Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ứng phó BĐKH gắn với tăng trưởng xanh và bền vững
Ngày đăng: 13/02/2015
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề thời sự, được mọi quốc gia trên toàn thế giới quan tâm. Việt Nam là nước phát thải khí nhà kính thấp song lại là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong năm qua Việt Nam đã có những sáng kiến, chính sách và nhiều hoạt động thiết thực. Trước thềm Xuân Ất Mùi 2015, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời phỏng vấn của báo Tài nguyên & Môi trường xung quanh vấn đề này.

 PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông đánh giá khái quát về những sáng kiến và hoạt động của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu?

Thứ trưởng Trần Hồng Hà: Trong những năm qua, vấn đề biến đổi khí hậu nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-CP nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.

Về chính sách, các chủ trương của Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 08 của Chính phủ từng bước được triển khai rộng khắp. Nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa thành những quy định pháp luật. Hoạt động liên quan đến phát thải khí nhà kính đã được luật hóa trong Chương 4 Luật Bảo vệ Môi trường; trong khi những nội dung về thích ứng sẽ có trong Luật Khí tượng Thủy văn đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tích cực xây dựng và dự kiến sẽ trình Chính phủ ngay quý I năm 2015. Các quy định của pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu khác cũng đang từng bước được hoàn thiện hơn, phục vụ công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Về thể chế, để giúp cho Chính phủ và Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, về khoa học và công nghệ, góp phần tăng cường nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và huy động nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội đồng tư vấn cho Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (gọi tắt là VPCC) đã được thành lập. Điều đó thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Về khoa học công nghệ, chúng ta xây dựng và công bố Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu (Báo cáo SREX của Việt Nam). Báo cáo cung cấp những thông tin rất quan trọng, làm rõ hơn những nguyên nhân bất thường của thời tiết, khí hậu tại Việt Nam trong những năm gần đây và những năm tới, hỗ trợ Chính phủ xác định và tập trung đầu tư cho các kế hoạch và biện pháp cấp bách, không thể trì hoãn trong phòng tránh thiên tai và thích ứng với các tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động và tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, tham gia các diễn đàn quốc tế đa phương về biến đổi khí hậu. Nổi bật như việc chúng ta tích cực cùng với cộng đồng quốc tế đàm phán nhằm xây dựng Thỏa thuận toàn cầu mới tại Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 20). Chúng ta đã đạt được một số kết quả trong huy động hỗ trợ quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu, điển hình là Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC. Kể từ khi đi vào hoạt động, Chương trình SP-RCC đã thu hút được hơn 1 tỷ USD, trong đó năm 2014 tiếp tục là năm nhận được số vốn tài trợ cao nhất với tổng số tiền tài trợ là 223,8 triệu USD.

PV: Tại Hội nghị COP 20, Đoàn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, đồng thời thể hiện quan điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, chia sẻ những nỗ lực cũng như cam kết cùng cộng đồng quốc tế. Xin Thứ trưởng cho biết một vài đóng góp nổi bật của Việt Nam tại Hội nghị?

Thứ trưởng Trần Hồng Hà: Để chuẩn bị cho các hoạt động đàm phán nhằm xây dựng và thực hiện Thỏa thuận toàn cầu dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị COP 21 tại Paris, Pháp, năm 2015 và có hiệu lực từ sau năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Đề án đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2015. Trên cơ sở Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ với vai trò Thường trực Ban Công tác đàm phán đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm đến từng thành viên.

Tại Hội nghị, Trưởng đoàn đã có bài phát biểu, đề cập các nội dung trọng tâm nêu rõ tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, các cố gắng Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, các đóng góp của Việt Nam cho ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và đề xuất định hướng cho thảo luận xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu về biến đổi khí hậu. Các cán bộ tham gia Đoàn đã chủ động và tích cực tham gia các phiên đàm phán, có những đóng góp vào dự thảo quyết định của COP 20 và nội dung có liên quan Thỏa thuận 2015.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã có nhiều cuộc gặp và tiếp xúc song phương để trao đổi quan điểm đàm phán biến đổi khí hậu, kiểm điểm tình hình hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác, thảo luận giải pháp thúc đẩy hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cũng tại Hội nghị, Việt Nam là nước đang phát triển thứ hai trên thế giới đệ trình Báo cáo cập nhật 2 năm một lần (BUR) lần đầu tiên của Việt Nam. Bản Báo cáo nêu tóm tắt các hành động của Việt Nam góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Vào thời điểm nộp báo cáo chỉ có Nambia, Việt Nam, Singapore và Chi-lê là 4 nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đệ trình BUR.

