Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Phát triển công nghệ thu hồi và lưu giữ CO2
Ngày đăng: 23/11/2016
Trái Đất nóng lên là hậu quả quá trình tích lũy lâu dài của khí nhà kính, chủ yếu là CO2 và metan. Thay đổi này sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống, bầu khí quyển và khí hậu. Do đó, việc phát triển các công nghệ giúp giảm lượng khí CO2 thải ra bầu khí quyển đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới.

 
Trái đất nóng lên là hậu quả quá trình tích lũy lâu dài của khí nhà kính, chủ yếu là CO2 và metan. Ảnh: MH

 Tác hại khôn lường

Trái đất nóng lên là hậu quả của một quá trình tích lũy lâu dài của khí nhà kính mà chủ yếu là CO2. Vì vậy, lượng CO2 ngày càng tăng thì nhiệt độ trái cũng tăng theo. Điều này đang làm cho các loài sinh vật  mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm từ 1,1 - 6,4oC.

Bên cạnh đó, sự nóng lên của Trái Đất còn gây ra các thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh, hạn hán… Tổ chức WHO đưa ra báo cáo, các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới.

Các đợt nắng nóng khủng khiếp cũng đang diễn ra thường xuyên hơn gấp 4 lần so với trước đây, và dự đoán trong vòng 40 năm tới, mức độ thường xuyên của chúng sẽ gấp 100 lần so với hiện nay. Trái Đất nóng lên cũng làm cho các núi băng và sông băng co lại, đồng nghĩa với mực nước biển đang dần dâng lên, làm tăng lượng nước đổ vào các biển và đại dương.

Nhiệt độ nước ở các biển và đại dương ấm lên là nhân tố tiếp thêm sức mạnh cho các cơn bão. Những cơn bão khốc liệt đang ngày một nhiều hơn. Trong vòng chỉ 30 năm qua, số lượng những cơn giông bão cấp độ mạnh đã tăng gần gấp đôi. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, tiêu phí nhiều tỷ đô la. Ngoài ra, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần rất nhiều tiền. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm thâm hụt các nền kinh tế.

Phát triển công nghệ giảm lượng khí CO2

Để thực hiện mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ của Trái Đất, các nhà khoa học đã nghiên cứu công nghệ tách và thu hồi CO2 từ khí thải của các nhà máy, sau đó cất giữ CO2 trong hệ thống ngầm dưới đáy biển.

Các nhà khoa học cho rằng công nghệ thu hồi và lưu giữ CO2 có thể giúp giảm 5,5 tỷ tấn CO2, tương đương với 16% lượng CO2  cần giảm để đưa hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2oC so với nhiệt độ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc tế, thu hồi và lưu giữ CO2 được dự kiến đến năm 2050 sẽ giúp giảm tới 13% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.

Nhiều dự án thu hồi và lưu giữ CO2 quy mô lớn đang được tiến hành tại nhiều quốc gia như: Na Uy, Canada, Mỹ và Brazil. Trong đó, dự án thu hồi và lưu giữ CO2 của Nhật Bản nhận được sự chú ý của thế giới nhờ vào các ứng dụng công nghệ thu hồi và lưu giữ CO2 tiên tiến như: giảm năng lượng được sử dụng để tách và thu hồi CO2, bơm CO2 trực tiếp từ đất liền ra các bể chứa ngoài khơi và giám sát thay đổi địa chất tại đại dương thông qua một hệ thống đo đạc ngầm. Các bể chứa ngoài khơi có thể là các lớp địa chất xốp mà không khí đi qua được như tầng ngậm nước, cấu trúc sa thạch, hoặc các mỏ dầu, mỏ khí đốt ở độ sâu dưới 1.000m.

CO2 sau khi được bơm vào các bể chứa ngầm sẽ được ngăn chặn rò rỉ ngược lên trên bằng các lớp đá dày và không thấm nước (đá vôi, đá bùn) để đảm bảo CO2 sẽ được cất giữ an toàn và ổn định.

Chính vì vậy, cấu trúc địa chất gồm có lớp đá xốp phù hợp để làm bể chứa CO2 và các lớp đá thạch cao hoặc đá vôi chồng lên nhau để ngăn CO2 rò rỉ ngược lên trên là yếu tố bắt buộc để chọn địa điểm xây dựng nhà máy thu hồi và lưu giữ CO2.

Theo ước tính của Viện nghiên cứu Công nghệ đổi mới cho Trái Đất, Nhật Bản có thể cất giữ 146,1 tỷ tấn carbon, tương đương với lượng khí thải của 100 năm.

Việc bơm CO2 ra các bể chứa ngoài khơi được Nhật Bản tiến hành từ tháng 4/2016 với khối lượng là 300.000 tấn CO2, bơm vào một trong hai bể chứa ở độ sâu từ 1.000 đến 2.000m dưới đáy biển, ngoài khơi cảng Tomakomai. Dự kiến, hoạt động bơm CO2 được tiến hành trong 3 năm (đến năm 2018) và giám sát trong vòng 5 năm (đến năm 2020).

Phạm Thu Hà

Nguồn: Monre
Các tin khác