Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
Ngày đăng: 04/08/2014
Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long”. Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn giám sát và đồng chí Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Đoàn giám sát chủ trì Hội thảo.

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng cho biết: Thực hiện chương trình hoạt động giám sát năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; việc tổ chức thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn từ năm 2007 đến nay tại 13    tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long. Từ việc đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu để đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp.    

Nhận xét việc ban hành chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, Đoàn giám sát đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu hiện vẫn chưa cụ thể, cơ chế vẫn chưa tạo điều kiện để phát huy các nguồn lực và phù hợp với điều kiện của đất nước. Hệ thống chính sách, pháp luật mới chỉ chú trọng vào phòng, chống thiên tai mà chưa coi trọng tới thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Hiện chưa có một chính sách tổng thể, toàn diện về ứng phó với biến đổi khí hậu mà chỉ được lồng ghép trong các văn bản liên quan, không thể hiện rõ được mối quan hệ giữa thích ứng và giảm thiểu trong ứng phó với biến đổi khí hậu…

Đoàn giám sát cho rằng, là khu vực chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ việc nước biển dâng và xâm nhập mặn, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động, tích cực trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch của   Trung ương. Tuy nhiên do nhu cầu kinh phí để thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn nên các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cũng như các dự án ưu tiên. Nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu còn không ít hạn chế, do đó chưa có biện pháp hiệu quả để hạn chế những tác động tiêu cực thông qua quá trình sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh các tác động của biến đổi khí hậu đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tác động do phát triển kinh tế - xã hội, khai thác và sử dụng tài nguyên cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia trên dòng chính sông Mê Kông cũng gây tác động không nhỏ đến tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn. Điều này còn chưa được tính đến hoặc ít được tính đến trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách để triển khai thực hiện ở các địa phương…   

Đánh giá về việc ban hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đức Ngữ - Giám đốc Trung tâm Khoa học, Công nghệ Khí tượng, Thủy văn và Môi trường nhận xét: Kết quả thực hiện đường lối, chính sách của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu là về số lượng, khối lượng nhiệm vụ được giao, chưa chú trọng đánh giá về chất lượng và hiệu quả của việc thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đã triển khai. Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đức Ngữ, việc giám sát cần thực hiện trực tiếp với các tổ chức đoàn thể, các hội quần chúng, người sản xuất và cộng đồng dân cư địa phương - những đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện, chịu tác động và hưởng lợi từ các chương trình, dự án….    

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng nên hiểu khái niệm “ứng phó với biến đổi khí hậu” với nội hàm rộng, bao gồm cả những biện pháp phòng, chống và làm giảm sự biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như thích ứng với những gì do biến đổi khí hậu gây ra. Ông cho rằng khái niệm này được dùng trong Báo cáo kết quả giám sát mới chỉ gồm các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu là quá hẹp, không thể hiện đầy đủ và giảm nhẹ tác động và trách nhiệm của con người - nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu…    

Qua thực hiện giám sát, Đoàn giám sát đề nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục kiện toàn tổ chức và bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn về ứng phó biến đổi khí hậu ở cơ sở; rà soát tổng thể, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản về ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi các dự án đầu tư trọng điểm về ứng phó biến đổi khí hậu; khuyến khích, hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả năng lượng giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực… Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ để các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chủ động xây dựng phương án ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai hiệu quả kế hoạch châu thổ sông Cửu Long nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tập trung huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là xã hội hóa nguồn lực để tăng cường việc trồng rừng ngập mặn, bảo vệ bờ biển dưới tác động của biến đổi khí hậu…   

Quỳnh Hoa

Nguồn : monre

Các tin khác