Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện các Bộ tham gia dự án: Bộ KH&ĐT, NN&PTNT, GTVT, Y tế cùng đại diện Ngân hàng Thế giới, Tổ chức hợp tác phát triển Đức, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế hàn Quốc…
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Tăng Thế Cường chia sẻ về thực trạng hiện nay, biến đổi khí hậu đã diễn ra cực đoan hơn trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung tái diễn tình trạng hán hán với quy mô lớn, mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2015-2016. Tại Trung bộ và Tây Nguyên, nguồn nước ở các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt 35 – 70% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 80%. Miền Trung phải gồng mình gánh chịu thiên tai: lũ chồng lũ, bão chồng bão với những mất mát vô cùng to lớn.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng đến Việt Nam, việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (NAP) là nhiệm vụ quan trọng, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng điều phối, quản lý về tài chính và kỹ thuật, tránh chồng chéo, trùng lặp và thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng thực hiện các mục tiêu thích ứng trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đại diện cơ quan chủ trì thực hiện, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, dự án do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ với 3 mục tiêu cụ thể. Trước hết là xây dựng và triển khai NAP của Việt Nam nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu và năng lực thích ứng cho cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; tăng cường năng lực, kỹ thuật để tích hợp dự liệu và thông tin, thẩm định các giải pháp và thực hiện đánh giá để lập kế hoạch thích ứng BĐKH.
Dự án cũng thúc đẩy lồng ghép thích ứng BĐKH vào Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, ngành và địa phương; dự toán ngân sách các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quản lý và triển khai các hoạt động thích ứng, cũng như thu hút khối tư nhân tham gia các hoạt động này.
Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Một mục tiêu quan trọng nữa là hỗ trợ xây dựng khung giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như TN&MT, NN&PTNT, GTVT và y tế.
Theo bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện khả năng lãnh đạo cũng như triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tuyệt vời. Dự án này là cơ hội để các Bộ, ngành nâng cao năng lực xây dựng, triển khai NAP phù hợp với yêu cầu quốc tế. Đặc biệt là khả năng phát hiện rủi ro trước tác động của BĐKH và xác định các hoạt động thích ứng ưu tiên. Các Bộ cần giữ vai trò chủ đạo trong xác định các yêu cầu kỹ thuật cần thiết và kết nối, hợp tác chặt chẽ với các ban ngành, đối tác liên quan để triển khai hiệu quả kế hoạch chung.
Dự án cũng giúp giải quyết nhu cầu về tài chính, bằng cách hỗ trợ các bộ, ngành địa phương lồng ghép thích ứng BĐKH vào các kế hoạch phát triển, tăng khả năng tiếp cận ngân sách, cùng nhau xem xét những vấn đề cần ưu tiên tập trung để tối đa hóa nguồn lực. Đồng thời, thu hút khu vực tư nhân trở thành các chủ thể thực hiện các nhiệm vụ thích ứng, khuyến khích xây dựng các cơ chế thúc đẩy họ hợp tác với Chính phủ.
“Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế thích ứng BĐKH, tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, giúp cộng đồng nâng cao khả năng chống chịu và ứng phó với những rủi ro trước tác động của BĐKH. UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới” – bà Sitara Syed nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, trước mắt, trong quý I/2021, Bộ TN&MT, UNDP cũng các Bộ, cơ quan liên quan sẽ triển khai xây dựng và vận hành giao diện trực tuyến cơ sở dữ liệu về BĐKH, đánh giá rủi ro khí hậu và tính dễ bị tổn thương cho các lĩnh vực ưu tiên. Dự kiến đến quý I/2022 có thể đưa ra báo cáo kỹ thuật và hướng dẫn triển khai NAP, cùng với đề xuất khung hệ thống giám sát, báo cáo đánh giá cho các lĩnh vực này. Đến quý III/2022 sẽ có đề xuất định hướng triển khai NAP giai đoạn tiếp theo.
Tại hội thảo, đại diện UNDP đã chia sẻ về các quy định quản lý đối với dự án do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ và cùng thảo luận với đại diện các Bộ, ngành về quá trình triển khai thực hiện trong thời gian tới. Dự kiến, UNDP sẽ gửi báo cáo đầu tiên của dự án cho GCF vào cuối tháng 1/2021.
Khánh Ly