Tin tức / Tin hoạt động
Giới thiệu Báo cáo biến đổi khí hậu ở Việt Nam - tác động và thích ứng tại COP26
Ngày đăng: 04/11/2021
Ngày 01/11/2021, trong khuôn khổ COP26, tại Khu triển lãm của AFD, Cộng hòa Pháp, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường đã tham dự, đồng chủ trì và có phát biểu khai mạc tại sự kiện giới thiệu báo cáo “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: tác động và thích ứng”. Tham dự và phát biểu tại sự kiện còn có bà Bord-Laurans Mathilde, Giám đốc khí hậu Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); bà Brunon-Meunier Corinne, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD); PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; ông Espagne Etienne, Trưởng nhóm nghiên cứu GEMMES Việt Nam, AFD.

Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, Bà Bord-Laurans Mathilde, Giám đốc khí hậu Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; ông Espagne Etienne, Trưởng nhóm nghiên cứu GEMMES Việt Nam, AFD.

Báo cáo là sản phẩm của Chương trình GEMMES Việt Nam, được tiến hành từ năm 2018 theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và AFD triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Phát triển Pháp ký kết nhân dịp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018. Báo cáo gồm 04 phần và 13 chương, cung cấp thông tin ban đầu xác định các kịch bản về kinh tế - xã hội của Việt Nam khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở các mức 1,5oC, 2oC và 3oC. Báo cáo cũng phản ánh những tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đưa ra các khuyến nghị về giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dài hạn, trong đó tập trung vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo là kết quả nghiên cứu hợp tác của hơn 60 nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam, sử dụng các phương pháp khoa học, số liệu mới nhất trong các lĩnh vực liên quan.

PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương đã trình bày một phần nội dung nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện.

Ông Espagne Etienne, AFD trình bày Báo cáo biến đổi khí hậu ở Việt Nam - tác động và thích ứng tại COP26

Tại sự kiện, Cục trưởng Tăng Thế Cường đánh giá cao sự nỗ lực của Nhóm nghiên cứu khoa học của Pháp và Việt Nam trong thời gian qua. Đây là kết quả giữa kỳ của Chương trình GEMMES với những thông tin phân tích phong phú, là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho việc xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các quy hoạch, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Trân trọng cảm ơn AFD, IRD và các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu xây dựng báo cáo, ông Cường nhấn mạnh./.

Báo cáo “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: tác động và thích ứng” gồm 04 phần chính: i) Phần 1. Biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đề cập tới biến đổi khí hậu toàn cầu và tại Việt Nam; biến đổi khí hậu và thích ứng tại Việt Nam; ii) Phần 2. Tác động kinh tế - xã hội gồm tác động của các ngành, lĩnh vực (y tế, nông nghiệp/lúa gạo, năng lượng, sự ảnh hưởng đến năng suất lao động…); iii) Phần 3. Biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, gồm những tác động của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, quản trị nguồn lực, vấn đề về tài nguyên nước, sụt lún, xâm nhập mặn và những rủi ro do tác động xuyên biên giới, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long; iv) Phần 4. Tác động kinh tế vĩ mô của biến đổi khí hậu, gồm các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu từ Trung ương đến địa phương; tài chính thích ứng và lộ trình đầu tư ở Việt Nam; tác động kinh tế vĩ mô của biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Tóm tắt các chương, phần và tóm tắt chung của báo cáo được trình bày bằng 3 ngôn ngữ. Các khuyến nghị được đề xuất trong từng chương và phần của báo cáo.

Nguyễn Thành Công từ Hội nghị COP26, Glasgow, Vương quốc Anh.

Các tin khác