Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Những người lính khí tượng thủy văn
Ngày đăng: 10/05/2017
“Bén duyên” với lĩnh vực khí tượng thủy văn đã hơn 30 năm, PGS. TS Hoàng Minh Tuyển và PGS. TS Dương Văn Khảm là 2 trong số những nhà khoa học lớn tuổi hiện đang công tác tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu. Từng có thời gian tham gia quân ngũ, khi ra quân họ vẫn giữ nguyên tinh thần vượt gian khó của người lính, trở thành những chuyên gia đầu ngành và tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ trong công tác nghiên cứu khí tượng thủy văn.

  

PGS. TS Hoàng Minh Tuyển

Viết văn cho những dòng sông

PGS.TS Hoàng Minh Tuyển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Tài nguyên nước, từng là chiến sĩ thuộc Ban Công binh Sư đoàn 431. Năm 1978, ông theo học Đại học Thủy lợi và gắn bó với lĩnh vực thủy văn - tài nguyên nước từ đó đến nay.

Bắt đầu công tác tại Viện Khí tượng Thủy văn (nay là Viện Khoa học KTTV&BĐKH) từ năm 1983, từng ấy năm lăn lộn với sông nước, ông đã đi hầu hết các con sông của Việt Nam, cùng với những người đồng nghiệp ngày đêm nghiên cứu, dựa trên các số liệu để hiểu “tính nết” của những dòng sông. “Người trong nghề vẫn nói vui với nhau là đi để viết văn cho những dòng sông”, PGS. TS Hoàng Minh Tuyển hào hứng nói. Từ các kết quả nghiên cứu, các tính toán thủy văn đã phục vụ công tác quy hoạch, thiết kế, vận hành các công trình liên quan đến nước; cung cấp thông tin cảnh báo, dự báo thủy văn, tài nguyên nước và các hiện tượng thiên tai có liên quan đến nước cho các lưu vực sông. Đây là những cơ sở khoa học và thực tiễn, giúp cho việc xây dựng quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước.

 “Tuổi trẻ thường xuyên phải bôn ba, thời điểm đó lại chưa có gia đình nên chưa ngại bị vợ mắng”, ông hóm hỉnh. Từ mảnh đất chịu thương chịu khó Nghệ An, ông lập nghiệp ở Hà Nội. Chính khoảng thời gian tham gia quân ngũ đã giúp ông trui rèn ý chí, hình thành tác phong nghiêm túc, nền nếp trong thực hiện các nhiệm vụ. “Qua đời lính đã rèn cho mình cương nghị, rắn rỏi hơn trước những khó khăn. Vì tốt nghiệp ĐH Thủy lợi nên giúp cho mình nhiều trong nhiệm vụ của công binh như đọc bản vẽ, xây lắp hầm, tính toán khối lượng xây dựng, vận hành xe, làm cầu đường…”, PGS. TS Hoàng Minh Tuyển nhớ lại.

Ông tâm sự, hồi đầu làm nghiên cứu khoa học mới thấy những nghiên cứu mang nhiều tính chất hàn lâm và mô tả. Từ khi Viện sáp nhập vào Bộ TN&MT, các đề tài, dự án đã được tăng cường đầu tư về nguồn lực và con người; lĩnh vực tài nguyên nước phát triển mạnh và các nghiên cứu đều hướng tới phục vụ thực tế, có địa chỉ ứng dụng và theo yêu cầu của địa phương… dần dần đã phát huy những thế mạnh của thủy văn và tài nguyên nước trong phát triển kinh tế xã hội, giúp cộng đồng nhận thức rõ hơn giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng bậc nhất này.

Ở đâu có nước, ở đó có sự sống. Điều này được thể hiện qua các hoạt động nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu. Các đề tài nổi bật do Viện thực hiện mà ông đã tham gia có thể kể đến Bộ dữ liệu KTTV và Hải văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng; Bộ atlas KTTV&HV đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Chương trình Nhà nước về Cân bằng sử dụng nước quốc gia… phục vụ cho công tác quy hoạch sử dụng nước, xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện trên cả nước. PGS. TS Hoàng Minh Tuyển cũng từng làm Chủ nhiệm dự án Đánh giá tác động của BĐKH đến tài nguyên nước Việt Nam (do Chính phủ Đan Mạch tài trợ), chủ nhiệm nhiều đề tài các cấp và tham gia nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học quan trọng phục vụ xây dựng chính sách, trong đó có Quy trình vận hành liên hồ chứa, Bản đồ rủi ro lũ quét cho các tỉnh miền núi Việt Nam…

