Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Trồng và phục hồi rừng ngập mặn: Bền vững – đa mục tiêu
Ngày đăng: 31/08/2015
Trồng rừng ngập mặn là nội dung ưu tiên của nhiều chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại các địa phương ven biển. Cùng với các giải pháp công trình như xây dựng, nâng cấp đê sông, đê biển, hệ thống ngăn mặn, trồng và phục hồi rừng ngập mặn là giải pháp mang tính bền vững, đa mục tiêu “cứu cánh” cho ứng phó với BĐKH, khi mực nước biển dâng cao.

*  “Cứu cánh” cho ứng phó với BĐKH

Trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012-2015, 50 dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển đã được thực hiện. Với Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), các đối tác quốc tế cũng tập trung đầu tư cho trồng rừng ngập mặn ở nhiều địa phương.

Trong nhiều cuộc họp ở cấp quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, trước những hậu quả khôn lường do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra, chúng ta phải coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề đại sự, mang tính sống còn, đồng thời là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài…đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Thủ tướng cho rằng, bên cạnh đầu tư xây dựng đê biển thì trồng rừng ngập mặn là giải pháp quan trọng để giữ các vùng đồng bằng của Việt Nam.

Theo ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, việc triển khai trồng, phục hồi rừng ngập mặn góp phần ứng phó hiệu quả với các tác động của BĐKH, vừa tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng, hạn chế xâm nhập mặn, đồng thời nâng cao khả năng hấp thụ khí CO2, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ sinh thái ven biển.

Mặt khác nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên. Do đó người dân khai thác nguồn lợi thủy sản mà không cần phải đầu tư và chăm sóc con giống, nhờ đó đã góp phần nâng cao đời sống của người dân và cũng chính từ đó người dân có trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.

* Xây dựng kế hoạch trồng rừng ngập mặn lâu dài

Đối với các dự án trồng rừng ngập mặn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chương trình SP-RCC, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành, địa phương luôn kiểm tra đôn đốc để hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng tốt.

Vừa qua, Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Bộ TN&MT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính đã khảo sát thực địa các dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn tại 8 tỉnh ven biển gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015, do vậy Đoàn công tác đề nghị trong 6 tháng cuối năm 2015 các địa phương cần khẩn trương thực hiện và hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch được giao năm 2015, bao gồm nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương. Các địa phương chưa giải ngân hết vốn năm 2014 cần sớm thực hiện thủ tục xin kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn năm 2014 theo quy định.

Đối với các dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn, cần lập kế hoạch thực hiện các năm tiếp theo từ nguồn ngân sách địa phương để tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, tổ chức tập huấn cho người dân về các giải pháp phát triển sinh kế bền vững.

K.Linh

Nguồn: Monre