Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Tăng cường nguồn lực ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL
Ngày đăng: 29/11/2017
Sáng ngày 28/11, tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo Quốc tế “Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) – Giới thiệu kết quả nghiên cứu tác động của BĐKH tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 Tham dự Hội thảo có trên 200 đại biểu đến từ Quốc hội, các Bộ, ban, ngành liên quan; đại diện các Sở, ban, ngành 13 tỉnh ĐBSCL; các tổ chức hợp tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; các nhà khoa học, doanh nghiệp và tổ chức xã hội; các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương…

Đây là hoạt động của Dự án “Tăng cường năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó vớ thiên tai tại ĐBSCL” do Quỹ hỗ trợ các chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện và được tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (Bftw) và ActionAid Việt Nam đồng tài trợ. Nghiên cứu này được thực hiện trong tháng 8-9/2017 tại 3 huyện Chợ Mới (An Giang), Kế Sách (Sóc Trăng), và TP. Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước với các sản phẩm chủ lực là lúa gao, thủy hải sản và cây ăn quả phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Đây cũng là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch và năng lược sạch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như: BĐKH và nước biển dâng, đặc biệt là các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan, bất thường, giông lốc, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển,… gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của người dân, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của vùng.

Từ những thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi tin tưởng qua Hội thảo sẽ có cách nhìn thấu đáo, toàn diện để đưa ra những chiến lược, những cơ chế và giải pháp mang tính đột phá nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong công tác ứng phó với BĐKH, đặc biệt là tổ chức phi chính phủ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia nhằm phát huy hơn nữa các tiềm năng và lợi thế của vùng, đồng thời biến những thách thức thành cơ hội phát triển mới.

Ông Phạm Văn Tấn, ông Tuấn Phong, ông Lâm Quang Thi chủ trì Hội thảo

Ông Phạm Văn Tấn – Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT thông tin, tại Việt Nam, mặc dù cần khoảng 30 tỷ USD để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tới năm 2020, hiện chi cho mục tiêu này mới chỉ bằng 0,1% GDP của Việt Nam. Tỷ lệ này ở các quốc gia có điều kiện BĐKH có tỉ lệ tương đương là 6-20% GDP. 31% trong tổng chi ứng phó với BĐKH tại Việt Nam được huy động từ các đối tác phát triển, còn khá xa so với mục tiêu đề ra.

Theo ông Phạm Văn Tấn, kết quả nghiên mới đây cho thấy, ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. Qua thống kê, có gần 13% hộ gia đình trong khu vực ĐBSCL bị mất hoàn toàn hoặc phải bỏ hoang diện tích đất đai, mặt nước sản xuất hoặc giảm hệ số sử dụng đất nông nghiệp. 16,6% số hộ chịu thiệt hại về nhà cửa đất đai. Gần đây tình trạng sạt lở bờ sông bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn, sụt lún đất xảy ra hết sức nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn của đê diều, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, và gần đây nhất là tỉnh Bến Tre bị sạt lở bờ biển,bờ sông hết sức nặng nề.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận các ý kiến đề xuất và đưa ra các sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng quốc tế về BĐKH tới khu vực ĐBSCL; tăng cường hiệu quả chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ quan hợp tác phát triển, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… để ứng phó BĐKH, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian tới.

Qang cảnh Hội thảo

Chia sẻ tại hội nghị, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ AFV cho biết, Dự án với mục tiêu cải thiện cuộc sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ tại các vùng bị ảnh hưởng do BĐKH và thiên tai tại ĐBSCL sẽ đóng góp kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong xây dựng kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng và cơ chế điều phối bền vững giữa các bên. Theo ông Tạ Việt Anh, Quỹ AFV đang xây dựng phần mềm cảnh báo sớm trên điện thoại thông minh và tập trung vào nâng cao năng lực cho cộng đồng tại 2 vùng dự án Sóc Trăng và Trà Vinh. Qua đó, các bài học kinh nghiệm có thể chia sẻ hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiên tai tại vùng ĐBSCL.

Được biết trước đó, vào tháng 9/2017, Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH diễn ra tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động được các sáng kiến, nhằm tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa thiên nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, tiểu vùng sông Mê Kông; đồng thời, huy động được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực cho chuyển đổi lớn vùng ĐBSCL.

Theo chương trình làm việc, các đại biểu sẽ đi tham quan một số mô hình ứng phó với BĐKH tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vào sáng ngày 29/11.

Bạch Thanh

Nguồn: Monre

Các tin khác