Tin tức / Tin hoạt động
Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản
Ngày đăng: 03/06/2019
Ngày 28/5, tại Hà Nội, Cuộc họp lần thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp triển khai cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhằm đánh giá tình hình triển khai cơ chế JCM trong thời gian qua và thảo luận thông qua một số phương pháp luận, hỗ trợ đăng ký và cấp tín chỉ cho các dự án JCM, đồng thời, thảo luận khả năng gia hạn Cơ chế JCM đến năm 2030.

Ông Takehiro Tsuchiya - Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường đã chủ trì cuộc họp. Tham dự có các thành viên Ủy ban hỗn hợp triển khai cơ chế JCM giữa Việt Nam và Nhật Bản.

 

 

Tại cuộc họp, Cục trưởng Tăng Thế Cường, Phó chủ tịch Ủy ban hỗn hợp cho biết, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng trưởng các-bon thấp được ký kết từ năm 2013. Trong đó, 2 nước đã cam kết thúc đẩy đầu tư phát triển các công nghệ, sản phẩm, hệ thống dịch vụ và cơ sở hạ tầng để phát thải các bon thấp ở Việt Nam thông qua Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Tính đến nay, Ủy ban hỗn hợp đã thông qua 14 phương pháp luận, đăng ký 9 dự án và cấp tín chỉ cho 4 dự án. Trong 17 nước tham gia JCM, Việt Nam hiện đứng thứ hai về số lượng tín chỉ và số lượng dự án đăng ký.

 

 

Hai bên đã trải qua 7 phiên họp và tại phiên thứ 8 này, Ủy ban hỗn hợp tiếp tục xem xét đăng ký một số dự án, phương pháp luận, phân bổ tín chỉ các bon; đề xuất gia hạn cơ chế JCM đến năm 2030 nhằm góp phần vào trách nhiệm quốc gia của Việt Nam và Nhật Bản trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu, hướng tới thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Cuộc họp đã cập nhật tình hình triển khai cơ chế JCM trong thời gian qua, trong đó nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy và phát triển cơ chế JCM.

 


 

 

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại cuộc họp

 

 

Theo ngài Tham tán Takehiro Tsuchiya, cơ chế JCM được đánh giá là một trong các cơ chế cụ thể hóa định hướng của Thỏa Thuận Paris, có nhiều tiềm năng thành cơ chế toàn cầu với mạng lưới các quốc gia tham gia ngày càng tăng. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về triển khai cơ chế JCM trên thế giới và hoàn toàn có thể sử dụng JCM làm công cụ để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC, phát triển nền kinh tế các bon thấp.

 

 

Tại cuộc họp, Ủy ban hỗn hợp đã xem xét, phê duyệt đăng ký cho 5 dự án VN010, VN011, VN012, VN013 và VN014. Về việc phê duyệt cấp tín chỉ, Ủy ban hỗn hợp đã thông qua về tỷ lệ phân chia tín chỉ cho dự án VN005 và quyết định thông báo cho các bên về tỷ lệ cấp tín chỉ cho dự án này. Đối với dự án VN006 sẽ tiếp tục rà soát, bàn thêm việc phân bổ tín chỉ cho Chính phủ Việt Nam 10% và sẽ thông qua sau. Ủy ban hỗn hợp đã trao đổi và thông qua về tỷ lệ phân chia tín chỉ cho 3 dự án VN007, VN008, VN009. Tổ thư ký JCM sẽ thông báo và thực hiện các thủ tục tiếp theo cho các dự án này khi nhận được đầy đủ hồ sơ của các bên tham gia dự án.

 

 

Trong 5 phương pháp luận được đề xuất, Ủy ban đã phê duyệt 1 phương pháp luận VN_PM022 và sẽ trao đổi thêm về các phương pháp luận còn lại.

 

 

Để thúc đẩy thực hiện các dự án JCM tại Việt Nam, phía Nhật Bản đề xuất phía Việt Nam đưa ra các yêu cầu lựa chọn dự án phù hợp với  các ngành, lĩnh vực trọng tâm giảm phát thải trong NDC. Về việc tham gia Cơ chế JCM của các dự án REDD+, Tổ thư ký cùng phía Nhật Bản sẽ liên hệ với Văn phòng Ban chỉ đạo REDD+ để tham mưu cho Ủy ban hỗn hợp hai bên. Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia sẽ là đầu mối và chỉ đạo Tổ thư ký tham mưu đề xuất hướng dẫn các dự án REDD+ tham gia trong khuôn khổ Cơ chế JCM.

 

 

Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện có hiệu lực đến năm 2020, bởi vậy, các thành viên đã trao đổi ban đầu về việc gia hạn Bản ghi nhớ đến năm 2030, hướng tới thúc đẩy tăng cường cơ hội hợp tác thực hiện cơ chế JCM tại Việt Nam trong thời gian tới.

 


 

 

Ông Takehiro Tsuchiya - Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

 

 

Để có thể đi đến ký gia hạn hoặc ký kết mới Bản Thỏa thuận theo Cơ chế JCM, Cục trưởng Tăng Thế Cường đề nghị hai bên cùng nghiên cứu đánh giá tổng thể quá trình hoạt động của Cơ chế JCM thí điểm tại Việt Nam trong thời gian qua, gắn với nghiên cứu Thỏa thuận Paris và thực hiện NDC. Từ đó, đưa ra các giải pháp có lợi cho các bên tham gia thực hiện Cơ chế JCM, bao gồm cả các nội dung liên quan đến xây dựng căn cứ về cơ sở phân chia tín chỉ các-bon cho các dự án tiếp theo.

 

 

Trên cơ sở ý kiến và dự thảo phía Nhật Bản đưa ra cuộc họp hôm nay, hai bên sẽ cùng rà soát nghiên cứu hoàn thiện, tham vấn ý kiến các Bộ, ngành liên quan để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

 

 

Về phía Ủy ban hỗn hợp phía Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tham mưu rà soát các quy định hướng dẫn, quy trình, thủ tục và sự phối hợp giữa các Bộ ngành liên quan, kể cả biện pháp truyền thông để hoạt động có hiệu quả hơn.

 


 

 

 Các thành viên Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản tham gia cuộc họp

 

 

Việt Nam cũng đề xuất phía Nhật Bản xem xét tăng cường hỗ trợ xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực để thúc đẩy triển khai có hiệu quả Cơ chế JCM tại Việt Nam, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện các dự án theo Cơ chế JCM; tăng cường sự kết nối giữa nhu cầu của Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Khánh Ly

Các tin khác