Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Nhiều cách chung sống “thông minh” với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 16/09/2016
Biến đổi khí hậu (BĐKH), lũ không về… các tỉnh ĐBSCL đang tự tìm “đường thoát” với nhiều cách chung sống thông minh với BĐKH. Trong đó, các cách làm nhằm đảm bảm sinh kế được quan tâm nhất.

 Cánh đồng thông minh ở Đồng Tháp

Đầu năm 2017 tỉnh Đồng Tháp sẽ cùng Công ty Rynan Agrifoods xây dựng mô hình cánh đồng thông minh. Ở đó, nhiều khâu sản xuất sẽ tự động hóa bằng việc ứng dụng internet vạn vật và điện toán đám mây. Sản phẩm được đóng gói bằng bao bì thông minh và bán hàng thông qua... smartphone.

Mô hình là một chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ. Nó giải quyết nhiều bài toán cùng lúc gồm: giảm chi phí, thiếu nước tưới, giảm ô nhiễm nguồn nước và phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, sản phẩm chất lượng cao và an toàn.

Mô hình  này đang xây dựng sẽ có quy mô tối thiểu 100ha, sử dụng máy san phẳng mặt ruộng bằng laser để tiết kiệm nước tưới. Rải phân bón thông minh một lần duy nhất khi làm đất. Trên cánh đồng sẽ có nhiều máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời nối với đầu dò điện tử. Hệ thống này được lập trình và điều khiển từ xa qua điện thoại di động. Khi ruộng thiếu độ ẩm (thiếu nước) thì hệ thống sẽ báo qua điện thoại di động.

Nông dân sẽ thao tác kích hoạt máy bơm nước tự động bơm vào ruộng, khi nào đủ nước theo lập trình thì tự ngắt. Dự kiến, tại cánh đồng này còn có một nhà máy xay xát chạy bằng năng lượng mặt trời.

 

Hiện đại hóa khâu tưới nước

Còn tại Cần Thơ, ngay từ bây giờ, việc lắp đặt, sử dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng trên cạn đã và đang giúp nông dân tiết kiệm thời gian, chi phí và góp phần tích cực vào việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

Trên địa bàn thành phố, những tháng mùa nắng, nhiều nơi gặp khó về nguồn nước tưới cho cây trồng, nhất là những khu vực xa các kênh mương. Nhiều bà con lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái. Việc áp dụng mô hình được người dân mang lại hiệu quả lớn và đánh giá là không quá khó để lắp đặt và sử dụng. Do ở địa phương, ruộng lúa khá bằng phẳng và có hệ thống các bờ, đê bao xung quanh nên nông dân dễ dàng đặt máy bơm nước – đặt một nơi là có thể đưa nước đi đều khắp ruộng lúa. Về sử dụng, họ chỉ cần bật cầu dao điện của hệ thống tưới là nước phun đều cả khu vườn. Nhờ nhẹ công tưới nước, người nông dân có nhiều thời gian hơn để chăm sóc, làm cỏ… nâng cao hiệu quả cây trồng.

Dù đã có nông dân đầu tư cả trăm triệu đồng để lắp đặt mô hình này nhưng đa phần bà con cho rằng, chi phí đầu tư ban đầu của mô hình cao. Ngoài ra, để phát triển mô hình này người dân thiếu thông tin, kiến thức về mô hình.

Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố đang tìm cách hỗ trợ tối đa để nông dân áp dụng mô hình này. Thông qua dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững – VnSAT của Ngân hàng Thế giới (WB), Sở NN&PTNT đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan giúp người dân xây dựng các mô hình hiện đại hóa khâu tưới nước trên cây ăn trái làm mô hình điểm để nhân rộng.

K.Linh

Nguồn: Monre
Các tin khác