Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Lũ quét vùng Tây Nguyên: Không thể xem nhẹ!
Ngày đăng: 01/11/2013
Tại tọa đàm về Chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới đây, GS.TS. Lê Huy Bá, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh đề nghị, cần sớm lập bản đồ khu vực có nguy cơ lũ quét vùng Tây Nguyên nhằm góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản cho người dân.

Do điều kiện địa lý, địa hình khu vực Tây Nguyên nằm trong khu vực dễ hình thành lũ quét. Với mức độ ác liệt không kém so với các tỉnh miền núi Bắc Bộ, hầu hết các tỉnh thuộc khu vực này đều đã xảy ra các trận lũ quét, gây thiệt hại về người và tài sản. Theo thống kê của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã xảy ra hơn 120 trận lũ quét lớn tập trung chủ yếu ở các vùng miền núi phía Đông dãy Trường Sơn.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, biến đổi khí hậu cũng có tác động đến việc gia tăng thời tiết cực đoan, trong đó có lũ quét. Những năm gần đây, lượng mưa ở Tây Nguyên đã thay đổi nhiều theo hướng nơi mưa nhiều thì càng nhiều hơn và ngược lại, nhất là hiện tượng mưa tập trung với cường độ mạnh và lượng lớn có tần suất xuất hiện nhiều hơn. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất xuất hiện ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tây Nguyên là một trong những vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, chủ yếu là lượng mưa, phân bố mưa và cường độ mưa ngày càng biến động khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho đồng bào các dân tộc. Chỉ riêng tại Đắk Lắk, mới đây do ảnh hưởng của cơn bão số 8 kết hợp với gió mùa Tây Nam cường độ mạnh đã xảy ra lũ quét, làm chết 7 người tại các huyện Ea Súp, Cư M’gar...  

Lũ quét dự báo sẽ gia tăng ở Tây nguyên

Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên lại có địa hình chủ yếu là đồi, núi, cao nguyên; riêng địa hình có độ dốc từ 10 độ trở lên chiếm gần một phần hai diện tích của khu vực. Những vùng đất dốc này, trước đây được che chở khá tốt của cây rừng nhưng những năm gần đây rừng bị chặt phá nghiêm trọng nên độ che phủ không những giảm sút mà chất lượng rừng cũng suy giảm.

Các nhà khoa học đã đề xuất, các tỉnh Tây Nguyên trước mắt cần nhanh chóng đầu tư xây dựng bổ sung mạng lưới trạm quan trắc đo đạc, nhất là các trạm đo mưa tại các vùng đã từng có mưa lớn sinh ra lũ quét, sạt lở đất. Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc, nghiên cứu các hình thể gây mưa có lượng và cường độ lớn, xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, lũ ống cho toàn vùng. Các ngành chức năng nhanh chóng khảo sát, cập nhật hàng năm hiện trạng lũ quét, sạt lở đất và xác định vùng có nguy cơ lũ quét , sạt lở đất cao, xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ lũ quét… để không những hạn chế thiệt hại về con người và tài sản của đồng bào các dân tộc mà còn phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho vùng Tây Nguyên. Các nhà khoa học cũng đề xuất, kiến nghị các tỉnh Tây Nguyên cần bảo vệ, phục hồi diện tích rừng hiện có; đồng thời, tăng cường đầu tư trồng mới thêm rừng để nâng độ che phủ rừng, quy hoạch, bố trí lại các khu dân cư, sản xuất, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi…hợp lý, khoa học, hiệu quả trong việc phòng chống thiên tai.

Hiện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đang thực hiện dự án “Điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, và xây dựng hệ thống thí điểm phục vụ cảnh báo cho các địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ quét phục vụ công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu”. Dự án thuộc Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2011 – 2015.

Dự án sẽ xây dựng được bản đồ phân vùng hiện trạng và nguy cơ lũ quét tỷ lệ 1:50.000 cho 23 lưu vực sông chính bao gồm 19 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Miền Trung và Tây Nguyên và bản đồ nguy cơ ngập do lũ quét nghẽn dòng, tỷ lệ 1:5000 cho các khu vực đông dân cư, trung tâm kinh tế-xã hội; đề xuất được các giải pháp công trình, phi công trình phục vụ việc phòng, tránh lũ quét cho các khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, xây dựng được hệ thống thí điểm cảnh báo lũ quét cho 03 lưu vực sông tiêu biểu ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

 

Bảo Minh

Các tin khác