Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ứng phó với biến đổi khí hậu: Nỗ lực trong chính sách và hành động
Ngày đăng: 31/12/2014
Tính từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định 158/TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cuối năm 2008, công cuộc ứng phó với BĐKH của Việt Nam đã đi được chặng đường hơn 6 năm. Khoảng thời gian ấy không dài so với việc ứng phó dự tính kéo dài hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Song với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng chính sách cũng như triển khai các dự án cụ thể.

 Trước thềm năm mới 2015, ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã trao đổi về vấn đề này.

* Theo ông, đâu là những kết quả nổi bật của Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH trong thời gian qua?

Ông Trương Đức Trí: - Có thể nói rằng, trong thời gian qua với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, sự chủ động, nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan quản lý Chương trình và sự tham gia có trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Trước tiên phải kể đến việc lần đầu tiên chúng ta xây dựng và công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào năm 2009. Tiếp đó là cập nhật kịch bản năm 2012. Hệ thống kịch bản này là cơ sở quan trọng, định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Kết quả đáng ghi nhận nữa là chúng ta tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu về BĐKH và xây dựng hệ thống chính sách. Trong 6 năm qua, các Bộ, ngành, địa phương đã đánh giá được các tác động của biến đổi khí hậu đến từng lĩnh vực, từng khu vực; đề xuất được các giải pháp ứng phó phù hợp và ban hành được Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho từng Bộ, ngành và từng địa phương.

Chính nhờ các nghiên cứu trên cũng như việc tăng cường tuyên truyền phổ biến, nhận thức về những thách thức cũng như cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại cũng như năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nâng lên, đặc biệt ở cấp trung ương và các tỉnh thí điểm của Chương trình.

Một dấu ấn trong ứng phó với BĐKH chính là vai trò, vị thế của Việt Nam được tăng cường thông qua đàm phán quốc tế và khu vực, từ đó hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên rõ rệt, ước tính trong 5 năm trở lại đây Việt Nam nhận được khoảng trên 1,3 tỷ USD cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài việc xây dựng cơ chế chính sách, chúng ta còn chú trọng xây dựng các mô hình thích ứng thí điểm, như mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường đường giao thông nông thôn; mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp các giải pháp sinh kế cho người dân, đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và được sự đồng thuận, đánh giá cao của người dân dân và chính quyền địa phương.

* Thưa ông, BĐKH được dự báo sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến các vùng ven biển nước ta. Xin ông cho biết để ứng phó một cách hiệu quả với BĐKH, vai trò của cộng đồng và chính quyền các địa phương, nhất là các vùng ven biển có ý nghĩa như thế nào?

Ông Trương Đức Trí: - Việt Nam ta với bờ biển dài, mật độ dân cư vùng ven biển khá cao, do đó các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là thiên tai gia tăng, nước biển dâng, triều cường, xâm nhập mặn tác động rất lớn đến cộng đồng người dân ven biển.

Trong thời gian qua, có nhiều mô hình thích ứng dựa vào cộng đồng được xây dựng và triển khai ở một số địa phương ven biển, ví dụ như mô hình trồng, phục hồi rừng ngập mặn kết hợp tạo sinh kế bền vững cho người dân, mô hình nuôi tôm quảng canh, mô hình canh tác tiết kiệm nước,…

Do vậy để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan Trung ương, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và nhân dân địa phương, từ việc nhận thức đầy đủ các tác động của biến đổi khí hậu, nhận thức rõ trách nhiệm của địa phương từ việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển gắn với yếu tố biến đổi khí hậu đến việc xác định các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả cũng như việc huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, của doanh nghiệp, của người dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu không có sự vào cuộc của cộng đồng, các giải pháp thích ứng sẽ thiếu tính khả thi và thiếu tính bền vững.

 * Cũng như nhiều quốc gia đang chịu tác động nặng nề của BĐKH, hiện nay, Việt Nam đang gặp không ít khó khăn về tài chính và kỹ thuật, xin ông cho biết những giải pháp sắp tới của Việt Nam như thế nào?

Ông Trương Đức Trí: - Trong thời gian qua, cũng với sự chủ động, nỗ lực đầu tư nguồn lực từ TW cho các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, công đồng quốc tế cũng đã có những hỗ trợ đáng kể giúp Việt Nam tăng cường năng lực ứng phó như hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên nhu cầu ứng phó với BĐKH ở nước ta là rất lớn. Theo tôi, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường năng lực cũng như huy động nguồn lực từ nhiều phía.

Đầu tiên phải đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách cũng như nghiên cứu KHCN về BĐKH. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại trong thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đối với việc huy động nguồn lực, cần xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH.

Để chủ động trong ứng phó với BĐKH, cần tăng đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để ưu tiên triển khai các dự án, công trình trọng điểm về BĐKH có tính cấp bách, cấp thiết, mang tính liên vùng, liên ngành.

Bên cạnh đó, tranh thủ vận động các nước, các tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hợp tác song phương và các quỹ đa phương như quỹ thích ứng, quỹ khí hậu xanh, quỹ môi trường toàn cầu… 

 * 2015 là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Vậy thưa ông, những giải pháp trọng tâm là gì để chúng ta hoàn thành các mục tiêu đề ra?

Ông Trương Đức Trí: - Mục tiêu đặt ra của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Để hoàn thành cơ bản mục tiêu nêu trên, đồng thời từng bước hoàn thiện các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tạo tiền đề quan trọng trong việc triển khai đồng bộ kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020, các nhiệm vụ năm 2015 khá nặng nề, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải làm việc một cách có trách nhiệm, hiệu quả. Có thể kể đến một số nhiệm vụ chính cần triển khai. Đó là: cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, chi tiết đến từng địa phương, dự kiến công bố vào quý IV/2015 làm cơ sở định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.

Năm 2015 cũng là năm cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành, địa phương; xác định một số nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện. Cần tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu.

Đối với các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH, cần hoàn thiện và tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và xem xét khả năng nhân rộng trong giai đoạn 2016-2020 đối với các địa phương có điều kiện tương tự.

Cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và hành vi của cộng đồng về các thách thức cũng như cơ hội của biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đặc biệt, để nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH cho vùng đồng bằng sông Cửu Long – vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH, cần phối hợp với các Bộ, ngành, nhà tài trợ và các địa phương liên quan xây dựng Chương trình trọng điểm quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 một cách đồng bộ, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng, dài hạn và có tính bền vững cao để trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt.

Khánh thành nhà đa năng phục vụ cộng đồng tránh bão lũ kết hợp với trạm y tế xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, Quảng Nam

Các tin khác