Tin tức / Tin hoạt động
Thí điểm tạo tín chỉ các bon cho ngành thép
Ngày đăng: 08/04/2019
Ngày 3/4/2019 tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Xây dựng NAMA tạo tín chỉ, đề xuất công cụ thị trường áp dụng cho ngành thép Việt Nam”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường cac-bon tại Việt Nam (Dự án VNPMR) do Ngân hàng thế giới tài trợ.

 

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan đầu mối tham gia Dự án VNPMR của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư và Tài chính; đại diện Ban Thư ký Chương trình cac-bon quốc tế, đại diện nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế: WB, JICA, ADB, AFD, USAID; đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thép có quy mô lớn; các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng.

 

 

Mục tiêu chính của Hội thảo nhằm giới thiệu, trao đổi và thảo luận về các vấn đề liên quan đến lộ trình thực hiện các hoạt động hướng tới xây dựng thị trường các bon trong ngành thép ở Việt Nam, bao gồm: Lộ trình cho chương trình tạo tín chỉ cấp ngành ở Việt Nam; Lộ trình cho chương trình tạo tín chỉ thí điểm cho ngành thép; Các công cụ định giá các-bon khả thi đối với ngành thép.

 

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày báo cáo về các hoạt động đã và đang triển khai nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; xác định được tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thép và năng lượng cũng như các cơ hội và thách thức trong việc xây dựng và thực hiện đo đạc, báo cáo và thẩm tra các hoạt động phát thải khí nhà kính (MRV) và lộ trình xây dựng tín chỉ cac-bon ở Việt Nam.

 

 


 

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, TS. Trương Đức Trí phát biểu khai mạc Hội thảo

 

TS. Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Giám đốc Dự án VNPMR nhấn mạnh, để triển khai có hiệu quả các nội dung nêu trên, việc giám sát các chỉ tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là rất quan trọng và cần thiết, đòi hỏi chúng ta cần xây dựng một hệ thống MRV cấp quốc gia và cấp ngành một cách rõ ràng, minh bạch, phù hợp với điều kiện Việt Nam và quy định quốc tế. Đặc biệt, các yêu cầu mới của quốc tế nêu tại COP24 tổ chức ở Katowice, Ba Lan năm 2018 càng đòi hỏi Việt Nam cần tập trung cải thiện chất lượng kiểm kê khí nhà kính một cách tốt hơn.

 

 


 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp đã dành thời gian để trao đổi, thảo luận về cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về các hoạt động liên quan phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất thép. Từ những bất cập, tồn tại, hạn chế trong việc đo đạc, báo cáo và thẩm tra các hoạt động phát thải khí nhà kính, các đại biểu đã đề xuất nhiều biện pháp cải thiện chất lượng kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất thép, những văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi hoặc xây dựng mới để công tác quản lý các hoạt động phát thải khí nhà kính và quản lý tín chỉ cac-bon ngày một hoàn thiện. Qua đó, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam, đáp ứng các cam kết với cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

Khánh Ly

Các tin khác