Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Bến Tre: Biến đổi khí hậu không xa vời
Ngày đăng: 19/09/2013
Dự báo nếu đến năm 2020, mực nước biển dâng 12cm thì tỉnh Bến Tre sẽ bị ngập hơn 272km2 chiếm 12,24% tổng diện tích làm ảnh hưởng đến gần 98.000 người. Nước biển dâng cũng sẽ làm toàn bộ diện tích lúa nước sẽ bị mất mùa. Các công trình dân sinh, đê điều, giao thông sẽ bị tác động mạnh bởi triều cường.

Diễn biến của biến đổi khí hậu đã và đang tác động nhanh hơn kịch bản dự báo đến năm 2050. Đẩy nhanh các dự án, điều chỉnh các quy hoạch, xây dựng các mô hình ứng phó là việc cần làm của tỉnh “xứ dừa” này.

Theo dự  báo, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tỉnh Bến Tre với địa thế sát biển, sông rạch chằng chịt, địa hình thấp, Bến Tre sẽ là một trong địa bàn chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Diễn biến của biến đổi khí hậu đã và đang tác động nhanh hơn kịch bản dự báo đến năm 2050, bởi ngay trong mùa khô năm 2013 này, ranh mặn 4/00 đã xâm nhập khoảng 50km trên sông Hàm Luông; 45km trên sông Cửa Đại và 52km trên sông Cổ Chiên; độ mặn 1/00 đã xâm nhập gần như toàn tỉnh, song song với tình hình xâm nhập mặn thì tình trạng xói lở đất biển cũng diễn ra nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới 63.000 hộ dân với 259.000 nhân khẩu thiếu nước ngọt sinh hoạt, hàng trăm diện tích lúa bị mất trắng, năng suất rau màu, cây trái, thủy sản giảm.

Trước tình trạng đó, tỉnh Bến Tre đã tập trung đầu tư mạnh cho hệ thống thủy lợi, và đê biển, đê bao cục bộ. Hiện toàn tỉnh có 50 kênh trục với chiều dài 227 km, 78 công trình thủy lợi như Châu Bình-Vàm Hồ, Cầu sập, Cống -Đập Ba Lai...đã hoàn thành; 396 km đê biển, đê bao cục bộ đã phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho bà con. Tuy nhiên các đại biểu cho rằng, hệ thống thủy lợi Bến Tre chưa được đầu tư đồng bộ, còn chắp vá, hệ thống cống, đập lớn chưa được đầu tư nên một số huyện như Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, vùng nam Mỏ Cày vẫn bị nhiễm mặn nặng nề.

Đặc biệt, Bến Tre đã cơ bản hoàn thành các công trình đê biển Ba Tri và Cống-Đập Ba Lai nhằm ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Việc hoàn thành Cống-Đập Ba Lai ngăn cửa sông Ba Lai, biến thành hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của 5 huyện và thành phố khu vực Bắc Bến Tre có ý nghĩa rất lớn. Với dự án đê biển Ba Tri nói riêng và đê biển, đê bao cục bộ khác  kết hợp với hệ thống thủy lợi sẽ giúp ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, rửa phèn cải tạo đất phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

          Thực tế hiện nay diễn biến nhanh hơn rất nhiều so với dự báo, điều đó đòi hỏi phải có giải pháp đối phó kịp thời. Đầu tư cần phải rà soát quy hoạch, có sự lựa chọn công trình trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, khắc phục nhưng tồn tại trong thủ tục để thu hút nhiều nguồn lực cùng đầu tư vào các công trình dự án.

Các tin khác