Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Hiện đại hóa dự báo thiên tai
Ngày đăng: 30/12/2016
Trước những diễn biến về tình hình khí tượng thủy văn (KTTV) ngày càng phức tạp, Trung tâm KTTV Quốc gia đã cố gắng duy trì mạng lưới quan trắc, đo đạc, thu thập đủ số liệu, xử lý, dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng KTTV trên phạm vi cả nước, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai được các cấp quản lý, dư luận đánh giá cao. Tuy vậy, để đáp ứng thông tin thời tiết cập nhật kịp thời, chính xác cần phải cải tiến mạnh mẽ hơn nữa. Để hiểu hơn vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi cùng ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia.

PV: Dự báo các hiện tượng thời tiết có tính cục bộ, diện hẹp, diễn biến nhanh như mưa lớn, dông lốc, lũ quét... thực sự chưa bao giờ đơn giản. Vậy theo ông, mật độ mạng lưới trạm, công nghệ truyền và xử lý thông tin có ảnh hưởng như thế nào đến công tác dự báo?

Ông Lê Thanh Hải: Hiện nay, mạng lưới quan trắc phục vụ dự báo trên cả nước có 194 trạm khí tượng bề mặt, 755 điểm đo mưa nhân dân, 23 trạm khí tượng hải văn, 354 trạm thủy văn, 7 ra đa thời tiết, 6 trạm vô tuyến thám không, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học.

Trong mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia do Bộ TN&MT quản lý, để đảm bảo chất lượng quan trắc KTTV, tất cả các thiết bị quan trắc đều được kiểm định theo chu kỳ tại Trung tâm kiểm định hoặc có sự so sánh đối chiếu theo định kỳ đối với những thiết bị có trọng lượng lớn không thể di chuyển thường xuyên. Ngoài ra, bất kỳ một thiết bị quan trắc nào (của trong nước hay nước ngoài) đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào sử dụng trong quan trắc nghiệp vụ. Các số liệu quan trắc KTTV đều được thẩm định, chỉnh biên trước khi lưu trữ tại Trung tâm KTTV quốc gia.

Tại các trạm KTTV, quan trắc thủ công vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn. Bên cạnh đó, trong 1 trạm quan trắc KTTV không phải yếu tố nào cũng được tự động hóa toàn bộ từ quan trắc đến truyền số liệu. Trạm khí tượng tự động mới đạt 18,04%, đo mưa tự động đạt 49,27%, khí tượng cao không đạt 66,67%, thủy văn (đo mực nước) đạt 42,09%, thủy văn (đo lưu lượng nước) đạt 31,33% trên tổng số các trạm từng loại.

Sự thiếu đồng bộ giữa các thiết bị quan trắc KTTV tự động, bán tự động và thủ công cũng ảnh hưởng tới quá trình truyền số liệu, thu thập số liệu phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV.

Để thực hiện 1 ca quan trắc KTTV, các quan trắc viên trực tiếp thực hiện việc thu thập thông tin tại hiện trường, sau đó, mã hóa và truyền số liệu (mất gần 30 phút).

Khi tiếp nhận được thông tin điện báo truyền về, hệ thống phải giải mã, cập nhật dữ liệu đưa vào mô hình dự báo, các dự báo viên sẽ phân tích và đưa ra các cảnh báo dựa trên số liệu nhận được. Thêm vào đó, để tăng xác suất dự báo, số liệu quan trắc của từng quốc gia sẽ được đưa vào mô hình để đồng hóa các số liệu cho phù hợp. Công đoạn này đang được thực hiện bán tự động nên có độ trễ về thời gian mất khoảng 1 giờ.

Ở Việt Nam, mỗi trạm quan trắc chỉ có thể quan sát, ghi nhận thông tin trong bán kính khoảng 20 km. Khoảng cách giữa hai trạm cách nhau từ 50 km đến 100 km, như vậy, có ít nhất 30 km giữa hai trạm không thể nắm được thông tin, diễn biến chính xác các hiện tượng đang xảy ra. Số lượng trạm quan trắc rất ít, dẫn đến việc quan trắc không đầy đủ, cho nên mặc dù, đã có tất cả các mô hình hiện đại trên thế giới, nhưng kết quả dự báo ở các mô hình vẫn chưa đủ độ tin cậy. Do đó, ngoài hoạt động quan trắc, Trung tâm đã dùng kết hợp các phương pháp khác để hỗ trợ và dự báo như ảnh vệ tinh, ra đa thời tiết... Tuy vậy, hệ thống ra đa, trạm đo tự động chưa đủ dày để phủ kín lãnh thổ mà còn nhiều trạm đo thủ công.

* PV: Trong bối cảnh thiên tai KTTV ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là tác động của El Nino/La Nina, Bộ cần có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dự báo?

