Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Bộ TN&MT thông báo kết quả COP 20
Ngày đăng: 17/12/2014
Sáng 17/12 tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức họp báo thông báo kết quả của đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP20).

 Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Phó trưởng Đoàn đàm phán của Việt Nam cho biết: Hội nghị COP 20 diễn ra trong hơn hai tuần (1-14/12) tại Lima, Peru đã đã được một số kết quả nhất định. Đoàn Việt Nam tham gia mạnh mẽ, chủ động, tích cực tham gia đàm phán và các hoạt động bên lề nhằm chung tay cùng cộng đồng thế giới chống biến đổi khí hậu.

Theo ông Tấn, điểm nhấn nổi bật nhất của đoàn Việt Nam tham dự COP 20 là đệ trình Báo cáo cập nhật 2 năm một lần (BUR1), lần thứ nhất cho Ban thư ký Công ước khí hậu. Đến thời điểm này, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đang phát triển đầu tiên đệ trình BUR1. Việc sớm đệ trình BUR1 là minh chứng cụ thể, thiết thực về thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Cung cấp thêm thông tin về Báo cáo BUR1, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Báo cáo cập nhật số liệu mới nhất về tình hình kiểm kê khí nhà kính của Việt Nam, cung cấp các mức phát thải, nguồn phát thải, bể hấp thụ chính; đồng thời đề xuất một số giải pháp giảm phát thải và nhu cầu tài chính, công nghệ để thực hiện giảm phát thải. Hiện nguồn phát thải lớn nhất của Việt Nam là năng lượng (50%), nông nghiệp (33,2%).

“Khác với các thông báo quốc gia về tình hình phát thải khí nhà kính thực hiện trước đây là do Việt Nam tự thực hiện đánh giá, BUR1 sẽ được đánh giá bởi tư vấn quốc tế. Trong thời gian tới, Ban thư ký Công ước khí hậu sẽ làm việc với Việt Nam để thẩm định quốc tế đối với Báo cáo này”, ông Hiếu nói.

Toàn cảnh họp báo

Tại COP 20, Việt Nam còn tổ chức, tham gia các sự kiện bên lề, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn về ứng phó với biến đổi khí hậu của mình với cộng đồng quốc tế. Đáng chú ý là kinh nghiệm xây dựng Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (iNDC), xây dựng thực hiện hoạt động giảm nhẹ phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA); kinh nghiệm sử dụng hiệu quả năng lượng, thực hiện tăng trưởng xanh.

Các hoạt động song phương cũng khá nhộn nhịp nhằm trao đổi các quan điểm đàm phán, khai thông bế tắc đồng thời đẩy mạnh các hoạt động huy động nguồn lực. Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có các cuộc tiếp xúc với các quốc gia ASEAN, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới…

Tại cuộc họp báo, ông Phạm Văn Tấn cũng thông báo một số kết quả của COP 20. Thành công lớn nhất tại Peru lần này là các quốc gia đã thống nhất được một số điểm cơ bản cho dự thảo Thỏa ước 2015 (dự kiến được thông qua vào năm 2015 tại Paris), nằm trong bản Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu. Đó là thống nhất nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt. Nghĩa là chống biến đổi khí hậu là trách nhiệm của tất cả các quốc gia song có sự phân biệt giữa quốc gia phát thải lớn (gây ra biến đổi khí hậu) và quốc gia ít phát thải (chịu sự tác động của biến đổi khí hậu). 5 trụ cột của Thỏa ước dự kiến gồm: Thích ứng; Giảm nhẹ; Tăng cường năng lực; Tài chính và Minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ…

Dù các kết quả này còn khiêm tốn và sẽ còn rất nhiều căng thẳng để đi đến việc thống nhất giảm phát thải ở mức chấp nhận được, song việc Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu ra đời nó cho thấy các nước vẫn có được nhận thức chung về sự cần thiết phải cùng bảo vệ khí hậu trái đất.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tình hình đàm phán đi đến Thỏa ước 2015 còn nhiều khó khăn có ảnh hưởng gì đến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Nếu các quốc gia không đạt được thỏa thuận cắt giảm khí nhà kính sẽ khiến cho nhiệt độ thế giới tăng quá 2 độ C vào năm 2100, biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ diễn biến tồi tệ hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam – một quốc gia ven biển. Thêm nữa, các thỏa thuận về hỗ trợ tài chính, công nghệ không đạt được như mong muốn thì Việt Nam cũng sẽ khó tiếp cận nguồn lực này.

“Để sống còn, Việt Nam phải tập trung vào các hoạt động thích ứng. Còn việc giảm phát thải, cần huy động nguồn lực quốc tế”, ông Thắng nhấn mạnh.

 

Nhật Tân - ảnh: Hoàng Minh

Nguồn : monre

Các tin khác