Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Lồng ghép vấn đề giới trong NDC
Ngày đăng: 13/08/2019
Ngày 12/8, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UN Women, Nhóm làm việc về biến đổi khí hậu (CCWG) và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức Hội thảo tập huấn về Giới và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris. Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của các cán bộ và tổ chức về vấn đề giới trong NDC và biến đổi khí hậu, cũng như chia sẻ và lấy ý kiến góp ý cho bản phân tích về giới trong bản NDC cập nhật của Việt Nam mà UN Women cùng các tổ chức đang xây dựng.

Hội thảo có sự tham gia của các đại diện từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc; đại diện các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; cán bộ làm công tác bình đẳng giới và một số tổ chức tổ chức phi chính phủ ở cấp trung ương và một số tỉnh có tham gia các dự án về biến đối khí hậu của GIZ, UN Women, CARE như Quảng Bình, Bắc Kạn, Lai Châu, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, An Giang.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nước ta xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH với khoảng 70% dân số có nguy cơ gặp rủi ro từ các hiểm họa nhiên thiên. Thiệt hại do thiên tai ngày càng gia tăng trong những năm gần đây đã đặt ra yêu cầu về giảm nhẹ rủi ro cho cộng đồng, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Sau khi phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã đưa các chính sách khí hậu vào chiến lược phát triển của họ và Kế hoạch thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm triển khai Hiệp định. Bình đẳng giới – một trong những vấn đề xuyên suốt các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng đã được nêu bật lên.

Trong NDC của Việt Nam, khía cạnh giới được phản ánh ở hợp phần thích ứng. “Nhu cầu và mong muốn về lồng ghép giới trong chính sách khí hậu quốc gia là rất rõ ràng, và quá trình rà soát, cập nhật của Kế hoạch này tạo cơ hội để Chính phủ Việt Nam thực hiện lồng ghép giới một cách hiệu quả hơn vào chính sách và kế hoạch BĐKH”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TN&MT, Thỏa thuận Paris là kết quả của quá trình hơn 20 năm đàm phán của Chính phủ các nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Dù vậy, kể cả khi NDC của tất cả các nước đều đạt được mục tiêu thì vẫn không thể đảm bảo an toàn cho hệ thống khí hậu, giữ nhiệt độ Trái đất ở mức thấp hơn 2 độ C. Chính vì thế, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang tiến hành rà soát, cập nhật NDC nhằm tăng nỗ lực của các bên cả về giảm nhẹ phát thải và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Đại diện UN Women, bà Trần Thuý Anh cho biết, các nhóm dễ bị tổn thương chịu các tác động khác nhau trong bối cảnh BĐKH, tuy nhiên, phụ nữ là tác nhân thay đổi, dẫn dắt sáng kiến giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng BĐKH. Từ cuối năm 2018, Women đã cùng với GIZ, UNDP, và CCWG xây dựng báo cáo kỹ thuật về giới trong NDC của Việt Nam và đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TN&MT phát biểu tại hội thảo

Theo đó, quá trình rà soát, cập nhật NDC mang đến cơ hội giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới và xã hội. Các chính sách, hành động về BĐKH và khí hậu mà không tính đến sự khác biệt xã hội có thể dẫn đến xung đột và bất bình đẳng. Ở cấp độ địa phương, sự tham gia và hưởng lợi của phụ nữ từ các chương trình thích ứng và giảm thiểu là rất cần thiết để đảm bảo hiệu quả và truyền tải các chương trình này. Ngoài việc tiếp cận thông tin, đào tạo, công nghệ và các nguồn tài chính khác, các sáng kiến tăng khả năng chống chịu BĐKH do phụ nữ sáng tạo và lãnh đạo cũng cần được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, hợp tác, đối thoại về thích ứng và giảm nhẹ có tính nhạy cảm giới giữa tất cả các bên ở các cấp độ khác nhau…

Các đại biểu tham dự hội thảo đã chia sẻ nhiều nội dung về giới và biến đổi khí hậu, trong đó có thông tin tổng quan về Thỏa thuận Paris, NDC, lồng ghép giới và khung pháp lý về BĐKH tại Việt Nam; một số ví dụ về hoạt động lồng ghép giới trong các lĩnh vực giảm phát thải và thích ứng; thảo luận về quy trình trách nhiệm lồng ghép giới trong thực hiện NDC ở các cấp khác nhau, thông điệp vận động chính sách và các chỉ số về giới dễ áp dụng…

Thông qua hội thảo, nhóm công tác sẽ tiếp tục đề xuất lồng ghép giới trong dự thảo NDC rà soát, cập nhật để từ đó hoàn thiện các khuyến nghị cho lồng ghép giới tốt hơn cũng như các chương trình khác về sau.

Khánh Ly

Các tin khác