Ông Lê Thanh Hải: Trong bối cảnh bối cảnh thiên tai KTTV ngày càng có diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ ngắn hạn tới dài hạn.

Trong đó, tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số để tăng cường năng lực dự báo KTTV từ hạn cực ngắn đến hạn dài; tăng cường công nghệ dự báo, đặc biệt là đầu tư xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ mô hình dự báo bão, dự báo mưa lớn cho các khu vực của Việt Nam;

Chú trọng việc xây dựng và thực hiện các quy trình dự báo, cảnh báo chi tiết đối với từng loại thiên tai KTTV.

Tận dụng các nguồn khác nhau để đầu tư nhằm triển khai các quan trắc KTTV trên biển với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp, các trạm quan trắc cao không, ra đa. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia có nền khoa học công nghệ về KTTV phát triển nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn lực, thúc đẩy cơ chế hợp tác đối tác và hợp tác chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm thay cho việc chỉ hợp tác tiếp nhận.

Tăng cường công tác tuyên truyền khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai bão, lũ, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn,… để các cấp chính quyền và nhân dân biết được mức độ tin cậy của các bản tin dự báo và triển khai các phương án phòng chống phù hợp với từng loại thiên tai KTTV và ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai.

Đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học nhằm nhận thức rõ hơn về tác động của El Nino/La Nina đến thiên tai KTTV ở Việt Nam cũng như tác động của chúng đến tính bất thường của các loại thiên tai.

* PV: Hiện nay, trên các hệ thống sông lớn, có nhiều hồ chứa thủy điện, Bộ có giải pháp nào để nâng cao chất lượng dự báo lũ khi có tác động của các hồ chứa này?

Ông Lê Thanh Hải: Trên nhiều hệ thống sông, hệ thống các hồ thủy điện đã tác động và làm thay đổi chế độ thủy văn và thủy lực của dòng sông. Để nâng cao chất lượng dự báo lũ trong điều kiện có tác động của hồ chứa, Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT chia sẻ các thông tin, dữ liệu quan trắc và vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong quá trình giám sát, dự báo lũ.

Phối hợp với các đơn vị đã được phân công trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong các Quy trình vận hành liên hồ chứa do Chính phủ ban hành trên 11 lưu vực sông, cả trong mùa lũ và mùa kiệt.

Tăng cường mạng lưới quan trắc KTTV tại khu vực thượng lưu hồ chứa, hạ lưu các hồ chứa nhằm cung cấp đẩy đủ các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác cảnh báo, dự báo lũ, chỉ đạo, điều hành vận hành hồ chứa và liên hồ chứa.

Xây dựng và ứng dụng các mô hình hiện đại kết hợp với hệ thống thông tin địa lý, công nghệ dự báo số cảnh báo, dự báo lũ sớm và nguy cơ ngập lụt hạ du do tác động điều tiết của hồ chứa; phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng các bản đồ ngập lụt, các tháp (cột) cảnh báo lũ.

* PV: Hiện tượng dông sét ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, Bộ có những giải pháp nào để cảnh báo sớm đến người dân chủ động phòng tránh kịp thời, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Dông, sét là loại hình thiên tai rất nguy hiểm thường xảy ra trong phạm vi rất nhỏ (quy mô vài km, vài trăm mét), thời gian xảy ra ngắn (vài chục phút hoặc vài giây) rất khó dự báo, cảnh báo. Công nghệ trên thế giới chỉ có thể đưa ra được cảnh báo trước khi hiện tượng dông sét này xảy ra từ 10 phút đến vài giờ. Để cảnh báo sớm hiện tượng dông sét, Bộ TN&MT tăng cường hợp tác quốc tế với các nước phát triển để trao đổi và tiếp nhận công nghệ hiện đại trong cảnh báo dông và sét. Hiện nay, Bộ đã chủ động phối hợp với các cơ quan khí tượng của Phần Lan xây dựng hệ thống giám sát và định vị sét cho Việt Nam.

Triển khai hoàn thiện hệ thống ra đa thời tiết độ phân giải cao có khả năng phát hiện và cảnh báo sớm các trận dông sét, tố lốc, gió giật mạnh,...

Phối hợp với Bộ TT&TT để gửi thông tin cảnh báo dông sét đến người dân (qua hệ thống điện thoại di động) cũng như tăng cường truyền tin bằng các phương thức khác nhau để đến được người dân ở vùng nguy hiểm một cách nhanh nhất.

Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, công ích nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh tới người dân khi có thông tin cảnh báo các loại hình thiên tai KTTV nguy hiểm nói chung và dông, sét nói riêng.

* PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Thu Hà (thực hiện)

Nguồn: Monre
Các tin khác