Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Đối thoại chính sách thanh niên với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 09/12/2023
Nằm trong chuỗi sự kiện bên lề Hội nghị COP28 diễn ra tại Dubai (UAE), ngày 8/12, Cục Biến đổi khí hậu ( Bộ Tài nguyên Môi trường) phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) và Mạng lưới Hành động khí hậu thanh niên (Ynet) tổ chức sự kiện bên lề "Đối thoại Chính sách thanh niên - Trao quyền cho thanh niên để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng và giáo dục về biến đổi Khí hậu ở Việt Nam".

Tham dự và phát biểu tại sự kiện có ông Francesco Corvaro, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu, trưởng đoàn đàm phán của Italia; ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Sangji Lee, Chuyên gia kỹ thuật về NDC, kinh tế xanh và chuyển dịch công bằng, UNDP Newyork; bà Antonia Saraiva-Calderia, Phó Vụ trưởng Vụ Khí hậu quốc tế và Phân tích năng lượng, Bộ An ninh năng lượng và Phát thải ròng bằng 0, Vương quốc Anh.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Thanh niên Việt Nam chiếm 23% dân số cả nước và được coi là lực lượng đổi mới và hành động. Thanh niên Việt Nam không chỉ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, mà còn có cơ hội đưa ra những quyết định nhằm định hình một tương lai bền vững và kiên cường hơn.

Việc thu hút giới trẻ tham gia đàm phán và hành động về biến đổi khí hậu sẽ tạo điều kiện để thanh niên Việt Nam có cơ hội giao lưu với thanh niên quốc tế và các chính phủ, tổ chức nghiên cứu về hành động và kinh doanh vì khí hậu. Cục Biến đổi Khí hậu sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển về thúc đẩy thanh niên tham gia xây dựng cũng như thực hiện chính sách ứng phó BĐKH. Về chuyển đổi năng lượng công bằng, Cục sẽ tham vấn hàng năm với tất cả các các bên liên quan và mong rằng đại diện thanh niên có thể chuẩn bị và tham gia các cuộc thảo luận này.

Ông Francesco Corvaro, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu, trưởng đoàn đàm phán của Italia đánh giá cao các dự án ứng phó BĐKH của thanh niên

Việc xây dựng các cơ chế thuận lợi sẽ giúp đẩy nhanh các hành động do thanh niên lãnh đạo và thu hút thanh niên tham gia một cách có ý nghĩa, tạo không gian và cơ hội cho thanh niên tham gia vào quá trình lập kế hoạch và hoạch định chính sách.

Thực tế, Thanh niên Việt Nam đã ngày càng tích cực hơn trong tham gia xây dựng chính sách và hành động về khí hậu. Các khuyến nghị cụ thể đã được nêu trong Báo cáo đặc biệt về hành động vì khí hậu 2021, trình Chủ tịch Hội nghị COP26 và Báo cáo đặc biệt Thanh niên Hành động vì khí hậu 2022 do hai đại diện thanh niên Việt Nam trình bày tại COP27.

Ông Francesco Corvaro, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu, trưởng đoàn đàm phán của Italia đánh giá cao kết quả các dự án thanh niên. Italia nhận được hàng nghìn dự án từ các quốc gia đang phát triển, trong đó, thanh niên có những dự án khá ấn tượng. Họ cần cơ hội để thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH và môi trường. Ông bày tỏ niềm tin vào khả năng của thế hệ trẻ Việt Nam và cần thảo luận để xây dựng các dự án cụ thể trong thời gian tới.

Đại diện UNDP, bà Sangji Lee cho rằng, thanh niên cần được lắng nghe quan điểm và tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam nên tập trung vào việc triển khai Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP và trong giáo dục, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Sangji Lee, Chuyên gia kỹ thuật về NDC, kinh tế xanh và chuyển dịch công bằng, UNDP Newyork chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ thanh niên

Sáng kiến Youth4Climate do UNDP tài trợ theo Chương trình lời hứa khí hậu, hỗ trợ hơn 120 quốc gia trong việc tăng cường Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và nâng cao mục tiêu ứng phó khí hậu. Tại Việt Nam, UNDP khởi xướng sáng kiến Youth4Climate từ năm 2020 với sự phối hợp của Cục BĐKH và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường năng lực của các đại diện thanh niên hiện có và mạng lưới thanh niên và đẩy mạnh các hành động về khí hậu của họ trên các tuyến đầu, đóng góp thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu.

