Tin tức / Tin hoạt động
Xây dựng Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC
Ngày đăng: 13/05/2019
Ngày 9/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức “Hội thảo đánh giá việc thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) và xây dựng Chương trình hỗ trợ thực hiện Báo cáo đóng góp quốc gia tự xác định NDC”. Hội thảo nhằm đánh giá lại tình hình thực hiện Khung chính sách năm 2016 - 2019 và đề xuất xây dựng Chương trình thay thế từ năm 2020 trở đi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp, thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn đã khai mạc hội thảo và cho biết: Chương trình SP-RCC được thực hiện từ năm 2010 đến nay và đã trở thành diễn đàn lớn nhất Việt Nam để trao đổi, xây dựng chính sách và hỗ trợ ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH; phê duyệt và thực hiện “Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH” và đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Chương trình SP-RCC cần có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp. 

   Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn phát biểu tại hội thảo

 

Qua tham vấn với các đối tác phát triển và các Bộ, ngành, Bộ TN&MT đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Từ năm 2019 trở đi, việc đối thoại chính sách ứng phó với BĐKH của Việt Nam được thực hiện trên cơ sở đối thoại về việc thực hiện nội dung trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, trong đó có thực hiện NDC. Nội dung thảo luận bao gồm tiến độ thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các đối tác phát triển. Kết quả thảo luận định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu.

Ngày 12/12/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 12054 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất hình thức thay thế Chương trình SP-RCC từ năm 2020 phù hợp tình hình thực tế và tăng hiệu quả huy động nguồn vốn ODA cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vào giữa năm 2019.  

   Đại diện các đối tác phát triển trao đổi tại hội thảo

 

Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành và các đối tác phát triển, nhà tài trợ đã cùng đánh giá lại tình hình thực hiện Khung chính sách năm 2016-2019. Theo đó, một số hành động chính sách chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân như một số quy định thay đổi, thiếu ngân sách, thông tin khoa học, thay đổi cơ cấu tổ chức của Bộ, đơn vị thực hiện... Các đại biểu đã trao đổi những hạn chế, vướng mắc của Chương trình SP-RCC thời gian qua và các giải pháp. Nhóm tư vẫn EU cũng đưa ra đề xuất ban đầu cải tiến, xây dựng chương trình thay thế, tạm gọi là Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC (NDC – IP).

Ông Yasuhiro Kasuya, Cố vấn cao cấp hình thành dự án, đại diện JICA (Nhật Bản) khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam về việc xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời đề nghị tăng cường vai trò của Chính phủ (trong đó có vai trò của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan...) trong điều phối, chia sẻ thông tin về giảm phát thải khí nhà kính. Cần có sự phân nhiệm rõ ràng giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.


Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Đề cập đến việc xây dựng Chương trình NDC-IP trong thời gian tới, ông Phạm Văn Tấn cho rằng, cần phải dựa trên kinh nghiệm thu được từ Chương trình SP-RCC với sự tham gia rộng rãi hơn của các đối tác phát triển, bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào kết quả và hỗ trợ đạt được các mục tiêu của đóng góp do quốc gia tự quyết định; tăng cường chất lượng đối thoại chính sách giữa các cơ quan chính phủ với các đối tác phát triển.

Dự kiến, việc xây dựng Chương trình NDC-IP sẽ tạo thuận lợi để chia sẻ thông tin và tăng cường điều phối thực hiện trong Thỏa thuận Paris giữa các bên liên quan của quốc gia với nhau và với các đối tác phát triển. Tạo thuận lợi cho đối tác chính sách, kỹ thuật tập trung vào thực hiện, bao gồm cả việc đánh giá 5 năm một lần về mục tiêu trong mối tương quan với việc đánh giá nỗ lực toàn cầu của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); đồng thuận trong lựa chọn hành động ưu tiên và giám sát việc thực hiện hàng năm; cung cấp tài chính để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ và tăng khả năng chống chịu khí hậu trong phát triển với việc thực hiện các dự án liên tỉnh, liên lĩnh vực là ưu tiên hàng đầu.

Khánh Ly

Từ năm 2010 đến nay, thông qua Chương trình SP-RCC, các Bộ, ngành và các đối tác phát triển trao đổi, thảo luận và xây dựng 400 hành động chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu. Chương trình cũng giúp huy động trực tiếp trên 1,4 tỷ đô la . Nhiều đối tác phát triển không là thành viên của chương trình cũng đã tham gia đối thoại và sử dụng kết quả đối thoại làm định hướng triển khai hỗ trợ cho Việt Nam. Chương trình đã được biết đến một cách rộng rãi trong nước và được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn quốc tế như là một mô hình hiệu quả huy động hỗ trợ ứng phó với BĐKH.

 

Các tin khác