Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Xây dựng mô hình đánh giá tác động kinh tế xã hội của NDC
Ngày đăng: 03/06/2019
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Mô hình đánh giá tác động của các hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu trong báo cáo NDC của Việt Nam: Bài học và Kinh nghiệm quốc tế”.

Ban chủ tọa hội thảo có sự tham dự của GS.TS Trần Thục – Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu; PGS.TS Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH; ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và ông Đào Xuân Lai – trợ lý Giám đốc quốc gia UNDP. Tham dự hội thảo còn có đại diện các Bộ: KH&ĐT, Xây dựng, NN&PTNT, Công Thương và một số đối tác quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng cho biết, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam có trọng tâm là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo đó, mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam đến năm 2030 là 8% so với kịch bản phát thải thông thường với nguồn lực trong nước, và có thể giảm đến 25% với các nguồn hỗ trợ quốc tế. Hiện nay, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, cập nhật báo cáo NDC cho phù hợp với điều kiện ứng phó BĐKH của Việt Nam và sẽ thực hiện các phân tích về các hành động ứng phó BĐKH trong NDC một cách hệ thống. Đây là căn cứ hỗ trợ các nhà quản lý đưa ra biện pháp chính sách một cách kịp thời, nhằm chuyển đổi hiệu quả nền kinh tế theo hướng phát thải ít các bon, chống chịu cao với các tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.


 

 PGS.TS Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH phát biểu tại hội thảo

 

Để làm được điều này, thời gian qua, UNDP, GIZ và một số đối tác phát triển khác đã hỗ trợ bước đầu các chuyên gia Việt Nam trong xây dựng mô hình đánh giá tác động của các giải pháp ứng phó với BĐKH của NDC. Hội thảo nhằm giúp các nhà quản lý, các nhà khoa học trong các lĩnh vực BĐKH trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về thực trạng nhu cầu sử dụng các mô hình kinh tế phục vụ đánh giá các giải pháp ứng phó BĐKH được đề xuất trong NDC và các chính sách ứng phó với BĐKH liên quan.

Theo Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn, việc rà soát, cập nhật nhằm đưa vào NDC những đóng góp phù hợp với điều kiện của Việt Nam với các hành động ưu tiên của Bộ ngành, bên cạnh những yêu cầu quốc tế. Các nội dung NDC sẽ được lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam ít nhất đến năm 2030, bởi vậy, cần phải có những đánh giá tác động khi triển khai theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam.


 

Các đại biểu quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn về các mô hình

 

Việc rà soát, cập nhật NDC cũng nhằm thực hiện quy định của Thỏa thuận Paris về rà soát, cập nhật 5 năm một lần và theo dõi tiến độ thực hiện ít nhất 2 năm một lần. Việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội của NDC phải được thực hiện trước khi NDC mới được phê duyệt, nhằm đạt được ba mục đích: Lựa chọn những nội dung cam kết, hành động phù hợp đưa vào NDC; thể hiện mức nỗ lực cao nhất của quốc gia; chỉ ra những cản trở, khó khăn khi triển khai NDC.

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã trình bày nội dung áp dụng Khung mô hình tích hợp để đánh giá tác động của các biện pháp giảm nhẹ KNK trong báo cáo NDC của Việt Nam; đánh giá sơ bộ về ứng dụng mô hình ngành và năng lực mô hình hóa cho NDC tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia gia quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng năng lực và sử dụng mô hình CLEWS tại Việt Nam; kinh nghiệm và thực tiễn về các mô hình động lực hệ thống, mô hình tổng thể ở các nước châu Á – Thái Bình Dương, Úc và các nước Mỹ la tinh.


 

Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Đại diện một số Bộ, ngành cũng chia sẻ về nhu cầu công cụ mô hình hóa để hỗ trợ công tác hoạch định chính sách. Một số ý kiến cho rằng bên cạnh mô hình đánh giá theo ngành kinh tế cần cân nhắc yếu tố đại lý kinh tế, nhằm đảm bảo phân bổ cân đối các nguồn lực. Các mô hình được lựa chọn cũng cần tính đến việc sẽ đưa vào khâu nào trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Bên cạnh các mô hình đánh giá về giảm phát thải cần chú trọng thêm vấn đề thích ứng, đặc biệt trong nông nghiệp bởi lĩnh vực này chịu tác động lớn của BĐKH…

Theo Ban chủ tọa, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp để tiếp tục hoàn thiện Mô hình đánh giá tác động của các hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu trong báo cáo NDC của Việt Nam một cách khả thi và mang tính chiến lược hơn trong thời gian tới.

Khánh Ly

Các tin khác