Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ứng phó BĐKH giai đoạn 2016 - 2020: Kéo gần chính sách với thực tiễn
Ngày đăng: 14/10/2016
Kế thừa thành quả của Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012 - 2015, Chương trình Mục tiêu ứng phó BĐKH và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các địa phương tăng cường khả năng chống chịu tổng hợp trước BĐKH, bảo đảm an toàn tính mạng tài sản cho người dân.

  

Ảnh minh họa

Theo Bộ TN&MT (đơn vị chủ trì Chương trình), Kết thúc giai đoạn 2012 - 2015, Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản pháp lý quan trọng về BĐKH; xây dựng, cập nhật và công bố kịch bản BĐKH, nước biển dâng làm định hướng cho các ngành, địa phương trong quá trình triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH.

Đồng thời, đánh giá được tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực, từng khu vực, triển khai một số mô hình thích ứng, công trình hạ tầng, nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH.

Hệ thống chính sách đã tương đối đầy đủ, song thực tế vẫn cho thấy những khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn. Theo Tiến Sĩ Nguyễn Lanh, Viện Chiến lược chính sách, tài nguyên và môi trường, hoạt động lồng ghép ứng phó BĐKH vẫn còn mang tính hình thức. Khía cạnh BĐKH chỉ được quan tâm khi có những biểu hiện gây thiệt hại đáng kể từ BĐKH, hoặc việc đầu tư vào ứng phó BĐKH mang lại lợi ích cụ thể. Bên cạnh đó, hầu hết các chính sách, văn bản liên quan đến ứng phó BĐKH đều kêu gọi “cần chủ động”, “cần nỗ lực”, song hiệu quả thực thi chưa cao.

Trước những vấn đề còn tồn tại, Chương trình Mục tiêu ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 sẽ chú trọng đến những giải pháp cấp bách, cần ưu tiên nhằm giải quyết nhu cầu thực tế, đặc biệt là nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH cho địa phương. Các chính sách đã ban hành sẽ tạo hành lang phát lý thuận lợi, đẩy mạnh hiệu quả triển khai Chương trình.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đôi khí hậu, (Bộ TN&MT), tiêu chí cụ thể của Hợp phần Biến đổi khí hậu là các dự án phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của Trung ương và địa phương, nhấn mạnh tính liên vùng, đa mục tiêu, có tác dụng lan tỏa. Dự án khả thi là dự án tác động trực tiếp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, có sử dụng công nghệ tiên tiến.

Giải pháp phải phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sinh kế bền trước các tác động của BĐKH; phù hợp với Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam. Bên cạnh đó, ưu tiên các dự án được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo cụ thể bằng văn bản (đối với địa phương đề xuất nhiều dự án); Có quy mô phù hợp, suất đầu tư hợp lý và phải hoàn thành dứt điểm trước năm 2020.

Dựa trên những tiêu chí này, Hội đồng Thẩm định liên ngành và các chuyên gia, các nhà khoa học đã rà soát 400 dự án của các Bộ, ngành, địa phương và 34 dự án chuyển tiếp từ danh mục của giai đoạn 2012 - 2015. Kết quả, xác định được 66 dự án đạt yêu cầu, cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020. Dự kiến tổng nhu cầu kinh phí là 22.000 tỷ đồng, chủ yếu huy động từ nguồn ngân sách, vốn ODA.

Các địa phương có dự án thuộc Chương trình chịu trách nhiệm huy động, lồng ghép nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Đồng thời, thực hiện quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình do Bộ và địa phương quản lý; định kỳ báo cáo về tiến độ thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết và tổng kết Chương trình theo quy định.

Hiện, Bộ TN&MT đang tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành, chuẩn bị hoàn thiện văn kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.

Chương trình sẽ tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK). Qua đó, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu Trái đất, hướng đến việc triển khai cam kết giảm phát thải KNK sau 2020 trong Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định.

Khánh Ly

Nguồn: Monre
Các tin khác