Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Hội thảo tham vấn về sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC thuộc Nghị định thư Montreal
Ngày đăng: 10/04/2018
Sáng ngày 09 tháng 01 năm 2018 tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức “Hội thảo tham vấn về Sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC và Lộ trình loại trừ sử dụng các chất HFC ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng các chất HFC. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã khai mạc và chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu về Sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal; dự thảo Báo cáo đánh giá tác động kinh tế-xã hội khi Việt Nam tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal và dự thảo Báo cáo về Lộ trình loại trừ sử dụng các chất HFC theo từng lĩnh vực ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu thông báo: các chất HFC không phải là chất làm suy giảm tầng ô-dôn nhưng lại là các khí nhà kính có tiềm năng nóng lên toàn cầu rất cao, gây biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Khóa họp lần thứ 28 các Bên tham gia Nghị định thư Montreal diễn ra ở Thủ đô Kigali, Rwanda vào tháng 10 năm 2016 đã thông qua Sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC của Nghị định thư Montreal. Các chất HFC đã và đang được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí gia dụng, điều hòa không khí trung tâm, điều hòa không khí ô tô và dập cháy trong phòng cháy chữa cháy. Đến nay, Sửa đổi, bổ sung Kigali đã được hơn 20 quốc gia phê chuẩn và sẽ có hiệu lực thi hành trên phạm vi toàn cầu kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Sửa đổi, bổ sung Kigali quy định quy trình và thời hạn loại trừ các chất HFC cho các nước phát triển và các nước đang phát triển như nhóm các nước phát triển sẽ loại trừ các chất HFC từ năm 2019 và nhóm các nước đang  phát triển sẽ ngưng mức tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 và vào năm 2045 phải loại trừ 80% tổng lượng các chất HFC. Việt Nam không sản xuất các chất HFC nhưng có nhập khẩu một lượng các chất HFC phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cũng nêu rõ: Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao làm đầu mối tham gia và chủ trì thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu  và Nghị định thư Kyoto. Là một Bên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Nghị định thư Montreal. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số thành công quan trọng, đáng kể trong việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (ODS), đặc biệt là loại trừ các chất CFC, HCFC trong khuôn khổ thực hiện Nghị định thư Montreal. Cục Biến đổi khí hậu được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế-xã hội khi Việt Nam tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali. Để xây dựng Báo cáo đánh giá này, ngày 28 tháng 9 năm 2017 tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu đã tổ chức “Hội thảo tham vấn đánh giá tác động kinh tế-xã hội khi Việt Nam tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC thuộc Nghị định thư Montreal”để lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các chất HFC. Báo cáo đánh giá phải tập trung làm rõ cả tác động tích cực và tiêu cực đối với các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường khi Việt Nam tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali. Tiếp theo Hội thảo nêu trên, Cục Biến đổi khí hậu tổ chức tiếp Hội thảo này để xin thêm ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp có sử dụng các chất HFC đối với dự thảo Báo cáo đánh giá và dự thảo Lộ trình loại trừ các chất HFC được sử dụng trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí gia dụng, điều hòa không khí trung tâm, điều hòa không khí ô tô và dập cháy trước khi Cục Biến đổi khí hậu tổng hợp, trình Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo Báo cáo đánh giá và dự thảo Lộ trình loại trừ các chất HFC tại Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản xin ý kiến đóng góp chính thức của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đối với dự thảo Báo cáo đánh giá và dự thảo Lộ trình loại trừ các chất HFC tại Việt Nam và sau khi hoàn thiện Báo cáo đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ  xem xét, phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC thuộc Nghị định thư Montreal với Lộ trình loại trừ các chất HFC phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và quy định chung của Nghị định thư Montreal.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mỹ Hoàng, Điều phối viên ô-dôn thông báo: theo quy định của Sửa đổi, bổ sung Kigali, các Bên tham gia Nghị định thư Montreal cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết để loại trừ sản xuất và tiêu thụ các chất HFC. Việc thực hiện thành công Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ tránh phát thải khoảng 70 tỷ tấn CO2 tương đương vào khí quyển trên phạm vi toàn cầu và tránh cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 0,5oC vào cuối thế kỷ này. Như vậy, việc thực hiện Nghị định thư Montreal không những góp phần bảo vệ tầng ô-dôn mà còn góp phần bảo vệ khí hậu toàn cầu theo mục tiêu của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Lộ trình loại trừ các chất HFC đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là ngưng mức tiêu thụ các chất HFC tại mức cơ sở trong giai đoạn 2024-2028; từ năm 2029 đến năm 2034 loại trừ 10%; từ năm 2035 đến năm 2039 loại trừ 30%; từ năm 2040 đến năm 2044 loại trừ 50% và vào năm 2045 phải loại trừ 80% tổng lượng tiêu thụ cơ sở các chất HFC, tương ứng sẽ góp phần giảm 6.143.877 tấn CO2  tương đương.

 Bà Lê Hoàng Lan, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường trình bày tại Hội thảo

Bà Lê Hoàng Lan, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường trình bày đánh giá tác động kinh tế- xã hội trong trường hợp Việt Nam tham gia phê chuẩn Sửa đổi bổ sung Kigali và trong trường hợp Việt Nam không tham gia phê chuẩn Sửa đổi bổ sung Kigali. Để chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Viện Sinh thái và Môi trường tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại các doanh nghiệp có sử dụng các chất HFC và đánh giá tác động của việc thực hiện Sửa đổi, bổ sung Kigali tại Việt Nam. Dự thảo Báo cáo đánh giá tập trung vào 3 yếu tố chính là các tác động kinh tế, xã hội và môi trường ở Việt Nam khi thực hiện phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali. Về kinh tế, việc phê chuẩn sẽ đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước phát triển. Việc sử dụng môi chất lạnh thân thiện với môi trường, khí hậu sẽ đem lại lợi ích kinh tế do tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của nó là ảnh hưởng tới chi phí sản xuất dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp… Các yếu tố môi trường và xã hội tương tự có cả tác động tích cực và tiêu cực. Qua nghiên cứu, điều tra, khảo sát thực tế tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công ty có liên quan đều cho thấy việc phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn đối với Việt Nam. Qua khảo sát cho thấy 54% doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi công nghệ phù hợp với quy định, 33% doanh nghiệp đồng ý chuyển đổi công nghệ nếu nhận được hỗ trợ về kinh phí và tư vấn kỹ thuật và 77% doanh nghiệp đồng ý sử dụng các chất mới không gây suy giảm tầng ô-dôn và không hoặc có ít tác động đến biến đổi khí hậu để thay thế cho các chất HFC theo Lộ trình quy định của Sửa đổi, bổ sung Kigali.

Các Đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và đưa ra một số khuyến nghị về xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện; tận dụng hỗ trợ tài chính của quốc tế; áp dụng quy trình chặt chẽ khi thẩm định công nghệ; tăng cường công tác truyền thông, chia sẻ thông tin và hợp tác kỹ thuật; hệ thống kiểm soát việc nhập khẩu, tiêu thụ và loại trừ các chất HFC theo Lộ trình cho các lĩnh vực đặc thù tại Việt Nam; việc sử dụng các công nghệ, chất mới thân thiện với môi trường, khí hậu thay thế cho các chất HFC. Cục Biến đổi khí hậu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá và dự thảo Lộ trình loại trừ các chất HFC tại Việt Nam trên cơ sở tiếp thu ý kiến tham vấn của các đại biểu để tiến hành tiếp các thủ tục trình cấp trên phê duyệt/chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal trong thời gian tới.

Cục BĐKH