Nhằm cung cấp không gian cho thanh niên tìm hiểu về chính sách và khoa học khí hậu, Trung tâm Học tập Youth4Climate đầu tiên đã được thành lập, cùng với Mạng lưới Thanh niên vì khí hậu (YNet) độc lập. Các nhà lãnh đạo trẻ về khí hậu cũng đề xuất Lộ trình hành động về khí hậu trong giai đoạn 2021-2025 với các lĩnh vực chiến lược quan trọng.

Sự phát triển của Lộ trình Youth4Climate 2021-2025 thể hiện rõ nguyện vọng giới trẻ Việt Nam trong việc đóng góp cho các mục tiêu khí hậu quốc gia. Trong năm 2023, Nhóm công tác thanh niên về chính sách về khí hậu của Youth4Climate (YPWG) được thành lập với sự hỗ trợ của UNDP để nâng cao tiếng nói của giới trẻ, cải thiện sự tham gia của thanh niên trong hai lĩnh vực ưu tiên: Chuyển dịch năng lượng công bằng và giáo dục về biến đổi khí hậu.

Tại buổi đối thoại, Đào Mạnh Trí, trưởng nhóm nghiên cứu chuyển dịch lượng công bằng (YPWG) đã trình bày bản tóm tắt chính sách “Thanh niên trong chuyển dịch năng lượng”. Báo cáo đã đề xuất các khuyến nghị thực tế nhằm thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của các thanh niên trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện.

Nguyễn Sơn Trà, thành viên nhóm nghiên cứu giáo dục về biến đổi khí hậu (YPWG) trình bày báo cáo Thanh niên trong giáo dục về biến đổi khí hậu”. Nhóm nghiên cứu chỉ ra, với 1/4 dân số dưới 30 tuổi, Việt Nam cần phải đầu tư đáng kể vào việc đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai. Báo cáo đưa ra nhu cầu và quan điểm của học sinh và giáo viên về việc lồng ghép giáo dục về BĐKH vào chương trình giảng dạy ở trường trung học. Trong đó nêu bật các khuyến nghị giúp nâng cao hiệu quả và quy mô hành động này trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự sự kiện

Đại diện YPWG, hai bạn trẻ Đào Mạnh Trí và Nguyễn Ngọc Tâm Như đã trình bày kế hoạch năm 2024 của nhóm, tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, tổ chức nhiều chương trình nâng cao nhận thức, hội thảo về thanh niên và hành động khí hậu, xây dựng 2 báo cáo về đối thoại chính sách gửi tới Hội nghị COP29.

Ông Phạm Văn Tấn và bà Sangji Lee khẳng định, Cục Biến đổi khí hậu cùng UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Nhóm thanh niên thực hiện các hoạt động triển khai Kế hoạch hành động Thanh niên 2024.

Các tiến bộ của thanh niên toàn cầu tại COP28

Tại COP28, Nhóm các Thanh niên đi tiên phong về khí hậu (YOUNGO) đã trình bày Tuyên bố Thanh niên Toàn cầu (GYS) tới các nhà lãnh đạo thế giới và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong hội nghị bàn tròn về giới trẻ. GYS là kết quả của 700.000 ý kiến đóng góp từ các hội nghị thanh niên địa phương, trong đó có Việt Nam, và từ hơn 50 cuộc thi về chính sách.

Bên cạnh đó, Diễn đàn Khí hậu Thanh niên diễn ra hàng ngày, đóng vai trò là đối thoại cấp cao giữa các nhà đàm phán và các đại biểu thanh niên. Diễn đàn nhằm thảo luận về các cuộc đàm phán COP28 và trình bày các yêu cầu của thanh niên với những người ra quyết định tại COP28.

Ngày 8/12, YOUNGO cũng tổ chức Phiên họp toàn thể của thanh niên (Youth Stocktake) để đánh giá các Quy trình của UNFCCC. Đây cũng là một sáng kiến do thanh niên đưa ra để đánh giá các cột mốc quan trọng, xác định các khoảng trống và giải quyết các thách thức liên quan đến việc đưa thanh niên vào các quy trình chính sách khí hậu quốc tế.

Chu Thanh Hương (đưa tin từ Hội nghị COP28, UAE) 

Các tin khác