Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris
Ngày đăng: 09/10/2016
Là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động vì sự phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với BĐKH. Một trong số đó là việc xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Đây là định hướng chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề BĐKH một cách căn cơ, bài bản trong nhiều thập kỷ tiếp theo; đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế giải quyết một trong những thách thức to lớn, đe doạ đến sự tồn vong của nhân loại.

Có sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Để xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris, Bộ TN&MT cùng với các Bộ, ngành khác đã tiến hành rà soát, đánh giá các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu đang và sẽ được triển khai, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với Hiệp định Paris. Đồng thời, đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng Kế hoạch gồm đại diện Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH và các Bộ: TN&MT, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng.

Cụ thể, ngày 4/3/2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chủ trì “Hội thảo về triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam” với sự tham dự của các thành viên Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH, đại diện các Bộ, ngành, các cơ quan phát triển quốc tế và nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Hội thảo đã xác định trọng tâm việc triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam là triển khai thực hiện các cam kết trong NDC của Việt Nam và tận dụng cơ hội do Thỏa thuận Paris mang lại để phát triển bền vững đất nước theo hướng các-bon thấp.

Tiếp theo Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều buổi thảo luận kỹ thuật với các Bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Dự thảo Kế hoạch, bao gồm: Các đợt tập trung chuyên gia thảo luận: ngày 5-6 tháng 3; 9-10 tháng 6, 28- ­29 tháng 7, 6-7 tháng 9 và 22-23 tháng 9 năm 2016; Hội thảo tham vấn Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH và các Bộ, ngành ngày 8/8/2016; Hội thảo tham vấn các đối tác phát triển quốc tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ngày 01/9/2016; Gửi văn bản xin ý kiến chính thức các Bộ ngày 17/8/2016.

 

Hoàn thành dự thảo Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris

Đến nay, Dự thảo Kế hoạch đã được hoàn thành. Theo đó, Dự thảo gồm 5 nội dung chính: (i) Giảm nhẹ phát thải KNK: các nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện các đóng góp về giảm nhẹ phát thải KNK nêu trong NDC và tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp; (ii) Thích ứng với BĐKH: các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các đóng góp về thích ứng với BĐKH nêu trong NDC nhằm giảm tổn thương, tăng khả năng chống chịu với BĐKH; (iii) Nguồn lực thực hiện: các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển nguồn lực con người; phát triển và chuyển giao công nghệ và huy động tài chính bảo đảm thực hiện các đóng góp đã được xác định trong NDC và tận dụng cơ hội do Thoả thuận Paris mang lại để phát triển đất nước; (iv) Hệ thống công khai, minh bạch (hệ thống MRV): các nhiệm vụ và giải pháp nhằm theo dõi, giám sát việc thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng với BĐKH, bảo đảm nguồn lực để thực hiện; (v) Thể chế, chính sách: các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật; quy định trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương và tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề liên vùng, liên ngành.

Về bố cục, Dự thảo Kế hoạch chia làm 8 phần và 1 Phụ lục.

Phần mở đầu: nêu tóm tắt bối cảnh, sự cần thiết, nội dung chính của Kế hoạch và cam kết của việt Nam.

Phần II là quan điểm, mục tiêu. Trong phần này nêu ra quan điểm, mục tiêu để xây dựng Kế hoạch.

Theo đó, quan điểm phải tuân theo các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; kế thừa các kết quả đã đạt được và tiếp tục các hoạt động ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh có điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu mới và tận dụng cơ hội do Thoả thuận Paris mang lại.

Về mục tiêu chung là xác định được các hoạt động cụ thể và giải pháp thực hiện đến 2020 và 2030 để thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Thỏa thuận Paris đối với Việt Nam và tận dụng cơ hội do Thỏa thuận Paris mang lại. Về mục tiêu cụ thể: có 5 mục tiêu cụ thể bao gồm giảm nhẹ phát thải KNK; thích ứng với BĐKH; huy động nguồn lực (con người, công nghệ, tài chính) cho ứng phó với BĐKH; công khai minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ ứng phó; xây dựng và hoàn thiện thể ché, đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của Thỏa thuận Paris đối với Việt Nam.

Phần III là nhiệm vụ và giải pháp: nêu các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2030 cho 5 nhóm nhiệm vụ: giảm nhẹ phát thải KNK; thích ứng với BĐKH; huy động nguồn lực; công khai, minh bạch; và hoàn thiện thể chế, chính sách.

