Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Cần truyền thông đúng, đủ về biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 24/09/2013
Ông Vũ Trung Kiên, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu cho rằng, giới truyền thông đã chú ý quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu song so với tầm mức của vấn đề thì chưa xứng đáng. Hiện nay thông tin về biến đổi khí hậu trên báo chí Việt Nam vừa thiếu, vừa phân tán, đôi khi không chính xác.

Ông cho rằng, báo chí phần lớn đưa tin về các biểu hiện cực đoan của BĐKH, thông tin mô tả hiện tượng và mang tính kỹ thuật nhiều, hiếm các bài phân tích đa chiều về ảnh hưởng của BĐKH tới cuộc sống, hay những đánh giá sâu về các tác động sơ cấp và thứ cấp của BĐKH và cách thức chúng ta ứng phó.

Có một xu hướng hiện nay đã được cảnh báo là dường như báo chí của chúng ta đang “trăm dâu đổ đầu biến đổi khí hậu” khi mà cứ có thiên tai thảm họa tự nhiên thì người ta lập tức kết tội biến đổi khí hậu.

Cần nhìn nhận vấn đề BĐKH một cách cân bằng, có cả mặt tích cực và tiêu cực. Thiên tai liên quan đến khí hậu cần được đánh giá trên cơ sở so sánh với các sự kiện trong quá khứ trước khi kết luận về tần suất, cường độ, quy mô… Nhưng cũng cần nhắc nhở nhau rằng việc thụ động, chủ quan không chuẩn bị sẽ gây những hậu quả không lường trước được. Tốt nhất là chủ động tìm ra cách thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Nguyên nhân của hiện tượng “trăm dâu đổ đầu biến đổi khí hậu” là vì nhận thức của giới truyền thông chưa chuẩn xác, không nắm bắt được vấn đề, nhưng lại phải nói về vấn đề theo “mốt” hoặc theo yêu cầu công việc. Để làm chuẩn thì tự mình học hỏi là bước đầu tiên, sau đó việc cùng chia sẻ, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và phương pháp truyền thông.

“Vì BĐKH là một vấn đề mới, khá đặc thù nên theo tôi, truyền thông khí hậu sẽ phải khác một chút so với truyền thông về các vấn đề khoa học, vì đây là vấn đề có nhiều tác động tới cuộc sống. Nó cần mang hơi hướng của truyền thông xã hội, tuy vẫn giữ tính khách quan của báo chí nhưng phải có chủ đích vận động một sự thay đổi nào đó. Sự thay đổi này có thể là một hành vi sống xanh, có thể là sản xuất sạch hơn, có thể là quản lý tài nguyên bền vững, có thể là chính sách cho tăng trưởng xanh…”, ông Kiên nói

Hơn nữa, truyền thông khí hậu phải có phương pháp, nếu không sẽ như người mù chỉ đường cho người khác. Cựu phó tổng thống Hoa Kỳ, ông Al Gore, là một trong những chính trị gia tiên phong về vấn đề này trên thế giới, và phương pháp của ông đáng để chúng ta nghiên cứu học tập.

Nói ngắn gọn về phương pháp này, thì người làm truyền thông khí hậu cần phải chuyển từ vị trí khách quan bị động sang vị thế chủ động, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn vận động hành vi và chính sách. Trong quá trình làm truyền thông khí hậu, cần tiếp cận theo cách thức ngắn gọn, đơn giản mà dễ nhớ, thông qua những câu chuyện có thực, thay đổi nhận thức và hành vi qua con đường cảm xúc, thay thế những “phần mềm” định kiến trong não công chúng bằng những “phần mềm” mới.

Bảo Minh

Các tin khác