 Vẽ bản đồ phân vùng khí hậu nông nghiệp

Năm 1977, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh thanh niên Dương Văn Khảm đã gia nhập quân ngũ và trở thành Trung đội trưởng Trung đội Kế toán Pháo binh của Tiểu đoàn 33. Sau đó, vì muốn vào đại học nên ông đã bỏ qua cơ hội học sĩ quan và xuất ngũ. Từ sự gắn bó với cuộc sống nông nghiệp nông thôn, ông đã chọn thi vào trường Đại học Nông nghiệp 1. Với những thành tích xuất sắc, ông được chọn đi Liên Xô học về khí tượng nông nghiệp, khi về nước lại công tác tại Viện KTTV 3 năm và tiếp tục được cử đi học Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ Khí tượng nông nghiệp ở Trung Quốc trong vòng 7 năm.

PGS.TS Dương Văn Khảm (thứ 5 từ trái sang) cùng đoàn nghiên cứu khí tượng nông nghiệp ngoài thực địa

“Mình lớn tuổi mới vào nghề, nghe mọi người đều nói làm khí tượng nghèo lắm, ngay cả gia đình cũng có ý kiến, nhưng đã xác định tư tưởng rồi và không hối hận. Khi được cử đi học chỉ nghĩ một điều là phải học thành tài để phục vụ quê hương đất nước, mang kiến thức giúp bà con nông dân đỡ khổ”, PGS. TS Dương Văn Khảm tâm sự. Có câu, quân đội là trường đại học tổng hợp. Dù làm khí tượng không phải cầm súng nhưng thời gian đi lính đã dạy cho con người ta nhiều điều về ý chí kiên định, quyết đoán, tinh thần nghiêm túc học tập. Để vượt lên hoàn cảnh, ngoài ý chí còn phải có kiến thức, kĩ năng chuyên môn, quá trình tôi luyện, không ngừng phấn đấu trau dồi bản thân để tiến bộ. Đây chính là điều PGS. TS Dương Văn Khảm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp truyền cho lớp cán bộ trẻ trong quá trình công tác.

Tình yêu nghề cũng với sự nỗ lực không ngừng đã giúp ông tiếp tục gắn bó với ngành khí tượng và đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học. PGS. TS Dương Văn Khảm từng làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước cấp bách về phân hạng mức độ khắc nghiệt của sương muối ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Kết quả nghiên cứu đã giúp phân vùng, phân hạng, giám sát và cảnh báo sương muối, giảm thiểu thiệt hại cây trồng do hiện tượng thời tiết nguy hiểm này cho bà con 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.

Ngoài ra, ông còn làm chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và tham gia nhiều đề tài, dự án quan trọng khác áp dụng các công nghệ mới như: Viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS)  trong dự báo khí tượng nông nghiệp, quy hoạch phân vùng khí hậu nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình cảnh báo thiên tai cho tỉnh Quảng Ninh, đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phân tích đặc điểm khí hậu, phân vùng phát triển nông nghiệp cho tại nhiều địa phương như: Bắc Kạn, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế... Những đề tài đều mang tính ứng dụng cao và là cơ sở để chính quyền các nơi điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương mình.

“Nước ta đã có phân vùng khí hậu nông nghiệp với các tiểu vùng khí hậu. Nhưng trước những ảnh hưởng tiêu cực từ BĐKH, cần phải phân vùng lại, cập nhật số liệu mới và điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình thời tiết, thiên tai khó lường như hiện nay”, PGS. TS Dương Văn Khảm nhận định. 

Lấy ví dụ về hạn hán, các nhà khoa học sẽ tính toán xác suất thời điểm bắt đầu và kết thúc, so sánh với giai đoạn trước và xác định quy mô, mức độ khắc nghiệt của hạn hán. Đây sẽ là khuyến cáo cho các nhà quản lý và người nông dân về vấn đề trồng cây gì – nuôi con gì cho phù hợp, dựa vào đó xây dựng các giải pháp ứng phó BĐKH.

***

Gắn bó với khí tượng, thủy văn từ những năm đầu công tác, cả 2 nhà khoa học đều có thâm niên trong nghề và hiểu rõ khó khăn của khoa học nước nhà nói chung, lĩnh vực KTTV nói riêng về cơ chế, tài chính, công nghệ, con người… Quan điểm của họ là phải nỗ lực đạt kết quả tốt nhất trong khả năng của mình, đặc biệt là tranh thủ đào tạo thế hệ cán bộ kế cận, truyền lửa cho họ tiếp tục phát triển các đề tài khoa học, khắc phục hoàn cảnh để cho ra đời những sản phẩm khoa học có ích phục vụ đất nước.

Khánh Ly

Nguồn: Monre
Các tin khác