Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Khóa họp lần thứ 30 các Bên tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (MOP 30)
Ngày đăng: 22/11/2018
Thực hiện Quyết định số 3118/QĐ-BTNMT ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cử Đoàn cán bộ đi công tác tại Ecuador, Đoàn Việt Nam gồm ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng Đoàn, bà Nguyễn Thị Mỹ Hoàng, Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn và ông Phạm Vĩnh Phong, Phòng Kế hoạch – Tài chính, Cục Biến đổi khí hậu, thành viên, đã tham dự Khóa họp lần thứ 30 các Bên tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (MOP 30) do Ban Thư ký Nghị định thư Montreal tổ chức từ ngày 05 đến 09 tháng 11 năm 2018 tại Quito, Ecuador.

Đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp các bên thuộc Nghị định thư Montreal

 

Khóa họp các Bên thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn là Khóa họp thường niên do Ban Thư ký Nghị định thư Montreal nhóm họp các nước thành viên để báo cáo, thảo luận về các hoạt động loại trừ các chất do Nghị định thư Montreal kiểm soát.

MOP 30 được tổ chức trong các ngày 05 – 09 tháng 11 năm 2018, trong đó phiên họp trù bị tổ chức các ngày 05 – 07 và Khóa họp cấp cao tổ chức các ngày 08 – 09 tháng 11 năm 2018.

Tham dự MOP 30 có hơn 500 đại biểu, đại diện cho 144 Bên tham gia Nghị định thư, các thành viên của các cơ quan cố vấn kỹ thuật, đại diện các cơ quan và chương trình của Liên hợp quốc, các tổ chức vùng, các tập đoàn công nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.

Phiên họp trù bị (05 – 07/11/2018)

MOP 30 khai mạc phiên họp toàn thể ngày 05 tháng 11 năm 2018 với phát biểu của ông Yaqoub Almatouq, Đồng Chủ tịch Nhóm công tác mở rộng lần thứ 40 (OEWG 40).

Ông Pablo Campana Saenz, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Năng suất Ecuador, lưu ý rằng Ecuador là một Bên phê chuẩn sớm Bản sửa đổi, bổ sung Kigali và đã thiết lập hệ thống cấp phép các chất HFC cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết.

Bà Tina Birmpili, Thư ký điều hành Ban Thư ký ô-dôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động mạnh mẽ tại MOP 30 về thực thi và tuân thủ để duy trì độ tin cậy của Nghị định thư và thông báo rằng Ban Thư ký sẽ trình bày dự thảo hành động về giới tại cuộc họp Nhóm công tác mở rộng lần thứ 41 (OEWG 41).

Đồng chủ tịch Almatouq giới thiệu chương trình nghị sự dự kiến để các Bên xem xét và cho ý kiến. Liên minh Châu Âu (EU) đề nghị thảo luận về các tiêu chuẩn an toàn cho các hệ thống và thiết bị làm lạnh, điều hòa không khí và bơm nhiệt và hài hòa mã hải quan đối với các chất thay thế cho HCFC và CFC. Chương trình nghị sự được thông qua cùng với các sửa đổi nêu trên.

Phiên họp cấp cao (08 – 09/11/2018)

Chủ tịch MOP 29 ông Yaqoup Almatouq phát biểu khai mạc Khóa họp cấp cao. Tổng thống Ecuador Lenín Moreno phát biểu chào mừng đại diện các đoàn đại biểu tham dự Khóa họp lần thứ 30 của Nghị định thư Montreal. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự phát triển bền vững để bảo vệ ngôi nhà cho các thế hệ con cháu mai sau và kêu gọi tìm kiếm các công nghệ thay thế không làm suy giảm tầng ô-dôn và tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển thực hiện Nghị định thư Montreal và các Bản sửa đổi, bổ sung của Nghị định thư.

