại Phiên thảo luận không chính thức về nội dung Khung minh bạch về hành động và hỗ trợ, Việt Nam kêu gọi các Bên cùng xây dựng Chương trình làm việc, chú ý vào các vấn đề: Xây dựng phương thức, thủ tục và hướng dẫn cho Khung minh bạch (MPG) để có thể hoàn thành công việc tại COP 22 vào năm 2018; Xây dựng tài liệu kỹ thuật về kinh nghiệm có liên quan tới khung minh bạch đã thực hiện trong khuôn khổ Công ước khí hậu và Nghị định thư Kyoto; đảm bảo việc xây dựng Khung minh bạch cần có sự cân bằng giữa các nội dung liên quan tới minh bạch về hành động và minh bạch về hỗ trợ.

Bên cạnh đó, việc minh bạch về hỗ trợ cần có báo cáo về hỗ trợ cho và nhận, cần có hướng dẫn cụ thể về đo đạc và thẩm định hỗ trợ, lưu ý hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để thực hiện nội dung liên quan đến Khung minh bạch.

Các nội dung công việc của APA sẽ kết thúc vào ngày thứ 2 tuần sau, báo cáo lên APA và sau đó là báo cáo lên Cuộc họp các Bên tham gia Thoả thuận Paris lần thứ  nhất.

Cùng ngày, Đoàn công tác tham dự COP 22 của Việt Nam đã họp tại Ma-ra- két, Ma-rốc do Ông Phạm Văn Tấn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH chủ trì. các thành viên trong Đoàn đã cập nhật tiến độ đàm phán trong các ngày đầu diễn ra cuộc họp nhóm và Hội nghị COP 22, rà soát nội dung của cuộc họp và các nội dung quan trọng các thành viên của Đoàn công tác của Việt Nam cần tập trung; chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên mới tham gia Đoàn công tác để có thể theo dõi các nội dung đàm phán kịp thời.

Ông Phạm Văn Tấn cho biết: Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris ngày 3/11năm 2016, và cần 30 ngày để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Thỏa thuận.

Ông Phạm Văn Tấn chủ trì họp Ban Công tác đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị COP 22

Nguồn: Báo TN&MT

 

 

 

Các tin khác