Ngoài ra, các cán bộ của Đoàn Việt Nam đã tham gia chủ trì và báo cáo tại nhiều hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bài học ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đáng chú ý là: kinh nghiệm xây dựng Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định (iNDC) và xây dựng thực hiện hoạt động giảm nhẹ phù hợp điều kiện quốc gia (NAMA) do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày; kinh nghiệm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng do đại diện Bộ Công Thương trình bày; kinh nghiệm xây dựng và thực hiện tăng trưởng xanh do đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày; kinh nghiệm về triển khai REDD+ ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày; các tọa đàm về hợp tác song phương, đa phương, khu vực ASEAN cho ứng phó biến đổi khí hậu… Một số hoạt động, kinh nghiệm của Việt Nam đã được ghi nhận, quan tâm của các đại biểu tham gia và đã được các ấn phẩm chính thức của Hội nghị đăng tải hoặc đưa tin.

PV: Việt Nam đang triển khai các Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, các chương trình có liên quan khác với sự tham gia của Chính phủ, các nhà khoa học, các nhà quản lý, khối doanh nghiệp Nhà nước, và khu vực tư nhân. Xin Thứ trưởng cho biết chúng ta đã triển khai được đến đâu, có những thuận lợi và khó khăn gì?

Thứ trưởng Trần Hồng Hà: Trong thời gian qua, chúng ta tích cực triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng như các chiến lược khác như Chiến lược tăng trưởng xanh và các chương trình, dự án có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Có thể nói các kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã góp phần vào những kết quả quan trọng về mặt thế, chính sách, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong những năm qua cũng như năm 2014 như đã nói ở phần trên.

Ngoài ra, chúng ta cũng đã triển khai một cách hiệu quả một số chương trình đề án quan trọng như Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015, Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu với các dự án trọng điểm thuộc 02 Chương trình này.

Các chương trình, đề án chuyên ngành khác như Đề án “Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới” cũng từng bước được triển khai để góp phần vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các chương trình, đề án liên quan ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều thuận lợi. Đó là Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương lớn về biến đổi khí hậu. Đồng thời, các cấp chính quyền và người dân đã từng bước có những nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu, những thách thức và cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại. Ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay đã được các Bộ, ban, ngành và địa phương đưa vào làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các đối tác phát triển trong triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh và các chương trình mục tiêu quốc gia, các Đề án lớn liên quan đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn một số khó khăn nhất định. Đó là sự phối hợp giữa các Bộ, ban ngành, giữa Trung ương và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu vốn đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành, liên vùng vẫn còn những hạn chế nhất định. Về thể chế chính sách, mặc dù đã từng bước được hoàn thiện nhưng nhiều nội dung còn chưa được luật hóa, thể chế hóa, khiến cho việc triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn có những khó khăn.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, đòi hỏi nguồn lực đầu lớn, trong khi đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, trong khi nguồn lực huy động từ hỗ trợ quốc tế vẫn còn một số trở ngại về cơ chế, chính sách.

Thêm vào đó, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh không phải lúc nào cũng đi liền với tăng trưởng kinh tế trong tầm ngắn hạn. Vì vậy, trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đôi khi mới chỉ chú trọng đến tăng trưởng hoặc tăng thu nhập ngắn hạn mà quên các yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nhằm phát triển dài hạn và bền vững, nguồn nhân lực phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

 PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thu Hà (Thực hiện)

Nguồn: Monre

Các tin khác