Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Gỡ “điểm nghẽn” cho phát triển năng lượng tái tạo
Ngày đăng: 19/08/2023
Là vùng trũng về hạ tầng giao thông, nhưng với việc Bạc Liêu sớm ban hành quy hoạch điện gió của địa phương, cùng với các chính sách của Nhà nước, thì lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ. Dù vậy, báo cáo với Đoàn giám sát của UBTVQH, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng phản ánh nhiều “điểm nghẽn” trong phát triển năng lượng của địa phương.

Cần sớm gỡ vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp

Báo cáo với Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” của UBTVQH, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, thời gian qua, năng lượng tái tạo của tỉnh đã có bước phát triển mạnh, đến nay, đã có 8/10 dự án điện tái tạo đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Các dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh rất rõ cho địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc Bạc Liêu sớm ban hành quy hoạch điện gió của tỉnh. Ảnh: P. Thủy

Kết quả phát triển năng lượng tái tạo ấn tượng này của Bạc Liêu không dễ mà đạt được. Bởi, như chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, Bạc Liêu là tỉnh "4 không" (không cảng biển, không đường cao tốc, không đường sắt, không sân bay) nên việc thu hút đầu tư rất khó khăn. Định vị địa chính trị của tỉnh như vậy nên Bạc Liêu đã sớm xây dựng quy hoạch điện gió của địa phương; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... “Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo thành công do có sự quan tâm của chính quyền các cấp, Bạc Liêu đi đúng hướng, có sự quyết tâm, quyết liệt trong triển khai theo quy hoạch, kế hoạch của cấp trên”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Các chủ đầu tư của Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 và 5 cũng cho biết, hai nhà máy này đều được triển khai thi công trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại Việt Nam, tiến độ thi công gấp để kịp hưởng ưu đãi, công tác giải phóng mặt bằng vô cùng gian nan, hạ tầng kỹ thuật giao thông thủy bộ hạn chế... Nhưng, được sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và địa phương của Bạc Liêu, cùng với sự giúp đỡ của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên hai nhà máy đã hoàn thành đúng theo tiến độ đề ra, bảo đảm các quy định và được hưởng giá bán điện theo giá FIT.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết, việc các tuyến đường truyền tải điện còn thiếu đang gây khó khăn trong việc giải tỏa công suất cho các dự án điện tái tạo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc thiếu đường dây truyền tải 500kV, nếu không được khắc phục sớm thì sẽ trở thành điểm nghẽn cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo báo cáo của Nhà máy điện gió Hòa Bình 5, nhà máy này đang bị giới hạn công suất phát điện hàng ngày do điều kiện lưới truyền tải 220kV Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng. Chính phủ đã thông qua quy hoạch đoạn tuyến 220kV đấu nối từ trạm biến áp 220kV Bạc Liêu chuyển tiếp trên đường dây 220kV Cà Mau - Sóc Trăng dài 4,37km, EVN đã quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2022, nhưng đến nay dự án này chưa được triển khai thực hiện đầu tư.

Cũng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, để được hưởng giá FIT trước thời điểm 1.11.2021 với dự án nhà máy điện gió, các chủ đầu tư đã phải nỗ lực rất lớn trong điều kiện dịch Covid-19 với khoản chi phí lớn hơn dự kiến ban đầu để đẩy nhanh tiến độ thi công. Song, có thông tin EVN đang đàm phán với các dự án điện năng lượng tái tạo không kịp thời vận hành thương mại trước ngày 1.11.2021 để được hưởng giá FIT.

Các doanh nghiệp lo ngại, khi EVN huy động các dự án điện năng lượng tái tạo này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng huy động của nhà máy hoàn thành trước thời điểm 1.11.2021. Do vậy, doanh nghiệp đề nghị, cần sớm ban hành cơ chế giá mới cho điện gió, điện mặt trời, thay thế cho giá FIT hay giá chuyển tiếp đang áp dụng hiện nay, giúp nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư trong thời gian tới.

Phải có tính liên kết trong phát triển năng lượng

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của Bạc Liêu trong việc sớm có quy hoạch phát triển điện gió, qua đó giúp năng lượng tái tạo của tỉnh có bước phát triển mạnh, góp phần thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí CO2, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khảo sát thực tế tại Nhà máy điện gió Hòa Bình 5. Ảnh: P. Thủy

Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch điện VIII đều nhấn mạnh yêu cầu “phải có tính liên kết trong phát triển về năng lượng”. Bởi, nếu đầu tư xé lẻ, không có tính liên kết giữa các dự án trong một vùng, một khu vực sẽ khó mang lại hiệu quả đầu tư cao. Nhấn mạnh điều này, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển lưu ý, Bạc Liêu cần tăng cường trao đổi với các địa phương lân cận để có thể hình thành những hạ tầng dùng chung, tránh để xảy ra tình trạng “có thêm một nhà máy điện khí sẽ phải có thêm một kho dự trữ khí”, sẽ vừa khó huy động vốn đầu tư, vừa gây lãng phí khi sử dụng.

Đánh giá cao việc các Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 và 5 đều đã ứng dụng công nghệ mới, có những turbine gió với công suất lớn nhất nước ta hiện nay. Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, công nghệ điện gió của thế giới thay đổi rất nhanh, hiện đã có những tụ điện gió công suất đến 12MW. Thực tế này đòi hỏi UBND tỉnh Bạc Liêu phải xem xét kỹ lưỡng vấn đề công nghệ khi cấp phép đầu tư cho dự án mới. “Không khó để thấy, cùng một cột phát, nếu turbine gió có công suất gấp 2 - 5 lần so với hiện nay, thì dự án đó sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, cả về mặt kinh tế và xã hội”, Ủy viên Thường trực Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Bạc Liêu với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH lưu ý, Bạc Liêu cần phối hợp với các cơ quan hữu quan để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án năng lượng chậm tiến độ. Trước mắt, UBND tỉnh cần ưu tiên giải quyết vướng mắc của dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2015 - 2020, qua đó, cung cấp điện ổn định cho người dân, cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân.

Lê Bình