Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Lấy lại màu xanh cho rừng ven biển
Ngày đăng: 22/10/2016
Rừng ven biển đã chứng minh vai trò tối quan trọng trong việc giữ đất, giữ làng trước sóng lớn, gió to. Để nhân lên những “bức tường xanh”, Chính phủ đã chú trọng công tác trồng và phục hồi rừng ven biển nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH.

 
Rừng ven biển huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phát triển xanh tốt

*“Tường xanh” ngăn sóng, chắn gió

"Từ năm 2012 đến nay, xã Thụy Trường đã trải qua rất nhiều trận bão lớn từ cấp 10 - 14, cũng có sóng to, gió lớn nhưng từ ngày có rừng không còn sóng to nữa nên đã giảm được những thiệt hại như về nuôi trồng, con người. Là một người dân, chúng tôi cũng nhận thức rõ bảo vệ rừng cũng là bảo vệ cuộc sống cho chính người dân nơi đây". Ông Hồ Trọng Hùng -  xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình chia sẻ như vậy về cánh rừng ngập mặn của xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy) trải dài theo triền đê biển của xã.

Với diện tích hơn 2.000 ha, những cánh rừng ngập mặn đã phủ kín 4,5km đê biển của xã Thụy Trường. Trong cánh rừng ngập mặn, một hệ sinh thái phong phú nuôi dưỡng hàng chục loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu,…Nhờ hệ sinh thái đa dạng, rừng ngập mặn có ý nghĩa quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, tạo môi trường sống trong lành và mang lại lợi ích cao về kinh tế cho người dân nơi đây.

Cũng hiểu rõ vai trò của rừng ven biển, từ năm 1998, người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã chung tay trồng rừng. 120 ha rừng ngập mặn đang lên xanh tốt là thành quả mà người dân đạt được. Nhờ có “tấm lá chắn” này nên mỗi năm ,khi mùa mưa bão đến, bà con không còn nơm nớp lo sợ khi sóng biển dâng cao. Rừng còn giúp bà con có thêm thu nhập từ bán cây giống, tiền công trồng rừng và tiền tham gia quản lý bảo vệ rừng.

Còn ở Trà Vinh, người dân ở khóm 5, thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải lại thấm thía hơn bao giờ hết những thiệt hại lớn lao khi “rừng chết”.  Khôi phục rừng phòng hộ ven biển, suốt nhiều năm qua, người dân các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành đã gây dựng nên những bức tường xanh vững vàng trước sóng giữ. “Hiện khoảng cách giữa biển và nhà dân chúng tôi đã rất xa, chúng tôi được bảo vệ bởi dải rừng từ 300-1.000m, với những cây cao trên 10m”, ông Lê Văn Tám, một hộ dân ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải tự hào nói về rừng phòng hộ Phước Thiện.

*Chuyển đổi đất để trồng rừng ven biển

Đây là chủ trương của Chính phủ, được nêu ra trong Nghị Nghị định về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, các địa phương rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác mà đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng, để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển. Trường hợp khu rừng ven biển đã giao cho hộ gia đình, tổ chức kinh tế nhưng có tầm quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thì Nhà nước xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đó đã đầu tư theo quy định của pháp luật để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.

Theo Nghị định này, các địa phương tổ chức rà soát, chuyển các công trình xây dựng có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng ven biển ra khỏi khu vực quy hoạch rừng phòng hộ ven biển xung yếu và rất xung yếu, hành lang bảo vệ bờ biển.

Đối với diện tích đất quy hoạch để bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhưng người sử dụng đất tự ý chuyển đổi sai mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm thì Nhà nước thu hồi đất.

Không chỉ kiên quyết giữ gìn, tăng thêm diện tích rừng ven biển, trong vòng năm năm (từ 2015 – 2020), Chính phủ còn đầu tư mỗi năm trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng để trồng và phục hồi các diện tích rừng ven biển tại 19 tỉnh, thành trọng điểm. Đây sẽ là một trợ lực lớn từ Nhà nước để các địa phương cùng đồng lòng, quyết tâm gìn giữ bức tường xanh.

T.Bình

Nguồn: Monre
Các tin khác