Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nền tảng hoạch định quyết sách phát triển bền vững
Ngày đăng: 08/10/2016
Trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được Bộ TN&MT khởi động xây dựng. Với nguồn thông tin liên tục được cập nhật và xử lý đồng bộ, các sản phẩm của Trung tâm sẽ hỗ trợ cho việc dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng.

  

Thông tin về BĐKH vùng ĐBSCL sẽ có độ tin cậy cao

Trung tâm cơ sở dữ liệu đặt tại Cần Thơ

Để khởi động cho việc xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, ngày 5/10 tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo để bàn các vấn đề liên quan.

Ông Lê Minh Chân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng - Bộ TN&MT cho biết: Trung tâm sẽ được đặt tại Cần Thơ – một trong 13 tỉnh thuộc ĐBSCL, có tiềm năng phát triển mạnh và cũng là nơi ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Từ tháng 10/2016, Bộ TN&MT sẽ triển khai xây dựng Trung tâm với 3 nhiệm vụ chính.

Đầu tiên, Trung tâm sẽ trở thành nơi thu thập, tích hợp, mô hình hóa, lưu trữ và cung cấp thông tin, báo cáo. Nguồn thông tin từ đây là cơ sở quan trọng để các nhà quản lý đưa ra quyết định, các kế hoạch, giải pháp cả trước mắt và lâu dài để thích ứng, ứng phó trong điều kiện BĐKH.

Đây còn là nơi lưu trữ và chia sẻ thông tin về dữ liệu TN&MT vùng ĐBSCL cho cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong khu vực và quốc tế. Các sản phẩm, dữ liệu này được phân cấp để cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, để mở rộng nguồn vốn tái đầu tư, Trung tâm còn cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng (thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, bản đồ, mô hình, kịch bản, xây dựng các báo cáo đánh giá) hỗ trợ công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án chương trình chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân kỳ vọng, Trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL sẽ cung cấp được nguồn dữ liệu có độ tin cậy cao, được trình bày một cách có hệ thống ở quy mô vùng, làm cơ sở vững chắc hỗ trợ cho việc ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH của vùng.

 

Hướng đến cộng đồng

Ông Greg Browder, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, hiệu quả của Trung tâm dữ liệu chỉ đạt được khi nó được cộng đồng cần đến, các sản phẩm thực sự hữu ích cho cộng đồng, cụ thể là những người dân ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nghe nói đến Trung tâm dữ liệu, người ta nghĩ ngay đến những con số, bảng biểu tính toán. Vậy làm thế nào để những con số ấy phục vụ được đời sống người dân. Đó là bài toán mà những người xây dựng Trung tâm cần lưu ý. Điều đó đòi hỏi việc kết nối với cộng đồng từ khi thu thập, xử lý đến cung cấp thông tin.

Thực tế, để có được dữ liệu trên diện rộng, ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đã sử dụng đến các trạm đo mưa nhân dân từ nhiều năm nay. Đây là nơi  người dân - người duy trì hoạt động, bảo vệ của các trạm quan trắc này. Để duy trì hiệu quả bền vững cả các trạm đo nhân dân và trạm đo của Nhà nước, lợi ích của các số liệu phải phục vụ đời sống người dân. Đó có thể là những quyết định hợp lý về quy hoạch ứng phó với BĐKH, những hướng dẫn phòng chống thiên tai hay chỉ đơn thuần là một bản tin cảnh báo chính xác…

“Trung tâm không đơn thuần là nơi lưu giữ các thông tin khoa học, những con số nghiên cứu mang tính học thuật của các Viện nghiên cứu mà phải khiến chúng trở nên dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ sử dụng cho dù người dân bình thường”, ông Greg nói.

Ở Hoa Kỳ có Trung tâm quỹ Vịnh Chesapeake của Hoa Kỳ là một mô hình dữ liệu tương tự. Ở đây, hoạt động đối thoại chính sách với người dân được thực hiện thường xuyên. Thậm chí, Trung tâm còn có các bộ chỉ số đánh giá, lập biểu đồ theo dõi quá trình Vịnh thoát khỏi nguy cơ ô nhiễm môi trường, mở rộng các vùng sinh thái, có mục tiêu cụ thể. Chính người dân và các nhà khoa học có thể cho điểm trên trang thông tin điện tử của Vịnh, ngoài ra còn có bản đồ, biểu đồ, hình ảnh rất rõ ràng và trực quan. Mọi người cũng có thể đăng ký nhận thông tin qua email hay tin nhắn.

Tại Hà Lan, theo chuyên gia Marcol Marchand, Trung tâm quản lý nước đa chức năng của Hà Lan tập trung vào những nghiên cứu, điều tra mang tính ứng dụng cao thay vì những thông tin mang tính hàn lâm khoa học. Đặc biệt, mỗi báo cáo cần tính đến các vấn đề kinh tế, xã hội có liên quan, phục vụ cho nhiều nhu cầu sử dụng các nhau. Trung tâm đóng vai trò thẩm định, quan sát, thậm chí có những cố vấn chuyên nghiệp cho các dự án quốc tế.

Tên đầy đủ của dự án là "Đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu”. Đây là tiểu dự án 4 thuộc dự án “Chống chịu biến đổi khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL”. Tổng vốn đầu tư cho tiểu dự án này là 14,453 triệu USD, trong đó, WB tài trợ vốn vay ODA 13,8 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

 

Khánh Ly

Nguồn: Monre
Các tin khác