Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ứng phó BĐKH ở Kiên Giang: Không thể chậm chân!
Ngày đăng: 22/10/2016
Nằm tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, Kiên Giang có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc chắn giữ tác động của biển cả đối với các tỉnh ở miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. Song cũng chính vì thế mà vùng đất này chịu tác động lớn của BĐKH.

 
BĐKH ảnh hưởng lớn đời sống người dân Kiên Giang

*75% diện tích có nguy cơ ngập

Với tài nguyên đất tự nhiên khoảng hơn 600 ngàn ha, phù hợp để phát triển nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản; tài nguyên nước mặt khá dồi dào, tài nguyên biển phong phú và giàu có, Kiên Giang là vùng đất nhận được nhiều ưu đãi để phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Thế nhưng, trong nhịp phát triển nhanh và mạnh đó, BĐKH đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà tỉnh này gặp phải. Do nằm cuối nguồn của sông Mê Công nơi đổ nước ra biển nhưng là đầu nguồn của triều biển Tây-Vịnh Rạch Giá, lại là khu vực thoát lũ chính của vùng Tứ giác Long Xuyên nên Kiên Giang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH.

Được biết, từ năm 2014 đến nay, do tác động của hiện tượng ElNino nên mùa khô ở địa phương này kéo dài, mùa mưa tới muộn và kết thúc sớm. Từ đầu năm 2015, dòng chảy ở thượng nguồn sông MêKông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn, dẫn đến tình trạng mặn trên sông đã xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ và xâm nhập mặn sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất gần 100 km.

Không chỉ đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, người dân Kiên Giang còn canh cánh nỗi lo mất đất vì nước biển dâng.

Bởi theo cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2015 của Bộ TN&MT, nếu nước biển dâng 1m, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (39,40% diện tích), trong đó tỉnh Kiên Giang có nguy cơ ngập cao nhất (75% diện tích). Nếu điều này xảy ra, thì mất mát của Kiên Giang là quá lớn!

*Chủ động và đồng bộ nhiều biện pháp

Ứng phó với BĐKH đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xác định. Ông Nguyễn Xuân Lộc - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang cho biết, nhận thức được tác động của BĐKH, trong giai đoạn 2010 đến 2015, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thực hiện Đánh giá tác động của BĐKH và xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh.

Theo “Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2013-2020”, việc ứng phó với BĐKH sẽ được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2013-2015), tỉnh sẽ tập trung cho các dự án tăng cường nhân lực, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai các hoạt động truyền thông; đầu tư các công trình thủy lợi, quản lý chống xói mòn, sạt lở ven biển, phục hồi rừng ngập mặn và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư. Nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn này là 934 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2016-2020), Kiên Giang tập trung cho các chương trình, dự án nghiên cứu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện BĐKH; phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, củng cố nâng cấp các đoạn đê biển; nâng cấp mạng lưới quan trắc KTTV để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm các điều kiện khí hậu cực đoan do tác động của BĐKH. Nhu cầu vốn cho giai đoạn này là khoảng 6.000 tỷ đồng. Giai đoạn 3 (sau năm 2020), địa phương sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các dự án theo kế hoạch hành động. Nhu cầu vốn cho giai đoạn này khoảng 10.712 tỷ đồng.

Ngoài việc đẩy mạnh các dự án công trình ứng phó với BĐKH, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, tỉnh còn cần đồng bộ các giải pháp chủ động phòng, tránh, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với các vùng ven biển; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải ít các-bon. 

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, không bị động, không bị hoang mang trước ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu để chủ động thích ứng. Tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; nâng cao trách nhiệm và năng lực cho cán bộ các cấp trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

T.Minh

Nguồn: Monre
Các tin khác