Tin tức / Tin hoạt động
COP28: Hội nghị toàn diện đầu tiên về tiến trình thực hiện Thoả thuận Paris
Ngày đăng: 29/11/2023
Theo kế hoạch, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến công bố bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stock Take - GST) đầu tiên để đánh giá toàn diện tiến trình thực hiện Thoả thuận Paris của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

COP 28 dự kiến diễn ra trong khoảng 2 tuần, từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023. Là nước chủ nhà đăng cai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang tập trung thúc đẩy các giải pháp thiết thực và tích để đảm bảo tiến độ thực hiện các cam kết khí hậu và cải thiện nền kinh tế, cũng như cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Hội nghị COP28 sẽ mang tính toàn diện, phản ảnh đầy đủ quan điểm của tất cả các khu vực địa lý về cách ứng phó với khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Kỳ vọng tại COP28

Hội nghị COP28 được tổ chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp: Mức tăng nhiệt đang có nguy cơ vượt mục tiêu giới hạn 1,5 độ C; nỗi lo về an ninh năng lượng dẫn tới sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng nhiên liệu phát thải cao; căng thẳng địa chính trị đe doạ đảo ngược tiến trình toàn cầu hoá hàng thập kỷ qua; khủng hoảng khí hậu và nỗi lo an ninh lương thực; cũng như việc những cộng đồng dễ tổn thương trước khủng hoảng khí hậu nhận được ít sự hỗ trợ nhất.

COP 28 dự kiến diễn ra trong khoảng 2 tuần, từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, COP28 dự kiến công bố bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stock Take - GST) đầu tiên để đánh giá toàn diện tiến trình thực hiện Thoả thuận Paris của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

GST là một công cụ quan trọng, góp phần hỗ trợ thế giới điều chỉnh nỗ lực hành động vì khí hậu, bao gồm các biện pháp cần được thực hiện để thu hẹp các khoảng trống trong các nỗ lực hiện nay.

Dự kiến, cả GST và COP28 tập trung vào 4 trụ cộ chính, bao gồm: Theo dõi nhanh quá trình chuyển dịch công bằng và có trật tự; Ổn định tài chính khí hậu; Tập trung phát triển tự nhiên, cuộc sống và sinh kế; Thúc đẩy hội nhập.

Trong bối cảnh này, COP28 được kỳ vọng là Hội nghị COP toàn diện nhất, tạo điều kiện cho các khu vực trên thế giới cùng hợp tác, thảo luận để tìm ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho cuộc khủng hoảng khí hậu.

Với tư cách chủ nhà COP28, UAE hướng tới tạo điều kiện cho các bên tham gia tìm kiếm các giải pháp hiện thức hoá các mục tiêu và tạo ra sự thay đổi trong các nỗ lực khí hậu thông qua đối thoại mang tính xây dựng, khuyến khích chia sẻ kiến thức và ý tưởng kinh doanh tích cực.

Cách tiếp cận năng động này sẽ cho phép tất cả các bên tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu với các mục tiêu tham vọng; tận dụng sức mạnh của quá trình hợp tác để giải quyết những thách thức khí hậu đang hiện hữu.

Đồng thời, COP28 cũng là Hội nghị đầu tiên tổ chức tham vấn mở về các lĩnh vực chủ đề. UAE cũng mời các chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự, thanh niên và người dân bản địa, cùng những đối tượng khác, tham gia đóng góp đóng ý kiến tại hội nghị năm nay.

Chương trình chuyên đề kéo dài 2 tuần của COP28 hướng tới tìm kiếm các giải pháp dựa theo đánh giá của GST và duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Theo GST, để đạt được mục tiêu này, thế giới sẽ cần phải giảm 22 tỷ tấn khí thải trước năm 2030.

13 ngày đàm phán các vấn đề thúc đẩy ứng phó BĐKH

Sau phiên khai mạc diễn ra vào ngày 30/11, nước chủ nhà UAE sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì khí hậu vào hai ngày 1 và 2/12. Đây là diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris.

Hội nghị COP 28 sẽ là kỳ đánh giá toàn cầu đầu tiên đối với nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu

Bên cạnh các cuộc đàm phán kỹ thuật liên quan tới các trụ cột chính tại Hội nghị COP 28, nước chủ nhà đưa ra các hoạt động theo chủ đề nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo đồng thuận đối với các vấn đề còn vướng mắc trong đàm phán. Cụ thể:

Ngày sức khỏe, phục hồi và hòa bình (3/12): Thảo luận, các tác động của BĐKH lên con người nhằm thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ y tế, cứu trợ nhân đạo, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tái thiết và hòa bình.

