Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Mở đường vào thị trường trao đổi tín chỉ cac-bon
Ngày đăng: 06/03/2015
Bộ TN&MT đang hoàn thiện văn kiện dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon ở Việt Nam” với kỳ vọng con đường tham gia thị trường trao đổi tín chỉ các-bon sẽ rộng mở hơn. Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã có cuộc trao đổi với Báo TN&MT xung quanh dự án này.

 * Giảm phát thải khí nhà kính và tham gia thị trường cacbon là một trong những mục tiêu của công cuộc ứng phó với BĐKH ở VN. Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam (VNPMR) sẽ cụ thể hóa mục tiêu này như thế nào, thưa ông?

- Khi Việt Nam tham gia Thỏa thuận quốc tế mới mang tính ràng buộc pháp lý ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ kéo theo việc xuất hiện nhu cầu về mua bán/trao đổi tín chỉ các-bon trong nước. Nhằm từng bước thực hiện lộ trình nêu trên, ngày 21 tháng 11 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg. Việc đề xuất Dự án VNPMR góp phần từng bước triển khai Đề án nêu trên. Mục tiêu của Dự án đặt ra là tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn.

* Xin ông cho biết vì sao lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn được lựa chọn để thí điểm tạo tín chỉ cacbon và tham gia thị trường?

Việc xác định hai lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn để thí điểm tạo tín chỉ các-bon và xác định tiềm năng xây dựng thị trường các-bon với các lý do sau:

Thứ nhất, vì hai lĩnh vực này có tiềm năng phát thải các-bon lớn, thông tin, cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ;

Thứ hai, phương pháp tính toán mức độ giảm phát thải các-bon trong hai lĩnh vực này đã được xác định và kiểm chứng;

Thứ ba, đã ban hành được một số chính sách quản lý chung đối với hai lĩnh vực này khá cụ thể;

Thứ tư, đây là một trong các lĩnh vực ưu tiên cần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được xác định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam.

* Vậy cụ thể, việc chuẩn bị sẵn sàng cho thí điểm các công cụ thị trường ở hai lĩnh vực này sẽ được xây dựng ra sao, thưa ông?

Để thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn, thông qua Dự án VNPMR sẽ triển khai một số hoạt động chính sau đây:  

Thứ nhất, hệ thống hóa và đồng bộ thông tin, cơ sở dữ liệu về hiện trạng phát thải các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn;

Thứ hai, phân tích các công cụ thị trường trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn và xác định khả năng áp dụng ở Việt Nam;

Thứ ba, xác định tiềm năng giảm phát thải các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn ở Việt Nam;

Thứ tư, thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon và xây dựng hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

Thứ năm, xây dựng lộ trình trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế.

Thứ sáu, tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong việc quản lý, giám sát và ứng dụng các công cụ thị trường đối với hai lĩnh vực nêu trên.

* Được biết, Việt Nam đã bảo vệ thành công dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam tại Đại Hội đồng Chương trình “Hợp tác chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon” quốc tế lần thứ 10 tổ chức tại Santiago, Chi-lê. Xin ông cho biết, đại diện các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao dự án này ở những điểm nào?

- Tại Hội nghị lần thứ 10 của Đại Hội đồng Chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon” tổ chức đầu tháng 11 năm 2014 tại Chi-lê, Đoàn công tác của Việt Nam đã trình bày đề xuất dự án VNPMR. Với sự đồng thuận tuyệt đối của đại diện 32 quốc gia tham dự, đề xuất Dự án VNPMR chính thức được thông qua. Điểm nổi bật được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao là việc tiên phong đi đầu và sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm cao của Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ mái nhà chung của nhân loại. Bên cạnh đó việc quản lý, điều phối của cơ quan chủ trì và sự hợp tác giữa các cơ quan tham gia dự án của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đồng thời mục tiêu và nội dung của Dự án VNPMR đặt ra là phù hợp với lộ trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và cũng là sự quan tâm chung của cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển.      

Nhật Thu (thực hiện)

Nguồn : monre

Các tin khác