Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Việt Nam tham gia Cuộc họp các Ban bổ trợ lần thứ 50 của Công ước khí hậu
Ngày đăng: 11/07/2019
Đoàn Việt Nam vừa tham dự cuộc họp các Ban bổ trợ lần thứ 50 (SB50) của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 15 đến 27 tháng 6 năm 2019. Đoàn Việt Nam gồm đại diện Bộ TN&MT, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tham dự các Cuộc họp SB50 có tổng số 3326 đại biểu, trong đó có 1942 đại biểu đến từ 184 quốc gia và 1384 đại biểu đến từ 376 tổ chức quốc tế. Nội dung chính nhằm tiếp tục thảo luận các nội dung của Hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris còn chưa được thống nhất tại Hội nghị COP24 để chuẩn bị trình Hội nghị COP25 được tổ chức năm nay tại Chi-lê.

Tại cuộc họp này, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều hoạt động liên quan.

 * Trao đổi về báo cáo cập nhật 2 năm một lần

Tại Hội thảo chia sẻ quan điểm (FSV) do UNFCCC tổ chức, Việt Nam đã trình bày Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ hai của Việt Nam (BUR2). Hội thảo này là giai đoạn 2 của quá trình Tham vấn và Phân tích quốc tế (ICA) đối với BUR.

Trong giai đoạn thứ nhất của quá trình này, Cục Biến đổi khí hậu đã trao đổi trực tuyến với Nhóm chuyên gia kỹ thuật (TTE) về các vấn đề kỹ thuật của BUR2. Qua quá trình phân tích, TTE kết luận BUR2 của Việt Nam được xây dựng theo đúng hướng dẫn và bảo đảm tính minh bạch theo yêu cầu của UNFCCC đối với tất cả các nội dung.

  Việt Nam trình bày báo cáo BUR2 tại Phiên chia sẻ quan điểm FSV

Hội thảo này, Việt Nam đã nhận được 10 câu hỏi của các nước đối với BUR2 bao gồm EU, Hoa Kỳ, CHLB Đức, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ trước và trong thời gian diễn ra Hội nghị. Sau khi trình bày, Việt Nam nhận được thêm câu hỏi và nhận xét của 6 quốc gia (EU, Singapore, Nhật Bản, Georgia, Hoa Kỳ, Indonesia). Các câu hỏi liên quan đến làm rõ các nội dung về tác động của các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính; hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính; nhu cầu tăng cường năng lực đối với kiểm kê quốc gia khí nhà kính giai đoạn tới; mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính trong NDC của Việt Nam cho UNFCCC; vai trò, mối liên hệ của BUR2 đối với các nhiệm vụ khác. Các nước đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, đã tập trung được đội ngũ chuyên gia để xây dựng báo cáo BUR2 rõ ràng, cập nhật nhiều thông tin hơn so với BUR1. Chủ tịch SBI cho biết đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia và thực hiện Khung minh bạch trong khuôn khổ Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

 * Gặp gỡ các đối tác

 Trong khuôn khổ cuộc họp này, đoàn Việt Nam đã trao đổi với nhiều đối tác để trao đổi và tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ.

Qua quá trình trao đổi, Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP - DTU) tìm hiểu các hoạt động đang diễn ra tại Việt Nam và mong muốn tìm hiểu nhu cầu cần hỗ trợ của Việt Nam. Theo trao đổi ban đầu, đề xuất hỗ trợ so sánh các lựa chọn giảm phát thải trong rà soát cập nhật NDC. UNEP DTU đã ghi nhận ý kiến và trao đổi lại với đại diện Sáng kiến quốc tế về khí hậu (IKI) để xây dựng dự án do UNEP DTU thực hiện.

Đoàn Việt Nam đã gặp và trao đổi với Đại sứ về biến đổi khí hậu của Úc về quan điểm, nội dung chính của Hội nghị SB50. Phía Việt Nam đề nghị Chính phủ Úc quan tâm hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn lực, tiếp cận các quỹ để ứng phó với biến đổi khí hậu. Úc bày tỏ mong muốn thảo luận thêm về năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 để có thể xem xét hỗ trợ cho Việt Nam. Phía Úc cũng chia sẻ thông tin liên quan đến kế hoạch tài chính 2 năm (2020-2021) của Ban thư ký UNFCCC. Theo đó nguồn đóng góp của các nước nhìn chung sẽ phải tăng so với giai đoạn trước do cần triển khai các hoạt động liên quan đến Thỏa thuận Paris. Các nước đang phát triển như Việt Nam cần đóng góp khoảng 50,000 USD/ 2 năm (tăng khoảng 20% so với trước đây). Phía Việt Nam cũng đề nghị Úc ủng hộ cho một số đề xuất dự án được trình qua Quỹ GCF; hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về tăng khả năng chống chịu và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thông qua trồng, quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển.

Ngoài ra, đoàn Việt Nam đã trao đổi với đại diện Ban Thư ký Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) để trao đổi về hỗ trợ chuyên gia làm việc tại Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động điều phối trong khuôn khổ CCAC về nông nghiệp và đề xuất dự án lúa gạo phối hợp với IRRI; ủng hộ sáng kiến của CCAC và New Zealand về diễn đàn “Đảm bảo lương thực bền vững trong lương lai” tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH.

Tại buổi trao đổi với đại diện Cục Lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản về khả năng đưa nội dung REDD+ vào Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các Doanh nghiệp Nhật Bản tham gia JCM báo cáo kết quả triển khai, thực hiện JCM.

Thông tin tại gặp với Đối tác NDC (NDCP) và các chuyên gia quốc tế về giới và biến đổi khí hậu về lồng ghép giới trong rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam là Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc (UNWOMEN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) sẽ tổ chức buổi đào tạo về lồng ghép giới vào NDC. Dự kiến trong tháng 8 năm 2019

Trong khuôn khổ cuộc họp của các Ban bổ trợ này, Việt Nam còn tham dự sự kiện bên lề về thực hiện NDC tại các quốc gia Đông Nam Á do OECC, Thái Lan và JICA đồng tổ chức; các sự kiện bên lề liên quan đến REDD+, lâm nghiệp và sử dụng đất có lợi ích khí hậu và phát triển bền vững, lồng ghép sự tham gia của khu vực tư nhân, tài chính cho BĐKH, Quỹ Khí hậu xanh; sự kiện bên lề GFC-Liên minh Lâm nghiệp Toàn cầu và một số sự kiện bên lề khác được tổ chức trong thời gian các cuộc họp của SB50.

 Chu Thanh Hương

 

Các tin khác