Bà Tina Birmpili cho biết thông điệp chung từ các báo cáo của các Ban đánh giá là không có chỗ cho sự tự mãn khi phát hiện bất ngờ lượng phát thải CFC-11. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Nghị định thư Montreal đã đạt được trong hơn 30 năm qua. Bà Tina Birmpili đề nghị rằng để giải quyết những thách thức, các cơ chế của Nghị định thư có thể cần được đánh giá lại.

Đồng Chủ tịch Yaqoub Almatouq ghi nhận tiến độ thực hiện của các Bên tham gia Nghị định thư kể từ lần họp cuối tổ chức tại khu vực này vào năm 1996. Ông nhấn mạnh rằng các quyết định của cuộc họp này sẽ có tác động tích cực trong việc bảo vệ môi trường và nhấn mạnh sự cần thiết phải gửi một thông điệp chính trị mạnh mẽ để ngăn chặn việc sản xuất và sử dụng CFC-11.

Tại phiên họp cấp cao, các vấn đề thảo luận bao gồm:

- Các vấn đề về tổ chức: Đề cử và lựa chọn nhân sự của MOP 30.

- Báo cáo của các Ban đánh giá thuộc Nghị định thư Montreal về tình hình năm 2018.

- Báo cáo của Trưởng Ban Chấp hành Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal về các công việc của Ban Chấp hành Quỹ Đa phương.

- Phát biểu của Trưởng đoàn một số nước thành viên.

- Báo cáo của đồng chủ trì các phiên họp trù bị và các dự thảo quyết định của MOP 30 trình phiên cấp cao thông qua.

- Thời gian và địa điểm tổ chức MOP 31.

- Thông qua các báo cáo và quyết định của MOP 30.

Kết quả của MOP 30

MOP 30 đã thông qua 21 quyết định về các nội dung đã thảo luận theo chương trình nghị sự. Việc thực hiện Nghị định thư Montreal đã kéo dài hơn 30 năm nên các vấn đề liên quan đến các nội dung hoạt động nhận được sự đồng thuận và nhanh chóng.

Các nước đã thực hiện bầu nhân sự của MOP 30, bao gồm: Bà Liana Ghahramanyan (Armenia), được bầu vào cương vị Chủ tịch MOP 30; Samuel Pare (Burkina Faso), Juan Sebastian Salcedo (Ecuador) và Elisabeth Munzert (Đức) được bầu làm Phó Chủ tịch. Báo cáo viên của MOP 30 là Bitul Zulhasni đại diện của Indonesia.

 Ban đánh giá khoa học trình bày các kết quả đạt được bao gồm:

- Sự suy giảm liên tục trong tổng lượng phát thải của các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

- Giảm CFC chậm hơn và tăng các chất HCFC chậm hơn kể từ năm 2014.

- Sự gia tăng bất ngờ về lượng phát thải toàn cầu của CFC-11.

- Dự báo Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ giúp giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu trong tương lai do loại trừ các chất HFC vào năm 2100.

- Các lựa chọn mới để đẩy nhanh sự phục hồi tầng ô-dôn còn hạn chế, do đó cần phải đẩy mạnh việc tuân thủ Nghị định thư hơn nữa.

Ban Đánh giá tác động môi trường nhấn mạnh rằng việc giảm các chất làm suy giảm tầng ô-dôn do Nghị định thư Montreal kiểm soát đã giúp tránh được sự gia tăng bức xạ UV-B mặt trời. Các nghiên cứu mô hình cho thấy thực hiện Nghị định thư đã giúp tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

Ông Hussein Mazen, Trưởng Ban Chấp hành Quỹ Đa phương trình bày các thành tựu do Ban Chấp hành đạt được. Ông nhấn mạnh tính phức tạp của việc chi tiết các hướng dẫn về tài trợ kinh phí loại trừ các chất HFC. Các Bên tham gia Nghị định thư Montreal yêu cầu Ban Chấp hành Quỹ Đa phương tiếp tục xây dựng các hướng dẫn tài trợ kinh phí loại trừ sản xuất và tiêu thụ HFC và cập nhật tiến độ trong báo cáo hàng năm của Ban Chấp hành trình bày tại Khóa họp các Bên. Các nước thành viên yêu cầu Ban Chấp hành trình bày dự thảo hướng dẫn tại Khóa họp các Bên để các nước thành viên xem xét và đóng góp ý kiến trước khi Ban Chấp hành hoàn thiện hướng dẫn.

