Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Nghệ thuật sống chung với bão lũ
Ngày đăng: 14/04/2014

Việt Nam đang sở hữu 12 di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận cùng hàng vạn di tích trải dài khắp mọi vùng miền trên đất nước. Song những di tích này đang đối mặt với nhiều thách thức do thiên tai, biến đổi khí hậu.

 Được xem là “tâm bão, rốn mưa”, dải đất miền Trung – nơi có 3 di sản thế giới (phố cổ Hội An, cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn) - thường hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ, giờ đây với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai càng nặng nề hơn. Hàng năm di sản văn hóa thế giới phải vật lộn với lũ lụt. Sau mỗi trận lũ, di sản Hội An phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Từng có ý kiến bảo vệ đô thị cổ khỏi nước lũ với giải pháp đắp một con đê thấp bao quanh đô thị cổ Hội An. Tuy nhiên giải pháp này có những cản trở không chỉ riêng về vấn đề kinh phí xây dựng mà còn ảnh hưởng đến vẻ đẹp thơ mộng, quyến rũ của thành phố di sản. Bởi vậy cơ quan chức năng của thành phố và chủ nhân của những di tích đã giải quyết vấn đề theo tính logic, đó là gắn bó giữa con người và thiên nhiên, thuận theo tự nhiên và chấp nhận chung sống với lụt lội thay vì đắp đê ngăn không cho nước tràn vào.

Kinh thành Huế ngập lụt không còn là chuyện lạ. Mưa lớn, ngập lụt gây nguy cơ biến dạng những di sản trong thành nội, gây nguy hại đến cấu trúc thành lũy và làm tăng nguy cơ sụp đổ các công trình kiến trúc, hạ tầng và dân sinh. Hiện không ít bức tường cổ kính của Kinh thành Huế bị lốc xô nghiêng, chân thành sụt lún. Nhà rường Huế mong manh trước bão lũ, các lăng ven sông Hương ngập bùn đất mỗi khi mưa lớn, bão mạnh đi qua.

Sống chung với bão lũ là phương thức sống của nhiều vùng đất Việt từ xưa tới nay, trong thời biến đổi khí hậu lối sống này càng cần được nghiên cứu và áp dụng một cách linh hoạt.

        Người dân Hội An đã chung sống với ngập lụt từ nhiều thế kỷ

 

Hội An là một ví dụ. Từ thế kỷ 17, lịch sử đã ghi lại những trận lụt ở phố cổ này. Vì thế mà từ thời xa xưa, chủ nhân của những ngôi nhà ở Hội An khi xây dựng nhà cửa đã tính đến chuyện phải chống lụt, chống bão. Các nghiên cứu cũng cho thấy, để bảo vệ ngôi nhà khỏi mưa, bão, mái ngói ở những ngôi nhà trong phố cổ có vai trò quan trọng nhất. Ngói ở Hội An là loại ngói làm từ đất, mỏng, nung thô, có chu vi hình vuông, hơi cong. Đầu tiên, người ta xếp một hàng ngói ngửa lên sau đó là một hàng ngói úp xuống theo kiểu "âm dương”. Khi lợp xong mái, các viên ngói được cố định bằng vữa xi măng tạo thành những dải ngói nhô lên dọc xuôi theo mái. Hai bên cạnh của hàng ngói được đắp vữa để cố định chúng với nhau thật chắc chắn. Nhiều trận bão lớn đổ bộ vào Hội An, ở ngoại vi khu phố cổ, trong khi những ngôi nhà mới xây bị bay ngói, tốc mái tôn thì những ngôi nhà hàng mấy trăm tuổi trong phố với mái ngói âm dương chưa bị xuống cấp gần như an toàn tuyệt đối.

Lợp ngói nhà cổ Hội An cũng được coi là một  nghệ thuật, bởi theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An, mái ngói còn thì di tích còn…Ông cũng cho hay, nhờ sự chủ động ứng phó, thiệt hại do BĐKH gây ra đối với Di sản thế giới Hội An trong những năm gần đây giảm đáng kể. Trong mấy cơn bão vừa qua, dù thành phố Hội An bị ngập nước nhưng không có di tích nào bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ở Huế, để bảo vệ di tích, những năm vừa qua, thành phố đã và đang tập trung vào những giải pháp mang tính chất kỹ thuật. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã quyết định đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng lắp đặt hệ thống chống sét tại lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị, Cung Diên Thọ (Đại Nội Huế) và Cơ Mật Viện (Tam Tòa, Kinh thành Huế)...

Tâm thế sống chung với bão, lụt, thiên tai đã truyền từ đời cha ông tại các vùng đất di sản. Giờ đây, điều đó lại càng có ý nghĩa hơn, bởi như thế, chúng ta mới chủ động gìn giữ được di sản dù khí hậu có biến đổi ra sao.

Bảo Minh

 

 

 

Các tin khác