Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 54 và sự kiện bên lề của UNIDO: "Mát và sạch: Chiến lược chuỗi làm lạnh cho hệ thống thực phẩm"
Ngày đăng: 15/07/2018
Đại Hội đồng GEF lần thứ 54 được diễn ra trong 03 ngày từ ngày 24/6 đến ngày 26/6 tại Thành phố Đà Nẵng Phiên họp Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu GEF lần thứ 54 được tổ chức nhằm xem xét chính sách đồng tài trợ được cập nhật; tăng cường sự hợp tác của các thành viên quỹ môi trường toàn cầu; quy tắc cho Hệ thống phân bổ tài nguyên minh bạch cho chu kỳ 7 (từ năm 2018 -2022).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp các đại biểu quốc tế

tại Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 54

Cuộc họp cũng thảo luận các kế hoạch và ngân sách trong năm 2019; Chương trình làm việc; các thỏa thuận tài trợ nhỏ và các thỏa thuận thực hiện Chương trình hỗ trợ quốc gia cho Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu giai đoạn 2018 -2022. Cục Biến đổi khí hậu đã tham gia các phiên họp chính cũng như các sự kiện bên lề của Đại hội đồng GEF.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và bà Naoko Ishii- Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF

chủ trì họp báo cáo kết quả kỳ họp quan trọng nhất về môi trường toàn cầu  năm 2018 - GEF 6

Ngày 24/6/2018, Cục Biến đổi khí hậu đã có bài trình bày và chủ trì thảo luận tại sự kiện bên lề của UNIDO: “Mát và sạch: Chiến lược chuỗi làm lạnh cho hệ thống thực phẩm”.

 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hoàng, Điều phối viên ô-dôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT phát biểu tại sự kiện bên lề của UNIDO

Nội dung thảo luận tại sự kiện bên lề của UNIDO đã tập trung vào các vấn đề chính như sau:

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án GEF chu kỳ 5 về “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí và các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (ODS) trong lĩnh vực làm lạnh công nghiệp”. Dự án đã áp dụng thí điểm chuyển đổi công nghệ thành công từ ga R22 sang ga Hydrocarbon trong 4 kho lạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội , Nghệ An và Quảng Ninh. Sau khi triển khai dự án thí điểm và đi vào hoạt động, kết quả cho thấy thiết bị sử dụng HC-290 làm môi chất lạnh có lượng điện tiêu thụ trung bình giảm 25% so với thiết bị sử dụng HCFC-22 làm môi chất lạnh. Công nghệ thay thế tại các doanh nghiệp thí điểm đã giúp loại trừ khoảng 250 kg HCFC-22 được sử dụng trong hệ thống làm lạnh cũ, giảm phát thải hơn 450 tấn CO2 tương đương. Chuyển giao công nghệ đã được thực hiện thành công tại bốn công ty được lựa chọn.

Trong chu kỳ GEF 7, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với UNIDO đề xuất dự án “Hợp tác ứng dụng công nghệ các bon thấp cho chuỗi làm lạnh thực phẩm và thúc đẩy cung cấp thực phẩm bền vững ở Việt Nam”.

Mục đích của dự án là xác định, phát triển và khuyến khích việc áp dụng các tập quán kinh doanh và các công nghệ làm lạnh đổi mới, hiệu quả năng lượng, các-bon thấp trong chuỗi thức ăn lạnh trong khi tăng cường an toàn thực phẩm và an ninh lương thực tại Việt Nam. Dự án sẽ thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu giữa khu vực công, khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính để thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ chuyển giao các tập quán và các công nghệ có thiết kế hiệu quả năng lượng tốt nhất.

Các hợp phần chính của dự án dự kiến gồm:

1.  Xác định tình trạng sản xuất thực phẩm và triển vọng đối với việc phân phối thực phẩm bền vững.

2.  Trung tâm đổi mới công nghệ trong lĩnh vực chuỗi làm lạnh.

3.  Các dự án trình diễn và đơn vị đào tạo lưu động.

4.  Quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính.

5.  Các quy định chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thông tin nền tảng

Thiết bị làm lạnh có tác động trực tiếp đến sự nóng lên toàn cầu thông qua việc phát thải các chất làm lạnh chiếm khoảng 20% và tác động gián tiếp thông qua tiêu thụ năng lượng chiếm khoảng 80%. Do vậy, để giảm các tác động trực tiếp và gián tiếp có thể thực hiện được bằng cách trước hết là cải thiện hiệu quả năng lượng của các hệ thống làm lạnh và dây chuyền lạnh và thứ hai là bằng cách sử dụng chất làm lạnh có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng 0, chẳng hạn như các chất làm lạnh tự nhiên. Dự án kết hợp cả hai biện pháp: giảm phát thải chất làm lạnh cũng như giảm sử dụng năng lượng trong chuỗi lạnh.

Tăng cường an toàn thực phẩm và an ninh lương thực thông qua một chuỗi lạnh đáng tin cậy.

 Một số thông tin chính về lượng hao hụt thực phẩm và chất thải thực phẩm

Khoảng 1/3 sản lượng lương thực trên toàn cầu bị mất hoặc lãng phí, tương đương với khoảng 1,3 tỷ tấn mỗi năm.

Trong khi sản xuất lương thực phải tăng 70% để nuôi 2,3 tỷ dân vào năm 2050 mà 85% trong số đó sẽ tập trung ở các nước đang phát triển.

Ở các nước đang phát triển, 40% tổn thất xảy ra ở các giai đoạn sau thu hoạch và chế biến.

Một trong những lý do chính: Lưu trữ/vận chuyển không phù hợp ở tất cả các giai đoạn của chuỗi thức phẩm.

UNIDO đang làm gì: tạo điều kiện cho sự chuyển đổi thị trường

Thiết lập một chuỗi thông tin hiệu quả giữa các phần khác nhau của chuỗi lạnh và từ các quan điểm khác nhau.

Đo lường hiệu suất và cơ hội cải thiện theo chuỗi bao gồm thiết kế hệ thống, bảo trì và giám sát thiết bị, v.v…

Thu hút công nghệ và đầu tư cho việc mở rộng và cải tiến dây chuyền lạnh.

Giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp từ chuỗi lạnh.

Chìa khóa đi tới thành công chính là sự hợp tác và tham gia của các bên liên quan

Các cơ quan chính phủ: Lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát thải thấp trong tương lai mà sẽ có ảnh hưởng tích cực không chỉ đến môi trường mà còn cả với nền kinh tế vì sẽ mở các cơ hội thị trường hướng đến lợi ích chung cho xã hội.

Khối tư nhân: Tăng cường danh mục sản phẩm và chiến lược kinh doanh của mình bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phát thải thấp, tạo cho ngành công nghiệp lợi thế cạnh tranh để xuất khẩu sang các nước láng giềng và hợp tác với các công ty quốc tế.

Các tổ chức quốc tế: Xác định tiềm năng và các dự án/lĩnh vực đầu tư sinh lợi.

Cục Biến đổi khí hậu