Trong phần này, nhiệm vụ ưu tiên đã được xác định hoặc được phê duyệt theo các chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch... thực hiện ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh phù hợp với yêu cầu của Thỏa thuận Paris; nhiệm vụ khuyến khích thực hiện để tận dụng cơ hội do Thỏa thuận Paris mang lại. nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân hoặc nhằm tận dụng cơ hội chuyển đổi công nghệ, nhận hỗ trợ từ quốc tế.

Phần IV là giải pháp về nguồn vốn để thực hiện. Căn cứ nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, các Bộ, ngành và địa phương xây dựng giải pháp cụ thể để triển khai từng nhiệm vụ; đồng thời nêu rõ nguyên tắc bố trí nguồn vốn thực hiện cụ thể.

Đối với các nhiệm vụ thuộc loại bắt buộc thực hiện, cần tập trung nguồn lực trong nước và hỗ trợ kỹ thuật quốc tế để hoàn thành đúng thời hạn.

Đối với các nhiệm vụ khác, Nhà nước hàng năm cân đối bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn lực hỗ trợ quốc tế để thực hiện, đặc biệt cho các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, thích ứng với BĐKH và thực hiện các đầu tư cấp bách để ứng phó với BĐKH. Đồng thời Nhà nước tạo cơ sở pháp lý khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris.

Phần V: Tác động của Kế hoạch về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Về phần này cho thấy việc thực hiện Kế hoạch trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến bố trí nguồn lực cho các hoạt động khác của đất nước, nhưng về dài hạn sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vì tận dụng được cơ hội để phát triển theo hướng các-bon thấp, chống chịu cao, ổn định xã hội. Về tác động lồng ghép với các chương trình khác sẽ tăng hiệu quả bền vững khi hài hoà giữa ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phần VI. Thuận lợi và khó khăn khi thực hiện Kế hoạch. Trong đó thuận lợi là quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã có kinh nghiệm thực hiện ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh thời gian qua; các hoạt động đã và đang thực hiện đến 2020 là phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong NDC và yêu cầu của Thỏa thuận Paris nên không cần có những điều chỉnh lớn.

Khó khăn lớn nhất là về nguồn lực thực hiện; thay đổi nhận thức, tư duy và công cụ quản lý để chuyển từ ứng phó tự nguyện hiện nay sang ứng phó mang tính ràng buộc pháp lý, chịu sự giám sát, kiểm tra quốc tế.

Phần VII. Tổ chức thực hiện, nêu rõ phương thức điều hành quản lý thực hiện kế hoạch với vai trò chỉ đạo của Uỷ ban quốc gia về BĐKH, vai trò đầu mối của Bộ TN&MT; trách nhiệm thực hiện của Bộ TN&MT và của các Bộ, ngành và địa phương; trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan đầu mối cấp huyện, tỉnh, quốc gia và của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội khác. Trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện đối với mỗi nhiệm vụ của tổng số 68 nhiệm vụ của Kế hoạch.

Phần VIII, đề xuất, kiến nghị. Phần này nêu những kiến nghị về chính sách mới cần ban hành và các kiến nghị khác nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện Kế hoạch, trong đó có việc xây dựng Đề án Luật BĐKH để đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội năm 2019 nhằm xử lý toàn diện các vấn đề pháp lý trong ứng phó với BĐKH ở nước ta giai đoạn sau năm 2020.

 

Sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, các đối tác phát triển, các tổ chức trong và ngoài nước

Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về khí hậu của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và tham gia đóng góp ý kiến tích cực của các Bộ, ngành, các đối tác phát triển, các tổ chức trong và ngoài nước. Đa số các ý kiến góp ý đều đánh giá cao nỗ lực xây dựng Kế hoạch; đồng thời cho rằng Kế hoạch có bố cục chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu triển khai Thoả thuận Paris, thực hiện các cam kết nêu tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam trình Liên Hợp Quốc và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Theo đó, Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về khí hậu đã được xây dựng công phu, mang tính kế thừa, lồng ghép cao, có sự tham gia rộng rãi và được sự nhất trí cơ bản của các Bộ, ngành, các đối tác phát triển, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan khác thể hiện sự quyết tâm ứng phó với BĐKH của Việt Nam gửi đến cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tận dụng được cơ hội do Thỏa thuận Paris mang lại để phát triển đất nước theo hướng phát thải thấp, chống chịu cao trước tác động tiêu cực của BĐKH từ nay đến 2030.

CTTĐT

Nguồn: Monre
Các tin khác