Ngày thiên nhiên, sử dụng đất và đại dương (4/12): Thảo luận, trình diễn các giải pháp mang lại đồng lợi ích về khí hậu và thiên nhiên.

Ngày hệ thống thực phẩm và nước (5/12): Thảo luận về quan hệ đối tác toàn cầu để cùng đạt được phát thải ròng bằng “0”. Các lĩnh vực trọng tâm cụ thể bao gồm đầu tư đổi mới, mua sắm và lộ trình chuyển đổi của quốc gia thông qua các cơ chế tài chính và chuẩn bị dự án.

Ngày chuyển đổi năng lượng công bằng/công nghiệp/thương mại (6/12): Trình bày kết quả thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ sản xuất thép, xi măng và nhôm, thúc đẩy sản xuất hydro và giảm phát thải trong quá trình khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, các thảo luận tập trung vào vấn đề tiếp cận năng lượng toàn cầu và nhu cầu của người lao động trong ngành năng lượng; lĩnh vực làm mát không khí; vai trò của thương mại về giảm phát thải các-bon trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ngày thanh niên, giáo dục và kỹ năng (8/12: Thảo luận các biện pháp tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào quá trình đưa ra quyết định tại các Hội nghị BĐKH; quan điểm của thanh niên trong các phiên thảo luận chính sách và giới thiệu các giải pháp, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo do thanh niên làm chủ; thúc đẩy tăng cường năng lực, đào tạo và việc làm xanh phù hợp với hành động khí hậu.

Ngày tài chính/bình đẳng giới (9/12): Thảo luận biện pháp giải quyết 3 thách thức chính trong tài chính khí hậu: thiếu quy mô, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả; các giải pháp giúp khai thông nguồn tài chính khí hậu ở quy mô lớn. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ và trẻ em gái vào hành động khí hậu.

Ngày thành phố, các vùng và đô thị hóa/giao thông (10/12): Tập hợp các bên liên quan toàn cầu và địa phương để huy động các nguồn lực và giải pháp khử các-bon, đầu tư vào cơ sở hạ tầng có trách nhiệm với thiên nhiên, cung cấp nhiều phương thức vận chuyển hàng hóa thân thiện với con người và hành tinh.

Trong hai ngày 11 – 12/12, các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ diễn ra, nhằm đi tới thống nhất ý kiến của các Bên liên quan về các chủ đề quan trọng của Hội nghị. Các kết quả chính thức của Hội nghị sẽ được công bố ngay sau đó.

Hội nghị COP quan trọng thế nào?

Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được thành lập vào năm 1992, trong Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio (Brazil) do Liên hợp quốc tổ chức. Từ đó tới nay, Công ước này đã trở thành khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

COP viết tắt cho Conference of Parties - Hội nghị các bên, chỉ những hội nghị cấp cao quy tụ các quốc gia, tổ chức khu vực và các tổ chức phi nhà nước. Hội nghị COP hiện nay có sự tham gia 198 Bên chính thức, bao gồm 197 quốc gia vài Liên minh Châu Âu (EU).

Trên thực tế , bất kỳ cuộc họp nào giữa các Bên trong một hội nghị đều được gọi là COP. Tuy nhiên, thuật ngữ COP được sử dụng nhiều nhất để chỉ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc, một cuộc họp thường niên và là cơ quan ra quyết định cao nhất thế giới về các vấn đề khí hậu.

COP thường thảo luận về các vấn đề liên quan tới Thỏa thuận Paris, hiệp ước khí hậu mang tính bước ngoặt năm 2015. Trong nhiều năm qua, COP đã đạt được thêm một số thoả thuận mang tính bước ngoặt, đặc biệt là COP26 tại Glasgow (Vương quốc Anh), khi các nước tham dự đồng thuận với mục tiêu giảm mức phát thải ròng về “0” muộn nhất vào năm 2050.

Trong thời gian qua, COP đã ngày càng mở rộng và trở thành một sự kiện lớn, mang tính toàn cầu, thu hút hàng chục nghìn nhà lãnh đạo chính trị, doanh nhân, chuyên gia trong ngành, nhà hoạt động khí hậu và công chúng.

Hội nghị đồng thời là nền tảng quan trọng để cả chính phủ và các tổ chức phi chính phủ thảo luận và đề xuất ý tưởng cho các nỗ lực về khí hậu của họ, xây dựng mạng lưới và thực hiện các thỏa thuận.

Minh Hạnh - Khánh Ly

 

Các tin khác