Đồng Chủ tịch Almatouq khuyến khích tất cả các nước nhanh chóng phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC. Ông cho biết, đến ngày 09 tháng 11 năm 2018, đã có 60 Bên tham gia Nghị định thư Montreal phê duyệt, thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.

Về phát thải bất ngờ CFC-11, các Bên tham gia Nghị định thư Montreal đề nghị Ban đánh giá khoa học cung cấp cho các Bên báo cáo tổng hợp về sự gia tăng bất ngờ phát thải CFC-11 trong Báo cáo đánh giá bốn năm một lần. Báo cáo sơ bộ sẽ được trình bày tại OEWG 41 và bản cập nhật được trình bày tại MOP 31. Quyết định của các Bên cũng khuyến khích các nước thành viên hỗ trợ các nỗ lực khoa học, bao gồm đo khí quyển để nghiên cứu hơn nữa phát thải đột ngột CFC-11 trong những năm gần đây; đề nghị các Bên tham gia Nghị định thư thực hiện các biện pháp phù hợp đảm bảo loại trừ CFC-11 hiệu quả, bền vững và tuân thủ theo các quy định của Nghị định thư.

14 thành viên Ban Chấp hành Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montrea được bổ nhiệm gồm 7 nước đang phát triển, bao gồm Ác-hen-ti-na, Bê-nanh, Trung Quốc, Grenada, Cô-oét, Ni-giê và Ru-an-đa; 7 nước phát triển gồm Bỉ, Canada, Pháp, Hungary, Nhật Bản, Na Uy và Hoa Kỳ. Ban Chấp hành Quỹ Đa phương được bổ nhiệm một năm (2019). Ban Chấp hành Quỹ Đa phương là cơ quan xét duyệt và phân bổ ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển và cho các hoạt động của Nghị định thư Montreal.

Thời gian và địa điểm MOP 31 được quyết định tổ chức tại Cộng hòa Ý, thống nhất trên cở sở đề nghị của nước đăng cai và đồng thuận của MOP 30.

  Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu tham dự Khóa họp cấp cao các bên tham gia Nghị định thư Montreal


Hoạt động của Đoàn Việt Nam

Trong thời gian tổ chức MOP 30, Đoàn Việt Nam tham dự đầy đủ các phiên họp trù bị và Khóa họp cấp cao của các Bên tham gia Nghị định thư Montreal, đồng thời tham gia một số nhóm tham vấn để theo dõi, nắm bắt thông tin, quan điểm của các nước về vấn đề loại trừ HFC.

Tham dự MOP 30, Đoàn Việt Nam có các cuộc họp, làm việc song phương với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ban Thư ký Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkerley, California, Mỹ để bàn về việc triển khai các dự án đang và chuẩn bị thực hiện liên quan đến loại trừ HCFC và HFC.

Cục Biến đổi khí hậu được giao làm đầu mối thực hiện Công ước Vienna về Bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thi hành của Nghị định thư Montreal xây dựng và yêu cầu Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal hỗ trợ tài chính cho các dự án thực hiện Nghị định thư ở mức cao nhất để đáp ứng nghĩa vụ loại trừ các chất do Nghị định thư kiểm soát.

Hiện nay, các Bên tham gia Nghị định thư Montreal khuyến khích các nước thành viên sớm phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal. Cục Biến đổi khí hậu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét và sớm phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC. Việc phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ thể hiện vai trò của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước trong kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Đồng thời, phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ giúp Việt Nam nhận được hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước loại trừ các chất HFC theo quy định của Nghị định thư Montreal.

 

Cục BĐKH