Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Miền Tây “ngóng” mùa nước nổi
Ngày đăng: 14/09/2016
Giờ đã gần giữa tháng 9 nhưng lũ đã không về hoặc về ít trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Lũ không về, ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức…

 Còn đâu miền trù phú!?

Mùa nước nổi vẫn được coi là hình ảnh đặc trưng của vùng ĐBSCL. Hàng năm mỗi khi lũ về người dân nô nức đánh bắt cá tự nhiên để sinh sống. Lũ còn mang phù sa bồi đắp làm trù phú đất đai cho vùng đất trù phú từ ngàn đời nay. Tuy nhiên, liên tục mấy năm gần đây, vùng ĐBSCL không còn xuất hiện lũ.

Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử mặn trào ngược theo sông Hậu lấn gần tới bến Ninh Kiều, uy hiếp tình hình sản xuất, sinh hoạt cư dân thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.

Lũ không về, ĐBSCL đối mặt với ra nhiều thách thức: không chỉ là chuyện giải quyết sinh kế cho hàng trăm ngàn lao động do thiếu nước; mà còn là chuyện nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. ĐBSCL lâm vào thế bị động do không đoán định được các tình huống nguồn nước tác động đến môi trường, sinh thái, điều kiện sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng đang lệ thuộc vào nguồn nước từ hai chi lưu của dòng Mekong (sông Tiền, sông Hậu). Cùng với đó, hầu như tổng lượng nước mặt (khoảng trên 50 tỉ m3/năm) chảy vào ĐBSCL từ ngoài biên giới.

Không những vậy, không có lũ đồng nghĩa với việc đa dạng sinh học bị suy kiệt, xu hướng đất đai cằn cỗi ngày càng lộ diện do nguy cơ hoang hóa, sa mạc hóa.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng cực đoan, không có lũ hoặc lũ nhỏ có gây một nguy cơ nghiêm trọng hơn. Theo Tiến sỹ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, nếu trong tương lai ĐBSCL tiếp tục không có lũ thì nguy cơ sụt lún đồng bằng là rất lớn. Miền Tây sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất vì thiếu lượng phù sa bồi đắp hình thành vùng đất này như hàng nghìn năm qua.

Học cách chung sống

Đối mặt với thực trạng trên, theo các nhà khoa học, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới đó là phải thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi ngành nghề phù hợp để thích nghi với tình hình không có lũ.

Thực tế, tại thành phố Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp vẫn thường xuyên khuyến cáo nông dân ngoài dựa vào khai thác nguồn lợi tự nhiên có trong mùa lũ thì cần tự chủ trong nuôi trồng thủy sản để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, hàng năm, các Sở, ngành liên quan phối hợp mở các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho nông dân, giúp những người vốn chỉ biết mưu sinh nhờ con nước có điều kiện chuyển nghề.

Ở Đồng Tháp, việc cơ cấu lại cây trồng trên đất lúa, sử dụng ít nước cũng được xem là một giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay. Với Đề án phát triển cây hoa màu chủ lực theo hướng tập trung thành các vùng có quy mô lớn, tỉnh chú ý phát triển một số loại cây trồng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu hoặc ít nước khi không có lũ.  Với Đề án này, năm 2016, tỉnh Đồng Tháp ước tính trồng 44.000ha cây hoa màu, tăng 5.300ha so với năm 2015.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực dự án nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng lũ tại các huyện, thị xã phía Bắc của tỉnh. Dự án sẽ chuyển từ sản xuất lúa vụ 3 sang các hình thức sản xuất khác mang lại hiệu quả cao hơn như nuôi trữ cá thiên nhiên, khai thác cây thủy sinh, nuôi cá đồng, tôm càng xanh... đảm bảo trữ nước hợp lý khi không có lũ.

 “Thậm chí, chúng ta cần phải có các nhà máy để biến nước biển thành nước ngọt để có thể hoàn toàn chủ động được nguồn nước trong tương lai”- ông Vinh nhấn mạnh. ông Kỳ Quang Vinh đề xuất, trong các năm thời tiết bình thường thì cần chủ động trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô. Bên cạnh đó, Nhà nước cần cấm ngay việc khai thác và sử dụng nước ngầm tràn lan như hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu bơm nước trở lại lòng đất để phục hồi mực nước ngầm, chống sụp lún đất.

Tầm nhìn dài hạn

Mặc dù vậy, thay đổi cơ cấu cây trồng chỉ được coi là giải pháp tạm thời. Với thực tế gần 100% nguồn nước mặt ở ĐBSCL hiện nay là từ nước ngoài chảy vào, Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Điều phối BĐKH thành phố Cần Thơ cho rằng, để xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thì phải tìm cách để chủ động được nguồn nước mặt bằng các phương pháp như xây dựng các hồ chứa, kênh thoát lũ đồng thời dự trữ nước ngầm.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH kiêm Trưởng Khoa Quản lý tài nguyên nước ĐH Cần Thơ) nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là phải hiểu bản chất của sự thay đổi để xây dựng chiến lược thích ứng phù hợp. Nếu tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo kiểu bê-tông hóa đô thị và tiếp tục ngăn lũ ở thượng nguồn mà không đầu tư cho việc tăng khả năng chống chịu với BĐKH thì đô thị ở ĐBSCL sẽ không thể nào tồn tại thích ứng.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung cho rằng, cần có tầm nhìn mới về qui hoạch và quản lý ĐBSCL. Theo đó, ở đầu nguồn nên tạo vùng trữ lũ dọc theo sông và kênh rạch chính. Nên có các vùng bảo tồn và chỉ sản xuất hai vụ lúa; xây dựng khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản kết hợp tạo cảnh quan làm du lịch. Với đô thị thì nên xây dựng “đô thị xanh”, thí dụ tăng được lượng trữ nước mưa trong tán cây, thấm xuống đất hay nên có công trình trữ nước mưa…

L.Nhi

Nguồn: Monre
Các tin khác